Nghệ thuật biểu diễn chưa có sự cạnh tranh công bằng

|

Những bất cập tồn tại trong chế độ, chính sách với nhân sự lao động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD) là vấn đề không còn mới nhưng vì chưa có những giải pháp triệt để nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, tâm lý người làm nghề và sự phát triển dài hơi, phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng NSND Trịnh Thúy Mùi Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chung quanh câu chuyện này.

Chế độ có được như... xưa?

Thưa NSND Trịnh Thúy Mùi, ở cương vị vừa là nghệ sĩ, vừa làm công tác quản lý, bà đánh giá thế nào về tính thực tiễn của nghị định liên quan tới chế độ, chính sách với nhân sự lao động trong lĩnh vực NTBD hiện nay?

NTBD là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, loại hình phong phú. Trong đó, có những lĩnh vực đã có luật như điện ảnh và cả các lĩnh vực chưa có luật như sân khấu... Khi chưa có luật, nghị định là cơ sở quan trọng góp phần định hướng, hỗ trợ đội ngũ làm nghề. Tuy nhiên, theo tiến trình thời gian và sự thay đổi không ngừng của đời sống văn hóa-xã hội, nhiều nội dung trong một số nghị định đã không còn phù hợp, bộc lộ nhiều bất cập.

Với riêng lĩnh vực sân khấu mà bà đã gắn bó nhiều năm thì bất cập là gì?

Thí dụ, vấn đề phân bổ ngân sách ở từng đơn vị, địa phương khi áp dụng nghị định chung cho toàn quốc đã nảy sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tác phẩm mang tính cá nhân còn đỡ, riêng sân khấu yêu cầu tính tập thể cao thì với mức kinh phí hạn hẹp, hầu hết các đơn vị không đủ để dàn dựng, đầu tư cho vở diễn... Như Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, suốt bao năm qua mới chỉ đủ kinh phí để tổ chức các trại sáng tác. Những năm gần đây, dù có chú trọng vào phát triển tác giả nhưng Hội vẫn gặp khó khăn vì không đủ kinh phí. Chúng tôi có kêu gọi tài trợ để tổ chức các chương trình tập huấn nghiệp vụ nhưng muốn mời được những người giỏi, vấn đề lại vẫn nằm ở... kinh phí!

Bên cạnh đó, về cơ chế chính sách, cũng đã lâu chưa có gì thay đổi. Đa phần diễn viên các nhà hát là hạng 3, phấn đấu mấy chục năm vẫn chỉ ở mức ấy, thế nên nhiều nghệ sĩ mới 35 tuổi đã kịch trần mức lương, khó phấn đấu. Giới làm nghề từng đưa ra những kiến nghị, đề xuất như việc phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ cần tác động được vào những quyền lợi khác như nâng hạng lương, luân chuyển... Nhưng rốt cuộc, không có gì thay đổi, hầu hết nghệ sĩ vẫn cùng hạng lương, hầu hết là hạng 3, số ít ỏi hạng 2 và hầu như không có hạng 1. Với bản thân tôi, thực trạng đó kéo dài gần 20 năm cho tới khi làm lãnh đạo mới được chuyển ngạch chuyên viên. Như vậy là rất thiệt thòi cho nghệ sĩ. Hi hữu, cũng có những đơn vị, địa phương nhận thấy bất cập nên điều chỉnh đôi chút nhưng không đáng kể và chỉ giải quyết vấn đề trước mắt.

Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, so với trước đây, đời sống văn nghệ sĩ nói chung đã được cải thiện đáng kể?

Nhìn chung, văn nghệ sĩ cần phải ổn định đời sống thì mới yên tâm cống hiến, sáng tạo với nghề được. Ngày xưa, nhu cầu đời sống đơn giản và bối cảnh chung của toàn xã hội còn nhiều khó khăn. Song, thời kỳ ấy văn nghệ sĩ so với bình diện chung vẫn được ưu tiên hơn, chế độ tem phiếu, mọi thứ đều nhỉnh hơn công nhân, viên chức bình thường. Bây giờ thì hầu hết không bằng công nhân viên. Với nhiều nghệ sĩ về hưu, mức lương 3-4 triệu đồng chỉ đủ trang trải cá nhân, khi ốm đau hay gặp biến động cuộc sống thì rơi vào khó khăn, bế tắc. Các Hội chuyên ngành như chúng tôi đều nắm bắt hoàn cảnh khá rõ, nhiều nghệ sĩ còn có đơn gửi Hội nhờ hỗ trợ nhưng rất tiếc việc giải quyết một cách thấu đáo, đầy đủ là rất khó.

Muốn sửa, trước tiên phải hiểu!

Nhiều hội nghị, hội thảo các cấp về nội dung sửa đổi Nghị định cho lĩnh vực NTBD đã được tổ chức. Liệu có thể lạc quan về tính hiệu quả không, thưa bà?

Tôi cho rằng khâu quản lý nhà nước của lĩnh vực NTBD còn yếu. Chưa có văn bản sửa chữa nghị định đã đành, nhưng sửa mà không hiểu thì cũng không mang lại hiệu quả. Các Hội chuyên ngành, các đơn vị, địa phương, nghệ sĩ... đều được quyền đóng góp ý kiến, nhưng quá trình soạn thảo cần có sự chọn lọc, và nếu quá trình này bất ổn thì Nghị định sẽ không đáp ứng thực tiễn. Tính đặc thù, sự sâu sát cần được áp dụng một cách cụ thể hơn. Thí dụ, trong lĩnh vực sân khấu, nhạc công có chức năng hỗ trợ rất tích cực cho nghệ sĩ nhưng khi vở diễn đoạt giải lại không hề có cơ chế ghi nhận. Rồi bộ phận âm thanh, ánh sáng bên múa thì có cơ chế đánh giá, ghi nhận trong khi sân khấu thì không.

Cảnh trong vở Blouse trắng, SK kịch Trịnh Kim Chi.

Tôi không muốn nhìn nhận theo hướng nghệ sĩ khó khăn nên cần phải đầu tư vào, mà muốn nhìn thẳng vấn đề: Nhà nước đã và đang tìm mọi cách ưu tiên cho văn hóa nghệ thuật phát triển, nhưng cần có Luật để đi sâu vào từng ngõ ngách, tìm được sự cân bằng, công bằng trong mặt bằng chung giữa các đơn vị, cá nhân. Đó cũng là sự khích lệ, kích cầu cần thiết. Ngoài ra, báo chí truyền thông cũng là một kênh thông tin tham khảo quan trọng bởi đó là đối tượng nắm bắt rất kỹ đời sống, hoạt động nghề nghiệp của nghệ sĩ. Cần lắng nghe họ, ghi nhận kịp thời những thông tin đóng góp, phản biện.

Bà chia sẻ gì trước những ý kiến cho rằng xã hội hóa là giải pháp cần thiết?

Ở lĩnh vực điện ảnh, nhờ có Luật mà phát triển khá sôi nổi, xã hội hóa có được khuyến khích hay không vẫn sẽ “trăm hoa đua nở”. Chừng nào chưa có Luật, chính các nhà đầu tư cũng rất “rón rén”. Nên khuyến khích xã hội hóa và cũng nên có những bước hỗ trợ ban đầu. Chúng ta đã chứng kiến thực trạng “sớm nở tối tàn” xảy ra ở không ít đơn vị xã hội hóa bởi họ phải đơn độc “tự bơi”. Họ khó khăn từ việc tìm được một địa điểm làm nơi biểu diễn, luyện tập. Trong khi đó, có những đơn vị công lập sở hữu tới vài ba địa chỉ, nhà hát... vậy có cần cơ chế, định hướng để chia sẻ cho các đơn vị xã hội hóa không? Có những đơn vị công lập được đầu tư, dàn dựng vở diễn mà không bảo đảm được loạt đêm diễn phục vụ công chúng thì có nên duy trì không? Cần thiết phải có những giải pháp cân bằng đầu vào-đầu ra.

Dường như đang có sự chạy đua không công bằng. Sự không công bằng còn thể hiện ở bối cảnh chung của NTBD. Hoạt động này đang tập trung quá nhiều ở các thành phố lớn, vùng sâu vùng xa thiếu vắng. Đa số các tỉnh thành chỉ có một đoàn nghệ thuật thì làm sao phục vụ tốt cho công chúng? Ở biên giới, hải đảo xa xôi, có những lực lượng đặc biệt đang làm nhiệm vụ, vừa xa nhà, vừa gặp khó khăn ở nhiều khía cạnh, văn hóa văn nghệ có đến được không? Cần thiết phải có khảo sát, lựa chọn để giữ lại đơn vị công lập nào và quyết định xã hội hóa các đơn vị khác để NTBD đi vào đời sống một cách mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, vấn đề sáp nhập các đơn vị nghệ thuật cũng không kém phần nan giải và cũng đầy bất cập. Các loại hình khác nhau, sáp nhập vào liệu có tự tiêu hủy nhau, có trở nên nghiệp dư hóa? Rất khó để chỉ ra một mô hình sáp nhập mà phát triển tốt.

Thưa bà, thẳng thắn nhìn nhận thì nghệ sĩ lĩnh vực NTBD tồn tại hạn chế gì?

Chế độ, chính sách ra đời đều nhằm mục đích ghi nhận, khích lệ các đơn vị nghệ thuật và cá nhân yên tâm sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm mang yếu tố mới, đối thoại được với cuộc sống đương thời. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có câu chuyện cơ chế mà không ít nghệ sĩ còn ngần ngại, hay lẩn mình vào những đề tài quen thuộc như dân gian, lịch sử mà né tránh mảng đương đại bởi gai góc, dễ đụng chạm. Hơn nữa, thể tài này đòi hỏi các tác giả phải đi thực tế, cập nhật thường xuyên, có tư duy tổng hợp phản biện. Nghệ sĩ có đam mê, có hoài bão nhưng thiếu tác phẩm đỉnh cao có thể đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Trước đây, nhiều nghệ sĩ phải lăn lóc vài năm mới ra một tác phẩm, giờ điều đó là rất khiên cưỡng.

Trân trọng cảm ơn NSND Trịnh Thúy Mùi về cuộc trò chuyện!