Xe ngựa Bảy Núi

|

Mỗi lần về Bảy Núi, lại được nghe tiếng vó ngựa lốc cốc trên đường phố. Hình ảnh ấy, âm thanh ấy khiến lữ khách như được sống lại một thời hồng hoang của miền đất phương nam thuở mang gươm đi mở cõi. Nhưng hơn hết, con ngựa đã giúp cho đồng bào Khmer ở xứ núi này có hột cơm ăn no bụng, tấm áo mới xum xoe trong ngày lễ, Tết.

Dập dìu ngựa xe

Có lẽ, hiện chỉ có vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang là còn loại xe ngựa thồ chở hàng hóa tồn tại song hành với các loại phương tiện vận chuyển khác. Từ sáng sớm đến xế chiều, dập dìu xe ngựa ngược xuôi chở đầy hàng hóa trên đường phố thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Hỏi xe ngựa ở Bảy Núi xuất hiện tự hồi nào, các bô lão trong vùng vuốt râu, ngẫm nghĩ: “Có cả trăm năm”. Thuở trước, người dân Bảy Núi, phần lớn là người Khmer dùng ngựa kéo xe, vận chuyển hàng hóa từ các phum, sóc ra phố huyện rồi đổi lấy gạo, muối ngược về. Phần vì đường núi gập ghềnh, lô nhô sỏi đá nên thời điểm đó chỉ có thể vận chuyển bằng xe ngựa. Người Khmer lên rừng đốn gỗ, đóng chiếc xe ngựa khá đơn sơ, nhỏ nhắn, cả bánh xe cũng làm bằng gỗ. Nhiều người hay gọi là “cỗ xe độc mã”, vì chỉ có một con ngựa kéo xe. “Khoảng thập niên 50 của thế kỷ trước, xuất hiện loại bánh bơm hơi, vừa tiện lợi, ít tốn sức kéo hơn nên được dùng thay cho bánh gỗ. Nhờ vậy, xe ngựa có thể chở nặng cỡ 500 kg và đi nhanh hơn. Xe ngựa không có tay vịn, người ngồi trên xe cứ lắc lư, lắc lư, bay bổng theo từng tiếng vó ngựa”, ông Sơn Ðào, một cư dân cố cựu ở Bảy Núi nói vậy.

Cho nên, ngựa thồ vẫn còn “đất sống”, không chỉ đến hiện tại mà cả sau này. Tờ mờ sáng, tôi phóng xe máy dọc tuyến tỉnh lộ 948 từ thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên hướng sang huyện Tri Tôn. Vừa đến nghĩa trang dốc Bà Ðắc đã thấy một “cỗ xe độc mã” chất đầy hàng hóa phi thẳng về thị trấn Nhà Bàn. Con bạch mã phi nước đại xé toạc màn sương sớm giăng kín núi đồi. Nó kéo theo sau một xe đầy củi. Tay “kỵ mã” người Khmer đứng khom lưng, chùn cương, mắt dán thẳng về phía trước như một “nài ngựa” đua chuyên nghiệp. Tôi cho xe tà tà theo tỉnh lộ. Lúc này, từ trong các phum Mằng Rò, Srây Skốt, xã Văn Giáo; Vĩnh Hạ, Vĩnh Tây, Vĩnh Lập, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên lại reo vang tiếng vó ngựa. Các “nài ngựa” đang cho xe tập kết về “bến” xe ngựa nằm chếch chợ Vĩnh Trung. Trời chưa sáng hẳn, hai bên đường đã có hàng chục xe ngựa tập trung về bến để chờ khách chở thuê. Anh Chau Sol kể: “Từ ông nội, đến ba anh, rồi đến anh, đã ba đời sống bằng nghề đánh xe ngựa chở mướn khắp vùng. Hồi trước xe ngựa thịnh hành lắm. Cứ ra ngõ là gặp… xe ngựa. Cũng nhờ con ngựa kéo xe mà cả nhà mình có cơm ăn, hũ gạo không bị cạn. Rồi con ngựa còn “đẻ” ra con bò nhà mình”. Ấy là bán ngựa mua bò. Ngựa con nuôi cỡ sáu tháng hay một năm tuổi cũng bán được gần 10 triệu đồng.

Chuyến xe chở nặng tình quê

Anh Chau Sol nói, từ khi sinh ra, lớn lên đã thấy con ngựa và cỗ xe thồ rồi. Lúc nhỏ, Chau Sol thường theo cha đánh xe ngựa chở hàng mướn đi khắp vùng. Ðó là những mặt hàng quen thuộc ở cái xứ núi như: trái thốt nốt, măng tre, rau củ, bắp, trái cây và lúa. Lớn lên một chút, đợi tới buổi trưa khi cha anh ngả lưng trên chẵn vạc tre nằm ngủ, Sol len lén dắt dựa ngựa ra con đường mòn trong phum sóc tập đánh xe. Rồi chẳng mấy chốc, Sol trở thành “nài ngựa” thực thụ, ngày ngày đánh chiếc xe độc mã đi chở hàng mướn. Bây giờ, ông nội mất, cha anh cũng đã già, Chau Sol cũng không còn đánh xe ngựa chở thuê nữa. Từ khi hai con ngựa cuối cùng của gia đình bị dịch ngã lăn ra chết, hồi năm ngoái, Sol buồn rưng rưng nước mắt. Vậy rồi, anh phải nghỉ cái nghề đánh xe để gánh vác chuyện nhà. “Nhưng mỗi lần nghe tiếng vó ngựa lộc cộc ngang qua trước nhà là mình thấy bụng dạ nó nôn nao. Bao năm gắn bó với con ngựa, với nghề đánh xe chở mướn, giờ nghỉ ngang buồn hết sức. Mỗi chuyến xe ngựa không chỉ chở nặng hàng thồ, mà còn chở cả tình quê hương trong đó”, Sol trải lòng.

Nói tới ngựa, ở Bảy Núi không ai không biết tiếng của Chau Oanh Na. Chàng trai 33 tuổi này vốn là lái ngựa nổi tiếng khắp vùng. Anh từng khoác lên vai mầu áo của trường đua, làm nài chuyên nghiệp và giành lấy những thứ hạng cao. Còn bây giờ, Oanh Na là “thợ” duy nhất ở Bảy Núi làm nghề đóng móng ngựa. Cả cơ ngơi là căn nhà tường khang trang bậc nhất ở Vĩnh Lập, xã Vĩnh Trung cùng nhiều tài sản giá trị khác cũng từ ngựa mà ra. Thế nhưng, người ta biết và nể Oanh Na hơn vì chàng trai trẻ vốn là người có tâm huyết giữ con ngựa lại với xứ núi này. Nhớ hồi xe ba gác máy ồ ạt xuất hiện khắp vùng đã chiếm mất “nồi cơm” của cả trăm “tài xế” đánh xe ngựa chở thuê. Khi đó, nhiều người không còn tha thiết với con ngựa nữa, rồi cũng ồ ạt bán ngựa, vì nghĩ nó đã… hết thời. Oanh Na phải đi khắp nơi, đến từng nhà có ngựa năn nỉ, ỉ ôi để chủ nhà đừng bán. “Nhưng người ta vẫn bán. Mình mua. Bao nhiêu con cũng mua. Mình gom hết tiền bạc trong nhà, thậm chí là vay mượn để mua hết ngựa về chuồng. Ngày ngày mình vẫn đưa ngựa xe đến bến chờ chở hàng thuê. Mà nói thiệt, hồi đó buồn lắm, hổng ai kêu xe ngựa nữa. Nhưng mình không sợ, quan trọng là phải giữ được con ngựa với làng quê, xứ sở này”, Oanh Na tâm sự.

Theo một số nguồn tư liệu, xe ngựa đã xuất hiện ở Sài Gòn vào năm 1920. Không lâu sau, loại xe này xuất hiện ở Nam Kỳ lục tỉnh. Riêng Bảy Núi, có lúc hơn cả trăm chiếc xe ngựa, vận chuyển cả khách và hàng hóa, nhu yếu phẩm. Hiện nay, tại Bảy Núi còn hơn 50 con ngựa nuôi để kéo xe thồ. Tập trung nhiều nhất là tại xã Vĩnh Trung khoảng 40 con, Văn Giáo 4 - 5 con, An Cư (Tịnh Biên) khoảng 5 - 6 con.

Ngựa là một trong những con vật thân thương với loài người. Với người Việt, ngựa cũng vậy, là con vật thân thương và rất quan trọng, không phải bởi cha ông ta suốt hàng nghìn năm lịch sử, gắn với yên cương ngựa trong những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa. Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao (Chinh phụ ngâm), mà còn bởi đi xa, đi gần, cày ruộng, giải trí, y học, thực phẩm nữa..., gì cũng nhờ vào ngựa. Ngựa có ở trong thơ, trong văn, trong nhạc, trong hội họa, điêu khắc. Ngựa là bạn, là những gì con người yêu quý, cần thiết, sử dụng. Và lúc nào đó, cần vinh danh ngựa như một người bạn xả thân vì con người chứ không chỉ như một loài vật. Năm Giáp Ngọ, Thời Nay xin gửi đến bạn đọc những làng ngựa mà tên tuổi ít được biết đến hoặc sắp chìm vào quên lãng trên nhiều miền đất nước.