Dự án, quy hoạch \"treo\": Rà soát xử lý để đảm bảo quyền lợi người dân

|

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Đây là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm bởi có ảnh hưởng lớn tới việc an cư của họ… Trong phát triển đô thị, không thể không có quy hoạch làm định hướng, nhưng làm sao giải quyết hài hòa yêu cầu này với quyền lợi hợp pháp về đất đai của người dân, là việc mà ngành chức năng phải hướng tới.

Đi không được, ở không xong!

Từ trung tâm TPHCM đi qua cầu Kinh bắc qua sông Sài Gòn là tới bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (thuộc địa bàn quận Bình Thạnh). Chỉ cách một con sông nhưng khu vực này lại trái ngược hoàn toàn so với cảnh sống sôi động phía bên kia bờ. Bán đảo này nằm trong quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với viễn cảnh nơi đây sẽ trở thành khu vực thương mại, dịch vụ sầm uất. Vậy mà chừng 30 năm qua, siêu dự án này vẫn chỉ… nằm trên giấy!

Được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992, đến năm 2004, dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn triển khai nhưng đơn vị này không thể thực hiện. Đến năm 2010, thành phố ra quyết định thu hồi. Cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng sau đó, Emaar Properties PJSC "rút lui"; vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch.

Vì dự án “treo” suốt thời gian dài nên mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 5km, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa hiện vẫn như một miền quê hẻo lánh. Trung tuần tháng 6, chúng tôi có mặt tại khu vực bán đảo này, ghi nhận cảnh tượng ao đầm, cây dại, cỏ hoang mọc um tùm xen lẫn một vài khu dân cư đơn sơ, nhà cửa lụp xụp, tạm bợ. Để không lãng phí đất, một số hộ dân tổ chức nuôi cá, trồng dừa, trồng rau để bán.

Vì bị quy hoạch "treo" khá lâu, nhiều nhà dân gần ga Bình Triệu (TP Thủ Đức) khá xập xệ

Theo lời bà Lê Thị Ngọc Thủy, cư dân nơi đây, mãi đến năm 2000, cư dân trên bán đảo mới có điện. Những hộ dân trong con hẻm trước nhà bà thì năm 2023 mới được đưa nước sạch đến nhà. Trước đây, muốn có nước sạch sinh hoạt, người dân phải đi mua cách nhà hàng cây số. Giờ có nước sạch nhưng công ty cấp nước cũng chỉ kéo đồng hồ đến trước nhà, người dân phải tự mua ống đấu nối để đưa nước sạch về sinh hoạt.

“Nguyện vọng của người dân là nếu không thực hiện được dự án thì xóa bỏ quy hoạch để người dân bán đất đai, làm đường cho trẻ em học hành. Như chúng tôi già rồi, ở nhà làm gì có thu nhập”, bà Lê Thị Ngọc Thủy than thở.

Tương tự, Dự án Khu công viên văn hóa, thể dục thể thao phường Tam Phú được UBND quận Thủ Đức (cũ) phê duyệt theo Quyết định số 1622/2008/QĐ-UBND ngày 20-8-2008, gồm các phân khu chức năng: khu thiếu nhi; khu thể thao; khu vui chơi; khu văn hóa triển lãm; khu vườn tượng; quảng trường màu sắc; không gian mặt nước và cây xanh…

Quy hoạch là vậy nhưng hiện nay thực trạng vùng đất dự án chỉ toàn cỏ cây, hoang hóa, hạ tầng đường sá không có, đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng quy hoạch cũng vì thế mà chỉ tạm bợ. Ông Nguyễn Văn Tú, sống tại khu vực quy hoạch dự án cho hay, cả gia đình 7 người đang sống trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 70m² đã 13 năm nay, gặp rất nhiều khó khăn. "Trời mưa lớn mà gặp triều cường thì cả khu dân cư xung quanh và nhà tôi đều bị ngập, có nơi ngập sâu đến 0,7m", ông Tú cho biết.

Trong khi đó, khu dân cư xập xệ nằm trong một con hẻm đất gồ ghề trên đường số 6 (phía sau nhà ga đường sắt Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cũng nằm trong quy hoạch "treo" bởi dự án Ga Bình Triệu hơn 20 năm qua. Trước đây khu vực này còn vắng vẻ, người dân ngụ cư sinh sống bằng nghề trồng rau, làm cây kiểng.

Rồi trong quá trình đô thị hóa, người dân đến cư trú đông hơn, những thửa ruộng dần biến mất, thay vào đó là nhà cửa mọc lên. Cũng do quy hoạch nên chẳng ai quan tâm tới cơ sở hạ tầng. Người dân địa phương cũng cho biết, trước đây nước mưa thoát xuống ruộng, giờ ruộng thành nhà cửa nên hết chỗ thoát; nhà thì bị quy hoạch nên chẳng ai làm cống, cứ vậy mỗi khi mưa xuống thì cả khu thành ao nước, đường sá xuống cấp nên di chuyển rất khó khăn.

Xem xét loại bỏ

Ngày 16-5 vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, vấn đề dự án “treo”, quy hoạch “treo” thường xuyên được người dân nêu ra trong các buổi tiếp xúc cử tri. Cử tri phàn nàn rằng đã phản ánh với đại biểu mấy nhiệm kỳ trước rồi nhưng không thấy giải quyết.

“Tôi làm đại biểu ở nhiều nơi và thấy cũng có thực trạng này”, ông Nghĩa nhận định. Theo ông, tình trạng dự án “treo”, quy hoạch “treo” gây ra sự bất an do người dân không thể an cư lạc nghiệp. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương, phải thường xuyên rà soát quy hoạch.

Khu đất nằm gần ga Bình Triệu (TP Thủ Đức) bị quy hoạch “treo” trên 20 năm. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Cùng quan điểm, thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chỉ rõ, những dự án quy hoạch “treo” quá lâu chắc chắn gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống của người dân. UBND TPHCM cần rà soát, xem xét lại tổng thể các quy hoạch. Nếu dự án nào không phù hợp nữa, nên gỡ bỏ; dự án nào tiếp tục triển khai, phải có những chính sách hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống.

Với những dự án tiếp tục triển khai, chính quyền cần thông tin công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, lộ trình thực hiện. Trường hợp dự án chưa triển khai, chưa có lộ trình thực hiện, Nhà nước nên tạo điều kiện cho người dân được xây dựng, sửa chữa nhà để họ ổn định cuộc sống trong thời gian chờ đợi.

* Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM:

Phải xác định tính khả thi ngay từ đầu

Để giải quyết tình trạng quy hoạch “treo”, chính quyền TPHCM phải có giải pháp và phương án cho từng khu vực, dự án. Thậm chí, có những khu vực cần phải bỏ quy hoạch để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, bởi những quy hoạch đó đã “treo” 20-30 năm qua mà chưa có triển vọng gì mới. Nếu “treo” do vướng khâu đền bù, giải tỏa thì cần tập trung vào nguyên nhân chính đó để giải quyết; nếu do quy định pháp luật chưa rõ thì xin ý kiến trung ương.

Hiện nay, pháp luật đang từng bước thay đổi để giảm bớt tình trạng quy hoạch “treo”. Trong tương lai, khi Nhà nước muốn quy hoạch một dự án, điều quan trọng nhất cần xác định từ đầu là tính khả thi, nhất là khả năng về tài chính của chủ đầu tư.

Khi làm dự án, chính quyền phải xem biến động, tác động đến cư dân như thế nào, có thực hiện được việc tái định cư, đền bù, giải tỏa hay không. Nếu thấy khó, chưa có khả năng giải quyết trong tương lai gần thì chưa nên đưa vào quy hoạch. Quy hoạch là thẩm quyền của Nhà nước nhưng phải phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là phải bảo đảm quyền được ổn định cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch. Làm quy hoạch thì phải đặt ra thời hạn; nếu quá thời hạn mà dự án không thực hiện được thì phải bỏ quy hoạch để đảm bảo quyền lợi của người dân.

* Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM:

Giao dự án cho những nhà đầu tư thực sự có năng lực

Tôi cho rằng cần làm lại quy hoạch, phân chia các khu chức năng cụ thể, quy hoạch chi tiết phù hợp, sau đó dự án nào phù hợp thì phê duyệt. Nhà nước phải phạt nặng nếu không đáp ứng thời gian thi công. Nhà đầu tư phải có phương án đặt cọc khi nhận dự án; nếu không đảm bảo tiến độ, Nhà nước sẽ thu tiền cọc. Bây giờ, phải giao dự án cho những nhà đầu tư thực sự có năng lực. Để xảy ra các dự án “treo” là trách nhiệm của người duyệt dự án và cả một bộ phận chức năng xem xét, thẩm định.

Do đó, bên cạnh việc Nhà nước thanh kiểm tra, cần mở cơ chế cho dân khiếu kiện hành chính. Hộ dân trong khu quy hoạch “treo” cần được hỗ trợ pháp lý miễn phí để kiện cơ quan nào cấp phép dự án không đúng, kiện nhà đầu tư không triển khai dự án đúng tiến độ, từ đó xử lý những người liên quan và bồi thường cho dân.


Sau nhiều lần triển khai thực hiện quy hoạch không thành công, UBND TPHCM vừa phê duyệt nhiệm vụ đề tài “Thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa” để có cơ sở khai thác tốt hơn tiềm năng của vùng đất này.

Bán đảo Thanh Đa sẽ thành "hòn ngọc trong hòn ngọc"