Đặc biệt là huyện đã nhanh chóng khắc phục, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân các xã bị thiệt hại nặng do bão số 9 gây ra; đồng thời hoàn thành nhiệm vụ chính trị địa phương năm 2006, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ X của Ðảng, Ðại hội 8 Ðảng bộ tỉnh, Ðại hội 9 Ðảng bộ huyện đều đạt và vượt các chỉ tiêu trên giao, xứng đáng là đơn vị thi đua dẫn đầu toàn tỉnh năm 2006.
Gò công Đông (Tiền Giang) có diện tích tự nhiên 36 nghìn ha, với số dân gần 200 nghìn người. Toàn bộ phía đông của huyện dài 32 km tiếp giáp bờ biển, có tuyến đê sông dài 91 km, được bao bọc bởi ba cửa sông lớn: cửa Soài Rạp, cửa Tiểu và cửa Ðại, là nơi hội tụ nguồn tài nguyên thủy sản đa dạng, phong phú; đồng thời còn là cửa ngõ thứ hai của tỉnh, chỉ cách TP Hồ Chí Minh gần 40 km... Với lợi thế tiềm năng quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, Ðảng bộ huyện đã xác định việc nuôi trồng, khai thác, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản; đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái... là mũi nhọn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một thời gian rất dài Gò Công Ðông vốn nổi tiếng là vùng "đất trắng", là một trong số những huyện nghèo nhất tỉnh vì đất đai bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Mùa nắng thì "đồng khô, cỏ cháy", mặn xâm nhập kéo dài hơn sáu tháng, đất đai cằn cỗi, sản xuất độc canh cây lúa, chỉ làm được một vụ bấp bênh, năng suất thấp, từ 2 đến 2,2 tấn/ha. Mặt khác, thế mạnh tiềm năng kinh tế biển lại chưa có điều kiện để chú ý khai thác, cho nên đời sống người dân rất cơ cực, vất vả, nhiều hộ dân thiếu việc làm, buộc phải rời xa quê đi làm thuê mướn ở các nơi khác...
Có thể khẳng định Chương trình ngọt hóa Gò Công được Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư ở các huyện phía đông Tiền Giang vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã thật sự làm thay đổi diện mạo và đời sống người dân các huyện phía đông Tiền Giang, nhất là vùng đất Gò Công Ðông. Và cũng chính nhờ chương trình ngọt hóa này, Gò Công Ðông mới có cơ sở phát huy những thế mạnh tiềm năng vốn có của địa phương mình, từng bước nâng cao đời sống người dân biển. Ðó là, sau khi Tiền Giang thực hiện thành công chương trình ngọt hóa, ngăn được mặn và chủ động điều tiết nước ngọt, từ năm 1993 đến nay, nông dân Gò Công Ðông tăng từ một vụ lên hai vụ rồi ba vụ/năm, trên diện tích gieo trồng cả năm đạt 40 nghìn ha; năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha, tổng sản lượng lúa hằng năm đạt 171 nghìn tấn, bình quân đầu người đạt gần 900 kg, trong đó, có gần 80% lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Không dừng lại ở cây lúa, cây màu, người dân biển còn mạnh dạn áp dụng luân canh nuôi cá, heo, bò, dê; đồng thời tận dụng bãi bồi ven biển nuôi nghêu, nuôi tôm sú...
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Ra cho biết: Các mô hình luân canh ở huyện từ cây lúa, màu, và chăn nuôi thời gian qua đều đạt hiệu quả cao vì thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp. Chuyện luân canh trong sản xuất nông nghiệp đạt giá trị hơn 50 triệu đồng/ha ở đây bây giờ không còn là chuyện hiếm. Ông Trịnh Văn Chót ở ấp Bà Lẫy 1, xã Tăng Hòa cho biết: "Từ khi cây lúa ổn định, năng suất cao, tôi nuôi thêm heo và thuê đất nuôi nghêu, với tổng thu nhập lãi hằng năm bình quân gần 200 triệu đồng, vì vậy đời sống rất thoải mái và có điều kiện cho các con đi học đến nơi, đến chốn. Ở Gò Công Ðông hơn mười năm nay chỉ thiếu lao động mùa vụ chứ không còn cảnh tha phương cầu thực như trước đây".
Bí thư Huyện ủy Gò Công Ðông Lê Thành Hưng cho biết: Phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua, nhiệm kỳ (2006 - 2010), huyện tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, phá thế độc canh cây lúa. Tập trung phát triển ngành thủy hải sản gắn liền với chế biến và tiêu thụ, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nâng cao chất lượng các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tích cực thực hiện chủ trương "xóa đói, giảm nghèo". Xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống chính trị và chính quyền các cấp để phục vụ nhân dân tốt nhất... Từ việc xác định cơ cấu kinh tế - xã hội đúng hướng và triển khai một cách đồng bộ, với quyết tâm thực hiện cao độ trong toàn hệ thống chính trị cho thấy, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Ðại hội 9 của huyện đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, làm tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo. Về thế mạnh phát triển thủy, hải sản: Hiện toàn huyện có hơn 6.800 ha đất nuôi trồng thủy sản. Trong đó, tôm sú được xác định là con vật nuôi chủ lực, sau đó là con nghêu.
Hiện huyện đang khai thác nuôi nghêu thịt ổn định, với diện tích hơn 2 nghìn ha, thu hoạch hằng năm hơn 25 nghìn tấn, đem lại nguồn thu hơn 100 tỷ đồng/năm và 917 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có 571 phương tiện đánh bắt xa bờ. Sản lượng đánh, bắt, nuôi trồng thủy hải sản của huyện năm 2006 đạt hơn 64 nghìn tấn, bằng 552,757 tỷ đồng, chiếm 30,55% GDP, huyện phấn đấu đạt 70 nghìn tấn, bằng 600 tỷ đồng, chiếm 40% GDP vào năm 2007. Tổng giá trị GDP năm 2006 của huyện tăng 9,8%, bằng 1.809,6 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 144 tỷ đồng...
Với lợi thế tiềm năng kinh tế biển phong phú, đồng thời Gò Công Ðông có vị trí thuận lợi cả đường sông lẫn đường thủy và nằm gần TP Hồ Chí Minh, cho nên điều kiện phát triển kinh tế biển rất thuận lợi trong thời gian tới. Trong chuyến thăm và làm việc tại huyện, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã nhấn mạnh: Gò Công Ðông cần "vươn ra biển lớn". Nghĩa là phải có những giải pháp và chương trình thực hiện thật cụ thể để tạo bước đột phá trong thời gian tới là tận dụng và khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế biển để tăng tốc phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao đời sống người dân biển. Tổng Bí thư cũng mong rằng, Gò Công Ðông sớm thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra, trở thành một huyện ví như là huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện ủy cho biết: Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện biển rất phấn khởi, tự hào khi được Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh về thăm, làm việc và tặng quà cho gia đình chính sách. Ðây là niềm động viên to lớn cho Gò Công Ðông trong kế hoạch thực hiện thành công các mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2010. Bài toán kinh tế Gò Công Ðông nhận thấy: Trên cơ sở tiềm năng lớn của huyện là phát triển nông - ngư nghiệp, cho nên, hằng năm ở lĩnh vực này phát triển từ 7 đến 8%, giá trị tăng thêm hơn 100 tỷ đồng. Còn lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, hằng năm tăng 15,9%, nhưng giá trị tăng thêm chỉ có 25,7 tỷ đồng. Ðiều này cho thấy, nông - ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Do vậy, từ nay đến năm 2010, bằng nhiều giải pháp tập trung trong đầu tư quyết liệt vào cụm công nghiệp Vàm Láng và cụm công nghiệp Bình Ðông, nhất là khu công nghiệp đóng tàu thủy của Tổng công ty tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được đầu tư xây dựng khoảng hơn 300 ha thuộc địa bàn hai xã Vàm Láng và Gia Thuận thì cơ cấu kinh tế huyện sẽ được thay đổi lớn, phù hợp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Gò Công Ðông cũng đang trong giai đoạn xúc tiến xây dựng hai chợ cá theo quy hoạch đã được duyệt là chợ cá Vàm Láng và Ðèn Ðỏ (Tân Thành) nhằm mở rộng việc giao thương, trao đổi mua bán thủy hải sản và phục vụ dịch vụ hậu cần nghề biển; đồng thời mới đây UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái biển Tân Thành thuộc xã Tân Thành nằm dọc bờ biển, dài 3,3 km và nằm cạnh khu du lịch biển Tân Thành đang hoạt động, làm động lực kích thích phát triển cho toàn khu vực...
Với những hoạch định khá chi tiết trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện biển từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo; đồng thời với chương trình hành động cụ thể mà Ðảng bộ huyện đã đề ra và quyết tâm đón đầu cơ hội, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, chắc chắn Gò Công Ðông sẽ gặt hái thêm nhiều thành tựu mới đạt tốc độ GDP hằng năm tăng 10,5% - 11%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,8 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10% theo chuẩn mới... đến năm 2010 như sự mong muốn của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh.