Một trong những cái tên mà tôi quan tâm tìm hiểu cội nguồn, đó là chợ đêm Dinh Cậu. Chợ họp từ tối đến hai, ba giờ đêm, chủ yếu phục vụ du khách đam mê thưởng thức các món ẩm thực biển: mực, tôm, cá, cua, ốc, ngao, sò… được mang từ biển vào, tươi rói. Hàng chục quán ăn trải dài dọc hai hè phố, tấp nập người ăn, giữa mùi thơm quyến rũ của các loại gia vị, trong đó không thể thiếu mùi nước mắm Phú Quốc, đã được thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) chính thức coi là thương hiệu của Việt Nam, hấp dẫn hàng triệu người tiêu dùng khó tính. “Còn cái tên chợ Dinh Cậu thì sao?”. Anh Châu giải thích thuyết phục: Tên gọi này có từ xưa, thể hiện lòng biết ơn của một người có công mở mang nghề chài lưới nên ngư dân đã lập dinh thờ. Mỗi chủ nhân trước khi ra biển đều đến dinh thắp nhang, cầu mong Cậu phù hộ độ trì gặp mưa thuận, gió hòa, thu về nhiều hải sản. Và lúc trở về, mỗi người không quên qua đó thắp nhang tri ân. Sự hội tụ đông người tự nguyện và thành tâm này, đã biến thành chợ; và sau đó theo nếp quen, chợ chỉ họp về đêm để du khách có thời gian thưởng thức ẩm thực biển. Thì ra, trên đất nước Việt Nam nằm cạnh Biển Đông này, có biết bao tên đất gắn với từng con người, từng sự tích, mà khi nhắc đến đều gợi niềm tự hào, thương nhớ, biết ơn…
Vào thăm Khu Liên hợp ẩm thực - Nhà bảo tàng tư nhân mang tên Cội nguồn nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phía tây thị trấn Dương Đông, chúng tôi ngỡ ngàng về tri thức và sức sáng tạo của bác Huỳnh Phước Huệ, chủ nhân của ngôi nhà năm tầng bề thế trong khuôn viên rộng mấy héc-ta này. Qua năm tầng trưng bày các hiện vật, hình ảnh, du khách hiểu tổng quan lịch sử vùng đất nằm trong Vịnh Thái-lan, được ông, cha ta làm chủ từ thế kỷ 17-18. Cái tên gọi Phú Quốc ra đời từ năm 1680. Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc là lớn nhất, với diện tích 567 km2, dài 49 km, địa hình thoai thoải từ bắc xuống nam với 99 ngọn núi và đồi cây (tôi bỗng nhớ tới 99 ngọn núi hướng về Đền Hùng ở Phú Thọ, một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị). Trước năm 1975, dân số chỉ có hơn 5.000 người; đến năm 2003, theo thống kê chính thức là 79.500 người. Nhắc đến Phú Quốc, ai cũng nhớ đây là một hòn đảo giàu tài nguyên thiên nhiên, “rừng vàng biển bạc”, nhưng trước 30-4-1975, cùng với Côn Đảo, nơi đây là địa ngục trần gian dưới thời Mỹ - ngụy. Hàng chục nghìn chiến sĩ cách mạng của chúng ta đã bị giam cầm, tra tấn dã man; trong đó hàng nghìn người đã bị chết dưới những trận đòn tàn ác; sau đó kẻ thù vứt xác xuống nhiều hố chôn tập thể. Những du khách tới đây chứng kiến những hiện vật, các hình ảnh tra tấn dã man của Mỹ - ngụy, lòng bùi ngùi, căm phẫn; đồng thời thức dậy niềm cảm phục và sự tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã vì nước quên thân. Công cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt những liệt sĩ vẫn tiếp diễn; những khu tưởng niệm đang được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Tôi chú ý dòng lưu bút của nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, GS,TS Nguyễn Văn Huy: “Có thể có nhiều mô hình, con đường đến với bảo tàng tư nhân, nhưng ở đây cứ như là một tập đoàn kinh tế - văn hóa, trong đó có bảo tàng…, góp phần nuôi và thúc đẩy lẫn nhau, cái thì sinh lợi bằng tiền, cái thì bằng du khách…”.
Đến Phú Quốc đúng vào mùa Giáng sinh 2014, cũng là thời điểm Hội đồng nhân dân huyện đảo họp tổng kết công tác năm Giáp Ngọ. Những con số làm phấn chấn cả người dân nơi đây cũng như nhiều du khách: tổng sản phẩm xã hội đạt 2.751 tỷ đồng, tăng 26,78%, trong đó khu vực I tăng 27,5%, khu vực II tăng 35,55%, khu vực III tăng 25,36%. Thương mại - dịch vụ chiếm 60% ngân sách. Thu nhập bình quân đầu người đạt 86,94 triệu đồng/ năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.250 tỷ đồng, vượt 56,25% kế hoạch, tăng 80,32% so với cùng kỳ…
Dạo vòng quanh đảo, mầu xanh những vườn tiêu, vườn rau, cây ăn trái… đang trải rộng. 461 ha trồng tiêu cho sản lượng 990 tấn, có chất lượng thơm cay tốt nhất. Ngành thủy sản đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ. Đêm xuống, nhìn ra biển rực sáng những đoàn thuyền câu cá, mực. Đây cũng là loại hình hoạt động trên biển, được du khách háo hức thuê tàu ra khơi. Chưa hết năm, đã có gần 600 nghìn khách du lịch (trong đó có gần 125 nghìn khách quốc tế) đến Phú Quốc. Tôi vỡ lẽ vì sao trong ngày, có hôm 18 chuyến bay đáp xuống sân bay Phú Quốc, trong số đó có những chuyến bay thẳng từ LB Nga, Singapore, Campuchia, Malaysia. Càng ngạc nhiên hơn, ở hai thị trấn Dương Đông, An Thới, trước cửa nhiều nhà hàng, ngoài dòng tiếng Việt, còn ghi thêm tiếng Nga, tiếng Anh; theo đó, các món ẩm thực phương Đông và phương Tây xuất hiện khá đa dạng, phong phú - một trong những yếu tố thu hút đông đảo sự thưởng thức của du khách. Khu du lịch và điều dưỡng Vinpearl nằm ở tây - bắc đảo, dù mới hoàn thành giai đoạn một, đã làm xao lòng du khách, nhất là đợt thi Hoa hậu toàn quốc tổ chức thành công vào tháng 12 vừa qua. Như vậy, có thể coi đây là “cực nam châm” lớn trên đảo, đã và đang đánh thức nhiều tiềm năng… Trong điều kiện suy thoái kinh tế trong nước và khu vực vẫn còn tác động xấu đến nước ta, thì những con số, cảnh tượng nêu trên, làm ấm lòng người, tiếp thêm niềm tin và hy vọng vào đường hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, vừa được kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII thông qua.
Tháng 9 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II. Đúng mùa Giáng sinh, Chính phủ lại quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế đặc biệt ở huyện đảo Phú Quốc… Tin vui nối tiếp tin vui, báo hiệu mùa xuân Ất Mùi sẽ có thêm nhiều điều tốt lành đến với Đảo Ngọc thơ mộng này.