Những sớm mai mồng một

|

Đã thành lệ, bố luôn là người canh giờ để gọi cả nhà dậy, đi lễ đầu năm.

Thật ra, tôi đã được đánh thức từ trước đó rất lâu và bằng tiếng điếu cày rít lên sòng sọc của bố. Có vẻ, bố không ngủ hoặc là đã ngủ rất ít bởi giao thừa cũng chỉ vừa mới đi qua. Và, âm thanh quen thuộc và gần gũi trong cách hút thuốc của bố, thì đã âm âm rền rền từ khi nào. Mới sang xuân, trời còn lạnh nhiều và hạnh phúc biết bao khi được quấn mền thật chặt, nằm thật êm ở giữa ngôi nhà của mình và mở rộng hết cả cõi lòng, bồi hồi, lắng nghe. Tiếng điếu cày rít lên, những khi ấy, sao mà tươi vui và ấm áp đến thế. Theo đấy, là những làn khói phả ra: đậm đặc, gay gắt. Những làn khói khen khét một cái mùi thật đặc biệt. Ém chặt một chỗ, nồng nặc rồi mới lan tỏa, trải đều khắp cả gian nhà và không quên vương đến tận chỗ tôi nằm.

Cũng từ một chỗ nằm, tôi có thể trông ra chỗ bố ngồi với cái điếu cày thân thiết và có thể, đăm đắm, ngắm nhìn với thật nhiều yêu thương. Lòng nao lên vì xúc động. Ngày thường, cái cách bố ngồi chuẩn bị cho những hơi thuốc của mình, rồi cái cách rít thuốc, nhả khói và thưởng thức đã rất từ tốn, khoan thai. Vào lúc đầu ngày của mồng một Tết, từng điệu bộ nói trên như còn khoác thêm vẻ trang trọng. Bố làm như phải thế, mới không làm mất đi sự tinh khôi của những khoảnh khắc kỳ diệu, vào thời điểm đầu tiên của năm mới. Và tôi, trong rất nhiều những sớm mai mồng một Tết, khi ngắm nhìn bố, một mình, cùng những làn khói vây quanh, sao thương quá! Chợt cảm nhận ra bố, ở đó, là quê bắc của mình ở đó. Với cái cổng làng rêu phủ quanh năm, vạt rau muống sau nhà, cái ao, vườn na, mái tóc vấn, vạt áo nâu… Nghe như tình quê quyện hòa trong bố, từ những âm điệu cũ quen và hồn quê thấm đẫm trong từng làn khói phả ra, bàng bạc, hết cả những sớm mai đầu năm.

Và bà, và bố, rồi mẹ đã nằm lại nơi này. Là một xứ biển của miền trung và rất xa với quê hương bản quán. Ngôi nhà chung cũng chẳng giữ lại mà làm chi, bởi, các anh chị tôi đã dần rời tổ ấm gia đình. Và nơi những vùng đất khác, lần hồi, cũng đã có nhà riêng và thờ kính ông bà, cha mẹ theo cách của mình. Chỉ còn tôi là ở lại. Thật ra là trở về… Sau quá nhiều quăng quật sóng gió, tôi, đã thèm muốn đến vô cùng, một tựa nâng vững chãi, một nơi trú đời phẳng êm. Nhưng rồi lao đao và lận đận mãi và mừng rơi nước mắt, vì sau rốt vẫn có được cái ổ nho nhỏ này. Trong không gian chật hẹp của ngôi nhà mình, vợ chồng tôi vẫn dành một nơi cho việc thờ phụng. Với hai bàn thờ liền kề nhau. Một, dành cho phía chồng để thờ ông bà nội và ba má. Và một, dành cho bố mẹ tôi. Ngày Tết, các bàn thờ sáng rực đèn nến, hoa, bánh trái và bọc vây khắp không gian, là hương nhang đượm nồng.

Tôi đã bỏ lệ đi lễ đầu năm từ rất lâu rồi thì phải… Bởi, chẳng ai gọi dậy mà có thức cũng lười. Nhưng, trong những buổi mai ấy, vẫn như nghe được tiếng điếu cày rít lên sòng sọc, từ những hơi thuốc của bố. Và những làn khói khét đậm, gắt gao, của những sớm mồng một, ngày xưa, vẫn vương mãi đến những cái Tết sau này. Cho tâm hồn tôi, những khoảnh khắc trong trẻo và với tâm thế bình yên, thấy đĩnh đạc hẳn, khi tự tin bước vào năm mới.