Đất nước Chùa Tháp có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Tết Ất Mùi năm nay rơi vào khoảng giữa mùa khô.Trước Tết một, hai tháng, trời se lạnh nhưng càng gần đến ngày 30 Tết tiết trời càng ấm lên. Niềm vui đón năm mới vì thế càng nhân lên đối với những gia đình Việt kiều làm nghề trồng mai.
Trong số chỉ vài ba hộ Việt kiều làm nghề trồng mai ở Thủ đô Phnom Penh, vườn mai của ông Trần Hoàng Hùng nằm ven đoạn quốc lộ 5 ở ngoại ô có tới hơn 1.000 gốc. Vừa nhận tiền xong từ một khách hàng đặt mua chậu mai đến sát Tết mới giao cây, ông Hùng cười tươi nói với tôi: “Năm nay mai trúng mùa, chắc Tết này cũng lo được chu đáo cho gia đình chú ạ”.
Vườn mai của ông Trần Hoàng Hùng.
Quê ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, sang Campuchia làm ăn cách đây hơn 16 năm khi ở tuổi 43, ban đầu ông Hùng sống bằng nghề đánh véc-ni. Vốn đam mê với cây mai, năm 2005, ông tìm đến trụ sở Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều ở Phnom Penh để liên hệ hỏi tài liệu hướng dẫn trồng mai. Tại đây, ông gặp doanh nhân Lê Minh, một người am hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc mai. Quý mến ông Hùng, ông Lê Minh đã đưa ông về ở giúp việc gia đình, chăm sóc vườn cây cảnh.
Được ông Minh cho trồng mai kiếm thu nhập trên khu đất trống rộng rãi quanh ngôi nhà, ông Hùng về TP Hồ Chí Minh chọn mua cây mai làm cây giống, rồi gieo hạt, ươm trồng, sau ba năm đã bán được đợt đầu. Nay, địa chỉ này đã trở nên quen thuộc với nhiều khách hàng Việt kiều, Hoa kiều và cả người Campuchia.
Tết năm mới cổ truyền của người Campuchia có tên Chol Chnam Thmay vào giữa tháng 4, nhưng theo ông Hùng, những năm gần đây, ngày càng nhiều người Campuchia chơi mai vào dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam. Thời gian giáp Tết, ông Hùng còn làm thêm công việc tới nhà để chăm sóc mai cảnh. Có những gốc mai thuộc hàng cổ thụ, giá mấy chục nghìn USD ở nhà một vài đại gia Campuchia, được mua từ Việt Nam, đã qua bàn tay chăm sóc của ông. Chơi mai với mong muốn cầu an, cầu lộc đã tạo nên nét văn hóa tại đất nước Chùa Tháp vào mỗi dịp Tết Nguyên đán Việt Nam.
Giáp Tết, mai trồng chậu được chuyển nhiều từ các tỉnh miền nam nước ta sang bán tại Phnom Penh và các tỉnh giáp biên giới. Nhưng nhiều hơn lại là mai rừng được đưa về từ các huyện vùng sâu của một số tỉnh nước bạn. Vào những ngày này, còn có thể mua mai nhựa ở gần như tất cả các chợ của Thủ đô Phnom Penh, do các thương nhân mang từ TP Hồ Chí Minh sang bán. Với những bà con thu nhập eo hẹp, có một cành mai như vậy ngày Tết cũng làm vơi nỗi nhớ nhà.
Ngày Tết ở Phnom Penh không thiếu những món ăn mang đậm hương vị Việt như bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, mứt sen... Những món ăn này được bán nhiều tại các chợ quận và một số siêu thị của người Việt, hầu hết được chuyển từ Việt Nam sang. Ngoài ra cũng có một số gia đình Việt kiều nấu bánh chưng, bánh tét làm giò lụa, nem, bán phục vụ bà con.
Định cư ở Campuchia gần 30 năm qua gần sân bay Pochentong, năm nào Tết đến, gia đình ông Đặng Văn Sơn cũng quây quần gói bánh chưng cùng một số bà con quen biết. Được ông bà dạy cách gói bằng khuôn từ hồi còn ở quê nhà Ninh Bình, ông Sơn nay ở tuổi ngoài lục tuần đã truyền lại cho sáu người con. Mầu xanh của bánh chưng, bánh tét, mầu hồng của những hộp bánh mứt cùng với nhành mai vàng tạo nên khung cảnh đầm ấm trong gia đình mỗi bà con xa quê.
Ngày nay, nhiều tỉnh, thành phố của Campuchia đều có người gốc Việt sinh sống. Những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của người Việt được bà con gìn giữ, tạo hành trang cho con cháu xây dựng cuộc sống tương lai.