Những khoảng lặng sau tấm màn nhung

|

“Đến Nhà hát để thưởng thức các tác phẩm vũ kịch kinh điển, khán giả sẽ thấy những vũ công đẹp lung linh, cao sang và đầy lãng mạn trên sàn diễn. Nhưng cũng chính họ bên trong cánh gà, mồ hôi túa ra, mũi chân rớm máu. Trong khi đó, thu nhập lại quá bèo bọt, diễn viên chính của Nhà hát mà lương chỉ vài triệu đồng một tháng” - đó là tâm sự đầy xót xa của NSƯT Trần Ly Ly, khi còn là Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Khi tấm màn nhung lộng lẫy khép lại, còn nhiều khoảng lặng hiện hữu khiến những nghệ sĩ biểu diễn luôn bộn bề bao nỗi băn khoăn.

Chế độ đãi ngộ còn rất khiêm tốn

Vài năm trước, nghe vũ công Thu Huệ (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) chia sẻ về mức lương hằng tháng 3,5 triệu đồng sau tám năm gắn bó với sàn diễn ballet đỉnh cao, bằng đúng giá tiền mua một đôi giày mũi cứng, tôi đã tưởng mình nghe nhầm. Ngày đó, Huệ vừa được tạp chí Forbes Vietnam tôn vinh trong danh sách 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất năm 2020. Huệ đang đảm nhiệm xuất sắc cả hai vai Thiên nga trắng và đen trong vở Hồ Thiên nga.

Đống rác băng Urgo mà Huệ xả ra để băng bó đôi bàn chân trước lúc xỏ giày biểu diễn cũng không cứu nổi những chiếc móng luôn thâm đen, luôn đe dọa thay móng là hình ảnh khiến tôi xót xa. Xót xa hơn nữa là khoản thù lao tập vở 160 nghìn đồng/ngày và 400 nghìn đồng cát-xê cho một đêm cháy hết mình với bốn màn múa liên tục.

Đồng nghiệp của Huệ, “hoàng tử ballet” Đàm Hàn Giang - nghệ sĩ trẻ nhất được phong tặng NSƯT cũng chỉ nhận mức lương 3 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập chạm mức 5 triệu đồng vào thời điểm cách đây 5 năm. Là thế hệ vũ công solist kế tiếp, sau những tên tuổi sáng giá Lê Vũ Long, Cao Chí Thành... của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, vậy mà nhân vật hoàng tử lộng lẫy trong vở ballet Kẹp hạt dẻ cũng chỉ mang lại cho anh 300 nghìn đồng thù lao, thêm vào đó là 80 nghìn đồng cho mỗi buổi tập.

Như phân tích của TS Mai Thị Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì dù đã có nhiều lần điều chỉnh cho thấy sự quan tâm của Nhà nước với đội ngũ nhân lực ngành nghệ thuật thì với mức lương trung bình 3-5 triệu đồng/tháng, đa phần các nghệ sĩ thuộc đoàn nghệ thuật công lập không đủ chi phí để trang trải cuộc sống. Lương của nghệ sĩ trẻ cả tháng không bằng thù lao diễn ngoài một buổi. Ngoài lương, theo quy định còn có khoản phụ cấp ưu đãi nghề 15% và 20%, phụ cấp độc hại (hay tiền thanh sắc) là 0,2% và 0,3% cho lần lượt hai đối tượng nhạc công và diễn viên nhưng cũng không đáng kể.

“Bởi thế, nếu đồng nghiệp nước ngoài được tạo điều kiện tối đa để chỉ toàn tâm toàn ý cho sàn diễn thì chúng tôi vẫn phải bươn chải với gánh nặng mưu sinh sau những giờ tập luyện vất vả, vẫn phải đi diễn hoặc đi dạy để có thêm thu nhập” - vũ công Thu Huệ buồn rầu tâm sự. Tuổi nghề rất ngắn, thời gian cống hiến đỉnh cao không nhiều, lại không thể tận dụng kiếm tiền bằng mọi giá (vũ công ballet không thể biểu diễn với vũ đoàn, giọng ca opera không thể hát nhạc nhẹ vì sẽ làm hỏng nghề), nếu không có cơ hội giảng dạy hoặc truyền nghề sau khi nghỉ diễn, cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn.

Vũ công Thu Hằng trước giờ diễn vở ballet Giselle.

Sinh năm 1986, là gương mặt solist tài năng của nhà hát nhiều năm nhưng Giang cũng đành ngậm ngùi rời sàn diễn đỉnh cao khi tuổi ngoài 30. Không chỉ thành lập Hanoi Kids’ Art Center - nơi anh vừa mới dàn dựng vở ballet kinh điển Paquita cho cả trăm diễn viên nhí từ 5 đến 16 tuổi, giờ anh là giảng viên của Học viện Múa Việt Nam và vẫn phải đồng hành cùng những căn bệnh nghề nghiệp phổ biến như căng cơ lưng, cột sống bị chệch lâu dần dẫn tới gai đôi, thoái hóa (vì phải bê đỡ quá nhiều), đau xương, dịch khớp bị khô (vì nhảy liên tục)...

Giọng nữ cao trữ tình dày dặn (full lirico soprano) Hà Phạm Thăng Long cũng đành chuyển hướng sang giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Quân đội, dù đang là giọng ca solist của Nhà hát Nhạc vũ kịch. Những cái tên xuất hiện trong bài viết đều là những nghệ sĩ sáng giá bậc nhất, trong lĩnh vực nghệ thuật mà họ một đời theo đuổi. Nhìn họ để thấy, số đông nghệ sĩ còn lại sẽ vất vả tới mức độ nào.

Chính sách còn nhiều bất cập

Một bất cập lớn mà các đơn vị nghệ thuật biểu diễn luôn “kêu cứu” suốt nhiều năm qua là những bất hợp lý về tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu. Tổng hợp từ các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho thấy, số lượng nghệ sĩ, diễn viên “hết tuổi nghề” nhưng chưa đến tuổi nghỉ chế độ hưởng lương là rất lớn, đặc biệt đối với loại hình nghệ thuật đặc thù như xiếc, múa...

Số này, nếu không được bố trí, sắp xếp vị trí phù hợp hoặc tham gia công tác đào tạo, truyền nghề thì họ vẫn ở lại từ 10-15 năm nữa mới đủ tuổi về nghỉ chế độ, gây khó khăn cho đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng biểu diễn.

Lương chính, phụ cấp và khung thù lao đều rất thấp nhưng điều kiện thăng hạng viên chức để tăng thu nhập lại bộc lộ khá nhiều bất cập. Theo Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành NTBD thì chức danh nghề nghiệp diễn viên có 4 hạng và bắt buộc viên chức muốn thăng hạng phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh diễn viên, như một cán bộ hành chính của các ngành nghề khác.

Từ bậc 4 thấp nhất, muốn lên ba hạng trên thì phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Trong khi đa phần NSND, NSƯT, các tài năng trẻ ở địa phương chủ yếu được đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc truyền nghề nên việc có được tấm bằng đại học là điều kiện quá khó. Chưa kể theo PGS Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, “đào tạo đại học ngành nghệ thuật cần điều kiện bắt buộc ở người học về năng khiếu chuyên biệt và không thể đại trà”.

Một thực tế tréo ngoe nữa là thời gian trước, các diễn viên dù có bằng đại học trở lên vẫn phải nhận mức lương khởi điểm trung cấp. Giọng ca opera Thu Quỳnh, người để lại dấu ấn nghệ thuật đậm nét với nhân vật Fantine trong vở nhạc kịch liên tục cháy vé Những người khốn khổ, dù đã có bằng thạc sĩ nhưng vẫn phải khởi đầu từ bậc lương trung cấp. May là quy định này đã được điều chỉnh ít năm gần đây nên các cử nhân, thạc sĩ nghệ thuật đã đỡ thiệt thòi.

Thế nhưng vì chưa được vào biên chế nên sau khi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ra đời (với khoản 3 Điều 3 quy định: không được ký hợp đồng lao động với người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước), Quỳnh chỉ được Nhà hát Nhạc vũ kịch tạo điều kiện ký hợp đồng ngắn hạn, với mức lương 2,7 triệu đồng và hồi hộp chờ cơ hội vào biên chế, dù rất mong manh.

NSƯT Chí Trung, ngày còn là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từng buồn bã chia sẻ: “Căn cứ vào nội dung về Xây dựng chính sách quản lý biên chế gắn với vị trí việc làm tại Quyết định số 01/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 1/1/2020, tất cả những nghệ sĩ hợp đồng (cả dài lẫn ngắn hạn) đều bị đưa ra khỏi bảng lương. Vì thế, chúng tôi đã phải ngậm ngùi đưa ra khỏi bộ máy gần 80 nghệ sĩ, đa phần trẻ đẹp, đa phần đang ở độ chín của tài năng và đam mê cống hiến như hai nhạc sĩ Tường Văn-Tuấn Nghĩa hay diễn viên Vân Dung.

Quy luật của sân khấu là “thầy già, con hát trẻ”, chúng tôi sẽ dàn dựng những vở diễn thiếu nhi thế nào, khi công chúa-hoàng tử đều đã ở tuổi trung niên; sẽ biên đạo múa ra sao, với những vũ công đã 40-50 tuổi? Dù đồng lương biên chế còn ít ỏi, nhưng không có nó cũng đồng nghĩa không bảo hiểm, không được công nhận là người của Nhà hát. Những nghệ sĩ trẻ làm sao có thể toàn tâm cống hiến cho thương hiệu Tuổi trẻ, khi bị coi như kẻ ở nhờ? Mà họ thì luôn đứng giữa ngã ba đường, với quá nhiều lời mời gọi từ điện ảnh và truyền hình - những môi trường trọng vọng hơn, có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Đã quy tụ được họ về đây, giờ nhìn nhiều gương mặt tài năng đành dứt áo ra đi, xót xa lắm”.

Bài toán khó vẫn đang chờ lời giải

Căn cứ vào báo cáo rà soát của Vụ Pháp chế tổng hợp cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn của Bộ VHTTDL thì hiện tại có 7 nội dung chính cần nhanh chóng tháo gỡ và có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế (hợp đồng lao động đối với diễn viên; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp; thăng hạng chức danh nghề nghiệp; bồi dưỡng, ưu đãi; phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp lưu động; tuổi nghỉ hưu, tuổi hưởng lương hưu của viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn).

Nhưng để giải quyết rốt ráo những bất cập tồn đọng thì lại cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành (Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ) mà mỗi bộ lại tiếp cận từ một góc nhìn nên khó tìm được tiếng nói chung. Đó là còn chưa kể mọi chế độ, chính sách đều liên quan chặt chẽ đến nguồn tiền, phải cân đối điều chỉnh giữa rất nhiều bộ luật cùng các văn bản nghị định, thông tư hiện rất phức tạp, lắm khi chồng chéo về nội dung và đã nhanh chóng trở nên lạc hậu, không theo kịp sự thay đổi trong thực tế.

Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, chính sách đãi ngộ nghệ sĩ thuộc ngành văn hóa nghệ thuật đã có những chuyển biến tích cực. Một số văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành như Nghị định 116/2003/NĐ-CP của Chính phủ (cho phép một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù được tuyển dụng các nghệ sĩ, diễn viên tuổi đời đủ 15 tuổi trở lên vào ngạch công chức, viên chức) cũng đã mở ra cho các nghệ sĩ trẻ cơ hội việc làm ổn định; Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng với nhiều thay đổi nhằm nâng cao đời sống văn nghệ sĩ...

Dù vậy, những tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách đang đòi hỏi phải thay đổi toàn diện để giới nghệ sĩ biểu diễn có thể yên tâm gắn bó với các đoàn nghệ thuật, từ đó thỏa sức sáng tạo và cống hiến cho công chúng những tác phẩm chất lượng trong tương lai.

Theo số liệu do PGS, TS Đinh Công Tuấn (Trường ĐH Văn hóa) cung cấp thì tính riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL trực tiếp quản lý 12 nhà hát. Theo số liệu thống kê nửa đầu năm 2021, tổng số chỉ tiêu được giao cho 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ gồm viên chức, người lao động là 1.049 người. Thực tế, tổng số cán bộ, viên chức và người đang lao động là 1.316 người, trong đó số lượng hợp đồng 68 (lao động thực hiện các nhiệm vụ ngoài chuyên môn của đơn vị) là 121 người, số hợp đồng lao động thời vụ là 294 người. Tổng số diễn viên trình độ trên ĐH là 4,sau ĐH - Thạc sĩ là 16 người, ĐH là 363, cao đẳng là 55 và trung cấp là 336 người. Hiện cả nước có 107 cơ sở đào tạo từ bậc trung cấp - cao đẳng đến đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.