Chuyện khó quên ở Khe Năm
Theo chân Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) Nguyễn Sỹ Luận về thôn Khe Năm, nơi được các anh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh đỡ đầu, ngay từ đầu thôn đã thấy cổng làng to cao bề thế có in dòng chữ trên nền xanh “Công trình do Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh tài trợ” nổi bật giữa non ngàn. Ông Luận dừng chân dưới cổng thôn nói: Các anh BĐBP không chỉ giỏi truy bắt tội phạm giữ bình yên biên giới quốc gia, mà còn giỏi giúp Sơn Kim 1 chúng tôi củng cố hệ thống chính trị, ổn định tình hình an ninh - trật tự an toàn xã hội và trở thành xã biên giới đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Những năm trước đây nói về xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn người ta nghĩ ngay đến người dân cuốn theo cơn xoáy lốc của việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu qua biên giới, và “con số 202”(hơn 200 con nghiện, đầu gấu tù mới tha) ngày đêm tung hoành, gây mất an ninh - trật tự, trở thành nỗi ám ảnh cho người dân trên địa bàn biên giới. Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, lúc đó đang là Đồn trưởng BP Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nhớ lại: Trước tình hình phức tạp của Sơn Kim, cán bộ, chiến sĩ đồn nhiều đêm trăn trở nghĩ cách và đưa ra sáng kiến xây dựng “Câu lạc bộ (CLB) tình thương” cai nghiện ở tại thôn Khe Năm. Tháng 6-2010, “CLB tình thương” ra đời do Chủ tịch Hội Phụ nữ xã làm chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể địa phương là thành viên. Với quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ của đồn đến từng nhà tuyên truyền, vận động các đối tượng. Thượng tá Võ Trọng Hải kể lại: “Lúc đầu, các đối tượng thấy các thành viên CLB tình thương đến đều lánh mặt, nhưng với tinh thần kiên trì và bằng tình cảm chân thành, dần dần họ hiểu và chấp nhận tham gia CLB”. Đều đặn hằng tháng vào ngày 16 âm lịch, CLB tổ chức sinh hoạt với ba nội dung chính: Chia sẻ những khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chăm sóc, tổ chức cai nghiện ma túy tại nhà và tìm ra mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. CLB còn mời các chuyên gia tư vấn, giúp các đối tượng cai nghiện hiệu quả hơn. Đến nay, “CLB tình thương” có hơn 40 thành viên tham gia sinh hoạt. Lúc đầu tìm được việc làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống là công việc không mấy dễ dàng, vì các doanh nghiệp đều “ngán” không muốn nhận họ làm việc, nhất là đối tượng nghiện ma túy và bị nhiễm HIV. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy đồn đã đứng ra bảo lãnh với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho anh em. Tổ bốc vác được thành lập với gần 20 người, thường xuyên có mặt ở cửa khẩu tham gia bốc, chuyển hàng khi có “hợp đồng”, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng”. Để bền vững hơn, đồn đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp chung tay, góp sức giúp đỡ vốn cho các mảnh đời lầm lỡ làm lại cuộc đời. Từ nguồn vốn này, đồn phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện để các đối tượng phát triển kinh tế, với chủ trương cho vay vốn xoay vòng không lấy lãi, với các mô hình kinh tế như nuôi lợn, gà, phát triển kinh tế rừng...
Khi nguồn vốn huy động được nhiều, “CLB tình thương” đã thực hiện chương trình ngân hàng bò với 10 con bò cái. Hiện nay, trong số nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ chăn nuôi bò, vay vốn phát triển nghề rừng… có gia đình anh Phạm Quang Minh, từ bò hỗ trợ của “ngân hàng bò” đã sinh sôi nảy nở. Trong niềm vui, anh Minh chia sẻ: “Trước đây khi tham gia CLB, tôi làm bốc vác ở cửa khẩu, được sự giúp đỡ của CLB, gia đình tôi phát triển mô hình trồng rừng, bình quân mỗi năm thu nhập khoảng 35 triệu đồng”. Còn mô hình chăn nuôi tổ hợp gia súc, gia cầm từ nguồn vốn “CLB tình thương” của chị Đỗ Thị Thu Hà, bình quân mỗi năm cho thu nhập 30 triệu đồng. Chị Hà không hề mặc cảm: “Tui bị lây nhiễm HIV/AIDS từ chồng; khi chồng mất, cuộc sống của tôi như đi vào ngõ cụt. Đôi mắt ngấn lệ, chị thổn thức: “Cũng vì con gái mà tôi cố gắng sống, nhưng từ khi tham gia CLB, với sự giúp đỡ của các anh BĐBP và cấp ủy, chính quyền các đoàn thể địa phương, cuộc sống đã thay đổi”.
“CLB tình thương” duy trì hoạt động, cuộc sống của những mảnh đời một thời lầm lỗi từng bước vượt qua khó khăn, đi vào ổn định, nhiều hộ gia đình thành viên CLB tình thương đã phấn đấu trở thành hộ giàu. Điều này không chỉ góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, mà mỗi thành viên CLB còn là “tai mắt” của lực lượng BP trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy trên biên giới, Thượng tá Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh.
“Các anh về mái ấm nhà vui”…
Trước đây nói về xã biên giới Sơn Kim 1, người ta nghĩ về một vùng hạ tầng thấp kém, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn... Nhưng bây giờ đã khác, khi chúng tôi theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Luận mục sở thị, những con đường đi vào các ngõ, xóm được mở rộng và bê-tông hóa, không còn lầy lội như trước. Lẩn khuất sau những rặng cây, nhiều ngôi nhà hai tầng, những căn biệt thự mọc lên nổi bật giữa thung ngàn. Nhiều dịch vụ buôn bán, trao đổi hàng hóa nông sản được mở xuống tận các thôn, xóm…
Ông Nguyễn Sỹ Luận cho biết: Khi tỉnh có chủ trương chọn Sơn Kim 1 là xã biên giới điểm xây dựng NTM, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu với những điều kiện còn hết sức khó khăn (rà soát mới chỉ đạt được năm tiêu chí). Ngay từ những ngày đầu, BĐBP Hà Tĩnh đã giao cán bộ, chiến sĩ trực tiếp là Đồn BP cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đến từng hộ dân vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu về chương trình NTM… Khó khăn lớn nhất vẫn là vốn, huy động sức dân thì khó mà thành công vì tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn 30%. Trước thực tế này, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã đứng ra kêu gọi cán bộ, chiến sĩ đóng góp lương, những nhà hảo tâm từ mọi miền Tổ quốc chung tay, đóng góp xây dựng NTM ở Sơn Kim 1. Sau khi kêu gọi, nhiều doanh nhân là con em Hà Tĩnh và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ trong thời gian ngắn kêu gọi đã ủng hộ đóng góp cho quỹ xây dựng NTM của BĐBP được 14 tỷ đồng. Riêng để Sơn Kim 1 sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, BĐBP Hà Tĩnh ủng hộ 10 tỷ đồng.
Theo lộ trình, năm 2015, Sơn Kim 1 mới hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên sự chung tay, tận tâm của lực lượng BĐBP Hà Tĩnh, đến cuối tháng 11-2014, Sơn Kim 1 đã về đích sớm trước một năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 3%, thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm. Sơn Kim 1 trở thành xã biên giới đầu tiên của cả nước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, tạo điều kiện tốt nhất để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Tạm biệt thôn Khe Năm, nhìn con đường bê-tông sạch sẽ bằng phẳng, thôn, xóm bình yên no ấm, dưới cổng thôn bề thế, chúng tôi lại nhớ câu thơ: “Các anh về mái ấm nhà vui…”, và nhìn lên đỉnh Keo Nưa, sương đã dần tan. Một mùa Xuân mới đang về nơi miền biên viễn!
Dưới chân Keo Nưa
|