Cần siết chặt quản lý an toàn hóa chất

|

Hoạt động liên quan đến hóa chất tại các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp (CSSXCN) luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng con người, gây thiệt hại kinh tế và môi trường sống, do đó phải được quản lý an toàn trong tất cả các khâu (sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy). Từ những sự cố đáng tiếc thời gian qua cho thấy, việc siết chặt quản lý hóa chất không bao giờ được xem nhẹ, chủ quan, lơ là. Phóng viên Nhân Dân hằng tháng đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Hóa chất (ảnh bên) chung quanh vấn đề này.

Lượng hóa chất sử dụng phục vụ sản xuất công nghiệp ở nước ta hiện nay đang ở mức độ như thế nào, thưa ông?

Lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam ở mức hơn chín triệu tấn mỗi năm, tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.

Có những nhà máy sử dụng nhiều chủng loại hóa chất khác nhau nhưng cũng có những nhà máy sử dụng ít chủng loại nhưng tồn trữ với lượng lớn. Thí dụ, Công ty Cao-su Sao Vàng sản xuất săm lốp dùng mủ cao-su đã qua chế biến cùng các loại hóa chất phụ gia đi kèm như chất lưu hóa, chất chống mài mòn, chống lão hóa, Công ty Xà-phòng Hà Nội chủ yếu dùng hóa chất tẩy rửa, Công ty Giầy Thượng Đình sử dụng keo dán, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông dùng thủy ngân. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018 Việt Nam chi hơn 5,16 tỷ USD nhập khẩu hóa chất, chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước Đông-Nam Á. Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm tới 30,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hóa chất của cả nước, đạt 1,59 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm 2017.

Với những CSSXCN còn nằm trong nội đô thì nguy cơ gây hại đến môi trường sống được cảnh báo như thế nào, ông có thể cho biết?

Đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính ô-xy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp tính, mãn tính; gây ung thư, biến đổi gen; độc đối với sinh sản; tích lũy sinh học; ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; độc hại đến môi trường... nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy, nổ rất nguy hiểm.

Đáng lo ngại nhất là cháy, nổ hóa chất. Một số loại hóa chất tính độc không cao, nhưng khi cháy không hết, cháy trong môi trường yếm khí lại sinh ra một loạt hóa chất nguy hiểm không kiểm soát được; có những loại hóa chất để nguyên không độc, khi trở thành hỗn hợp lại độc. Nhà máy, CSSXCN có sử dụng, tồn trữ một số loại hóa chất nguy hiểm, nằm xen cài hoặc gần khu dân cư, việc chữa cháy thường khó khăn hơn khi xảy ra vào đúng giờ cao điểm, khả năng cháy lan lớn.

Có thể điểm một số sự cố đáng tiếc đã xảy ra gây hệ lụy khôn lường như vụ nổ hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng làm bốn người chết, bốn người bị thương; vụ nổ tiền chất thuốc nổ tại Nhà máy Z121 làm chết 20 người, vụ nổ hóa chất tại Công ty Đặng Huỳnh (TP Hồ Chí Minh) làm ba người chết, vụ xả thải xuống biển có hóa chất của Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh... Gần đây nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, theo thông báo của các cơ quan hữu quan cho biết, ước tính khoảng 27 kg thủy ngân đã bị phát tán ra môi trường.

Quản lý hóa chất phải bảo đảm an toàn trong tất cả các khâu: sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy. Ảnh: Thanh Lâm

Như vậy, áp lực bảo đảm an toàn hóa chất không chỉ của CSSXCN mà còn cả cơ quan quản lý. Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát của Cục và các địa phương đã phát hiện những tồn tại gì?

Theo quy định, các CSSXCN phải chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tùy theo quy mô và đối tượng cụ thể; tự tổ chức huấn luyện, tuyên truyền trong sử dụng, bảo quản hóa chất, cập nhật thông tin lưu trữ, thông báo tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất hằng năm với cơ quan chức năng. Đối với địa phương thì phải triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.

Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn tình trạng DN chủ quan, lơ là, thụ động, chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra, một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó, chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp hoặc kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở; sắp xếp hóa chất trong kho chưa bảo đảm an toàn theo đúng các quy định hiện hành...

Do nguồn lực còn hạn chế, các cơ quan chức năng thực hiện hàng trăm cuộc kiểm tra với các hình thức khác nhau và xử phạt vi phạm hành chính. Riêng năm 2018, Cục Hóa chất phát hiện và xử phạt 14 DN vi phạm trong hoạt động hóa chất 161,7 triệu đồng; từ đầu năm đến nay xử phạt tám doanh nghiệp 121,8 triệu đồng.

Đối với các nhà máy, CSSXCN chưa thể di dời ngay lập tức ra khỏi nội đô đòi hỏi tăng cường khoanh vùng và tập trung quản lý, giám sát và kiểm tra các CSSXCN có nguy cơ cao. Xu thế quản lý chuyển dần sang hậu kiểm cần được chú trọng triển khai ra sao?

Hiện nay đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hóa chất khá đầy đủ: Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật như các nghị định và thông tư đồng thời công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất được tăng cường một cách đáng kể. Quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý, DN hoạt động liên quan đến hóa chất phải tự chịu trách nhiệm thực thi. Mỗi CSSXCN phải có đầy đủ kiến thức và nắm rõ tính chất nguy hiểm, phương pháp bảo quản, bảo đảm an toàn hóa chất và giảm thiểu rủi ro là yêu cầu không thể thiếu. Tính chuyên nghiệp phải được đề cao trong mọi khâu như giám sát chặt chẽ mọi hóa chất nguy hiểm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động, bố trí đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ; lắp đặt các hệ thống xử lý, vận hành đúng chế độ, bảo đảm các quy định về thải nước thải, khí thải, chất thải rắn, xây dựng kế hoạch/biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; dự báo các nguy cơ gây ra sự cố và tình huống xảy ra sự cố từ đó triển khai huấn luyện, diễn tập nhuần nhuyễn “ai sẽ làm cái gì và làm khi nào” để nâng cao năng lực ứng cứu...Việc chủ động phòng ngừa ít tốn kém hơn so với giải quyết sự cố, giúp bảo vệ tài sản của chính DN, bảo vệ con người, môi trường sống của cộng đồng và ý thức tự giác của các cơ sở đóng vai trò quyết định.

Một điều tôi muốn nhấn mạnh là tiền kiểm nhẹ nhàng thì khâu hậu kiểm phải xử lý đến nơi đến chốn. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, có hiệu lực từ 15-10-2019 quy định nhiều hành vi chi tiết dễ áp dụng, có tính răn đe cao, đề cao công tác hậu kiểm, trao quyền nhiều cho địa phương và lực lượng chức năng... là cơ sở để xử lý vi phạm thuận lợi và triệt để hơn.

Khi xảy ra sự cố phải minh bạch hoàn toàn thông tin, tuyệt đối không được lấp liếm và che giấu, tuy nhiên sau vụ cháy Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã công bố gian dối trong việc sử dụng thủy ngân và amalgam để sản xuất. Cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên và cần phổ biến kỹ năng phòng ngừa cho người dân sống chung quanh các nhà máy ra sao để họ chủ động bảo vệ khi chẳng may xảy ra sự cố?

Minh bạch, công khai thông tin về hóa chất sử dụng ở các nhà máy là trách nhiệm của DN. Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp có hoạt động hóa chất phải thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất hằng năm (Quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP và Thông tư số 32/2017/NĐ-CP). Doanh nghiệp có trách nhiệm cập nhật thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin do mình cung cấp. Luật Hóa chất quy định rõ tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến công khai cho cộng đồng dân cư nơi có cơ sở hoạt động hóa chất thông tin về an toàn hóa chất: biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường và pháp luật về bảo vệ môi trường; nội dung cơ bản của kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng quy định rõ tất cả thông tin về hóa chất độc, nguy cơ cảnh báo các sự cố liên quan đến môi trường, CSSXCN phải công khai với dân cư chung quanh. Tuy nhiên, dường như việc này còn đang bị xem nhẹ và cần sớm chấn chỉnh. Khâu tuyên truyền, cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân sống chung quanh các nhà máy để họ chủ động có phương án đề phòng, bảo vệ khi chẳng may xảy ra sự cố cũng cần tăng cường, tránh hiện tượng đứng xem cháy vì thiếu hiểu biết như vừa qua.

Về lâu dài, cần chuyển đổi mạnh mẽ việc áp dụng sản xuất sạch hơn để cải thiện tình hình môi trường, đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại; giảm dần việc sử dụng hóa chất nguy hiểm, thay thế các hóa chất độc bằng các hóa chất ít độc và không độc, thân thiện với môi trường; khuyến khích tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải hóa chất.

Trân trọng cảm ơn ông!