“Tự chủ trong giáo dục phổ thông là xu thế tất yếu”

|

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo trao đổi với Nhân Dân hằng tháng chung quanh những vấn đề về tự chủ trong giáo dục phổ thông. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết:

Cần đổi mới theo hướng phân cấp, phân quyền cho các trường

Việc thực hiện tự chủ giáo dục phổ thông bắt đầu thực hiện từ năm 2006, khi có Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Nghị định 43, liên bộ đã có Thông tư 71, hướng dẫn thực hiện. Sau đó, Chính phủ có Nghị định 16 về Quy chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ GD và ĐT cũng đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị ban hành nghị định về tự chủ trong giáo dục công lập phổ thông.

Vấn đề tự chủ trong giáo dục phổ thông được Bộ GD và ĐT rất khuyến khích. Trong nghị định 16 đưa ra bốn mức về tự chủ tài chính: tự chủ toàn phần (tự chủ phần chi đầu tư và chi thương xuyên), mức hai là tự chủ phần chi thường xuyên, mức ba là tự chủ một phần, mức bốn là ngân sách nhà nước cấp. Các cấp độ tự chủ do các địa phương quyết định. Hiện nay, nói chung các cơ sở giáo dục phổ thông đều tự chủ một phần, đó là có thêm các khoản thu khác như học phí hỗ trợ ngân sách để bảo đảm chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục đã đưa ra ba khâu tự chủ, tự chủ về chuyên môn, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính.

Thưa Thứ trưởng, ba khâu tự chủ về chuyên môn, về nhân sự, về tài chính trong giáo dục phổ thông đang được thực hiện như thế nào?

Về tự chủ chuyên môn, Bộ GD và ĐT đã ban hành các văn bản theo hướng cho các trường phổ thông được thực hiện tự chủ một phần của chương trình phổ thông. Chương trình giáo dục hiện hành đang thực hiện một chương trình và có một sách giáo khoa duy nhất. Theo đó, các trường học đều có phân phối chương trình từng tiết học và các nhà trường phải thực hiện theo yêu cầu này. Nhưng Bộ GD và ĐT đã “cởi trói” để giúp cho các cơ sở giáo dục được tự chủ trong xây dựng chương trình, đáp ứng nhu cầu của học sinh, theo hướng tiếp cận năng lực, mà muốn vậy nội dung học phải phù hợp với khả năng tiếp thu của các em, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, văn hóa vùng, miền. Chính vì thế, Bộ GD và ĐT đã ban hành Văn bản 791 năm 2013, giao quyền tự chủ cho các trường được xây dựng kế hoạch nhà trường phù hợp.

Về vấn đề tự chủ nhân sự, Bộ GD và ĐT đã ban hành các văn bản, trong đó Nghị định 115 về Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Theo đó, phân rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố, các Sở GD và ĐT, UBND các quận, huyện, các phòng GD và ĐT. Bộ GD và ĐT cũng đã có Thông tư 47 (sau sửa đổi thành Thông tư 11 ban hành năm 2015), với tinh thần để các nhà trường hết sức chủ động xây dựng đội ngũ giáo viên. Theo Nghị định 115, trưởng phòng GD và ĐT có thể quyết định bổ nhiệm các hiệu trưởng các trường trực thuộc mình, có quyền tham mưu với UBND điều động nhân sự giúp cho nhà trường có đủ giáo viên theo định mức. Khi chuyển sang Thông tư 11, ngành giáo dục tuy vẫn được tham mưu cho UBND về nhân sự, nhưng phòng nội vụ, UBND mới là cơ quan quyết định. Nói chung ngành vẫn chưa được thật sự chủ động trong bố trí nhân sự.

Về tự chủ tài chính, hiện nay với chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, nhà nước đầu tư ngân sách để chăm lo. Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mức thu học phí của giáo dục phổ thông rất vừa phải, thấp nhất là 20 nghìn đồng/tháng, cao nhất là 300 nghìn đồng/tháng, còn lại ngân sách cấp. Các địa phương tự đặt ra mức thu học phí phù hợp. Thế nên, nếu các trường tự chủ tài chính là tự chủ trong quy định mức thu học phí dao động từ 20 nghìn đến 300 nghìn đồng/tháng, cộng với ngân sách Nhà nước cấp. Chính vì vậy, các trường rất khó tự chủ về tài chính. Nhưng hiện nay, một số địa phương như Hà Nội đã làm việc này rất mạnh mẽ, nhất là việc xây dựng các trường chất lượng cao và các trường được công nhận chất lượng cao thì đều theo lộ trình ba năm, ngân sách nhà nước cấp giảm dần và đến năm thứ ba trở đi, nhà nước không cấp ngân sách chi thường xuyên nữa.

Như vậy, trong ba vấn đề tự chủ, các trường phổ thông công lập về cơ bản đã tự chủ về chuyên môn, nhưng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tự chủ tài chính và nhân sự?

Hiện nay về cơ bản các trường mới tự chủ được về chuyên môn. Tôi đánh giá sự tự chủ về chuyên môn của các nhà trường đã được nâng lên cao. Tự chủ về tài chính phải theo Luật Kế toán, Luật Ngân sách nên các trường khó có thể tự chủ được. Muốn chi phải theo định mức, thí dụ chi cho một cuộc họp ở trường công lập hiện nay theo quy định không được quá 20 nghìn đồng. Thực tế, một trường học ở Hà Nội, định mức ngân sách trên một học sinh một năm là 7,5 triệu đồng. Như vậy, nếu tính ra trường có 1.000 em thì thầy hiệu trưởng sẽ có trong tay 7,5 tỷ đồng, thầy sẽ chi trong khoản tiền này. Toàn bộ các khoản lương và theo lương đã chiếm khoảng 80% số tiền ngân sách nhà nước, còn lại khoảng 20% để chi cho các hoạt động thường xuyên. Nhà trường phải xây dựng kế hoạch để chi trong số này vì mục chi, khoản chi đã được quy định trong Luật Ngân sách, cho nên bản thân các nhà trường cũng phải thực hiện theo quy định của Nhà nước, chứ không sáng tạo được. Tuy nhiên, chi tiêu trong các trường công lập tự chủ cũng đã được tự chủ hơn, thông qua quy chế chi tiêu nội bộ. Ít nhất chi cho cuộc họp không phải là 20 - 50 nghìn, có thể điều chỉnh cao hơn để phù hợp với thực tế hơn.

Thư viện trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). Ảnh | TRẦN HẢI

Tự chủ khó ở chỗ người ta nghiêng về tự chủ tài chính, nên đơn vị nào không tự chủ được về tài chính thì khó tự chủ về những cái khác. Về nhân sự định mức biên chế vẫn do địa phương giao, nhưng với các trường tự chủ thì có thể được chủ động hơn về định mức. Vấn đề nhân sự, bổ nhiệm hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và Trung học cơ sở vẫn là UBND các quận, huyện quyết định. Đây là một cái khó. Cần đổi mới quản lý và quản trị theo hướng phân cấp mạnh mẽ, phân quyền cho các trường, các trường được quyền tự chủ hơn về nhân sự, nâng cao năng lực quản trị hơn.

Theo ông, cái khó nhất trong thực hiện tự chủ hiện nay là gì?

Hiện nay giáo dục mầm non 5 tuổi và trung học cơ sở là giáo dục phổ cập, đã là phổ cập thì Nhà nước phải lo đủ chỗ học cho tất cả các em học sinh. Trường nào muốn tự chủ thì phải xuất phát từ sự tự nguyện của học sinh, phụ huynh và phải công khai đây là trường chất lượng cao theo hướng tự chủ, học phí phải đóng cao hơn. Theo tôi, cái khó nhất là đáp ứng hai tiêu chí: Phụ huynh, học sinh phải tự nguyện và nhà trường phải bảo đảm chất lượng cao. Nếu là trường tư thục, việc đóng học phí cao là đương nhiên, nhưng đây là trường công lập, lại thu học phí cao hơn cũng không dễ gì. Tâm lý của các phụ huynh vẫn cho rằng đã là trường công lập thì trách nhiệm của Nhà nước, nhưng thu tiền học phí cao thì đấy là vấn đề cần thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận và tự nguyện. Nhưng nguyên tắc của sự phát triển là không đều. Do đó trong giáo dục, muốn phát triển thì không thể các trường đều như nhau được. Có những trường phải tiên phong theo mô hình chất lượng cao hơn.

Muốn tự chủ phải công khai, minh bạch

Chừng nào chưa tách bạch quản lý nhà nước với quản trị cơ sở giáo dục thì cơ quan quản lý nhà nước vẫn tiếp tục giữ thói quen can thiệp vào mọi hoạt động liên quan đến chỉ đạo, quyết định những vấn đề lớn của cơ sở giáo dục. Theo Thứ trưởng, cần làm gì để sớm thể chế hóa chủ trương tách quản lý nhà nước với quản lý cơ sở giáo dục, để cơ quan quản lý giáo dục địa phương chuyển từ vị trí “người ra lệnh” sang vị trí “người cộng tác”, tạo điều kiện cho nhà trường phát huy tốt quyền tự chủ của mình?

Nói chung, quản lý nhà nước là quan hệ thứ bậc, cấp trên, cấp dưới. Trong lĩnh vực giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang giảm dần việc làm hộ cho các trường, việc tham gia vào quản trị nhà trường về cơ bản không còn nữa. Nhưng chuyển đổi từ vị trí người ra lệnh sang vị trí người cộng tác cũng là một quá trình thay đổi nhận thức. Bộ GD và ĐT ý thức rõ điều này, về quản lý nhà nước, bộ chỉ ban hành văn bản, tham gia chỉ đạo, chứ không can thiệp vào công việc điều hành quản trị của các trường. Nhưng muốn tự chủ thì các nhà trường hiện nay cũng phải nâng cao năng lực quản trị.

Thời kỳ ông làm Giám đốc Sở GD và ĐT (Từ năm 2008 đến ngày 22 tháng 9 năm 2017), vấn đề tự chủ đã được đặt ra và triển khai như thế nào?

Vấn đề tự chủ đã được đặt ra và được vận động để các trường triển khai. Tôi thấy các thầy hiệu trưởng không phải không cố gắng, nhưng đều nhận thấy nếu tự chủ thì khả năng sĩ số học sinh có thể sẽ giảm vì phải đóng học phí cao hơn. Giảm đến mức tối thiểu thì còn được, chứ giảm quá thì sĩ số học sinh trên lớp có thể không bảo đảm đủ. Nói chung, các địa phương cũng đang trong quá trình triển khai, tuyên truyền vận động từng bước để nâng cao nhận thức về tự chủ trong giáo dục phổ thông. Vấn đề tự chủ này không chỉ nhà trường đổi mới, Bộ GD và ĐT đổi mới mà ngay cả phụ huynh học sinh cũng phải thay đổi nhận thức. Khi tự chủ, học sinh phải đóng học phí cao hơn nhưng được hưởng chất lượng giáo dục tương xứng với mức đóng góp. Nhưng muốn phụ huynh, học sinh nhận thức rõ điều này thì cần tuyên truyền tạo sự đồng thuận để họ tự nguyện tham gia.

Ông đánh giá thế nào về lợi ích của việc tự chủ trong giáo dục phổ thông và dự cảm của ông về tự chủ giáo dục phổ thông trong tương lai?

Tôi nghĩ nhiều hơn đến tự chủ về chuyên môn. Tự chủ chuyên môn đang được cố gắng tạo điều kiện tối đa. Tôi cho rằng các trường công lập tự chủ cũng là một xu thế trong tương lai, khi điều kiện kinh tế tốt hơn. Sự tự chủ này sẽ phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế và nhận thức của các phụ huynh. Nhưng cũng phải làm sao để tự chủ không bị đánh đồng là thương mại hóa giáo dục. Muốn như vậy, phải công khai minh bạch rõ các nguồn thu, rõ mục đích chi và quyết toán cuối năm với phụ huynh, học sinh. Và tất cả các nguồn thu của phụ huynh, học sinh đều biến thành chất lượng. Học phí thu mức cao ở các trường tự chủ không phải vì lợi nhuận mà vì chất lượng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học. Công khai minh bạch là điều bắt buộc với tất cả các trường và phải có trách nhiệm giải trình nếu như các phụ huynh yêu cầu.

Thực hiện tốt tự chủ sẽ giảm ngân sách Nhà nước. Nếu các em đến học ở các trường công bình thường thì Nhà nước vẫn hỗ trợ tiền, nhưng giờ Nhà nước không phải hỗ trợ tiền mà học sinh đến học vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục. Việc tự chủ cũng giúp giảm biên chế - giảm đối tượng các thầy, cô giáo hưởng lương từ ngân sách. Như vậy nhà trường, Nhà nước và người học đều được hưởng lợi từ sự tự chủ này. Chính vì thế, Chính phủ khuyến khích các cơ sở giáo dục phổ thông, nơi nào có điều kiện thì thực hiện theo hướng tự chủ.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!