Ngôi nhà lớn buôn Ja thuộc xã Bông Krang, huyện Lắc (tỉnh Đác Lắc) rộng khoảng hai trăm mét vuông, đầm ấm suốt hai thập niên sáu, bảy mươi, thời kỳ phát đạt nhất trong nghề buôn voi của ông Đàng Năng Nhảy. Tại đó, ông Nhảy sống cùng bà Hai - bà Nguyễn Thị Nghĩa, người quê Bố Trạch, Quảng Bình và đội nài voi thân tín.
Trong những người con của ông Đàng Năng Nhảy, chỉ có mình Đàng Năng Long kế thừa nghề nuôi voi. Theo lời Long, Đàng là họ của người Chăm gốc ở Ninh Thuận. Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, ông nội của Long từ miệt duyên hải lên làm ăn trên cao nguyên, sống gắn kết với cộng đồng người M’ Nông quanh vùng hồ Lắc và trở thành một thương gia giàu có, sở hữu hàng chục con voi nhà. Ông nội anh thường cung cấp những con voi đực tốt nhất cho Vua Bảo Đại. Thuở ấy, Vua Bảo Đại có một biệt thự sang trọng cạnh hồ Lắc và một đội voi săn hùng hậu hơn 40 con. Cha Long, ông Đàng Năng Nhảy lớn lên cũng nối nghiệp nuôi voi, trong tay lúc nào cũng có hơn chục con. Vợ đầu của ông là người Chăm ở Ninh Thuận sinh được bảy người con. Anh Long kể, cha anh là người giao du rộng, kết thân với cả Ama Kông, “vua săn voi” ở Bản Đôn. Trong những chuyến đi lại xứ sở săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, ông Đàng Năng Nhảy quen biết và cưới người vợ thứ ba là bà Sao Thông Chăn, một phụ nữ gốc Lào, nổi danh là “nhà đầu tư” cho những cuộc săn voi rừng và thành thạo nghề buôn bán voi.
Ông Đàng Năng Long, ở huyện Lắc, tỉnh Đác Lắc, chủ của bảy voi nhà.
Thị trấn Liên Sơn nằm hướng ra hồ Lắc, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đác Lắc, lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể, với diện tích mặt hồ mùa xuân rộng khoảng 500 ha, còn mùa mưa hồ dâng ngập cả cánh đồng Lắc mênh mông không thấy bến bờ. Giữa đồng còn những hàng cây đánh dấu vị trí hơn nửa thế kỷ trước đã được chọn lập “Sở Kinh tượng” để nuôi đội voi hơn 40 con cho Cựu hoàng Bảo Đại. Trên ngọn đồi gần đó, năm 1940, Cựu hoàng cho xây tòa nhà lấy tên là Biệt Điện. Biệt Điện kiến trúc đẹp để mỗi khi Cựu hoàng về Lắc nghỉ ngơi, từ cửa sổ Biệt Điện ngắm bao quát cánh đồng Kinh tượng, buôn Jun có đàn voi lững thững từ rừng về trong nắng gió cao nguyên.
Đàng Năng Long hiện nay được mệnh danh là người có nhiều voi nhất Việt Nam: bảy con. Voi của anh về đủng đỉnh đứng kín chân nhà sàn. Sinh trưởng bên hồ Lắc, thông thạo nhiều ngôn ngữ của đồng bào bản địa. Lớn lên, anh loay hoay đủ nghề nhưng nghe tiếng gầm của voi thì lòng bứt rứt không yên. Thế là Long bàn với người thân trong họ chung vốn mua voi về nuôi, còn kinh nghiệm chăm voi thì học từ những quản tượng từng chăn voi cho Cựu hoàng Bảo Đại. Những năm chín mươi thế kỷ trước, huyện Lắc vẫn còn nhiều voi, chuyên để kéo gỗ cho đồng bào làm nhà hoặc cày ruộng, trả công bằng lúa. Anh bảo, thương yêu loài vật to lớn, lớn lên từ đại ngàn và kế thừa từ cha mẹ, nên anh thương voi đến vậy. Người mẹ già hơn 80 tuổi của anh còn yêu voi hơn thế. “Nhiều lúc nuôi voi vất vả quá tôi định bán hết để bỏ nghề, nhưng rồi ngày nào không được nhìn thấy voi, tự tay chăm voi thì cảm thấy ăn không ngon, ngủ không yên nên không nỡ xa lìa đàn voi”, Long tâm sự.
Voi cái hiếm khi đẻ, voi đực nuôi mới có lãi vì cứ ba năm lại cho cưa ngà, mỗi lần cưa được sáu đến tám ký, bán cho thương lái đến cân tại chỗ được bốn, năm lượng vàng. Anh Long gom vàng bán ngà tiếp tục góp vốn mua voi. Do vậy, đàn voi của dòng họ anh ngày càng đông thêm. Mỗi con đều có quản tượng và nài voi riêng chăm sóc suốt đêm ngày, được tổ chức đầy đủ các lễ nghi vòng đời theo luật tục, như lễ đặt tên, lễ nhập buôn, thậm chí cả… lễ cưới! Người tổ chức cưới cho voi, rồi voi lại đi rước dâu trong lễ vu quy cho cô chủ nhỏ. Tháng Giêng năm 2010, Họa Mi - con gái đầu lòng của anh Long, cưới chồng, được cha mẹ đôi bên đồng lòng tổ chức một lễ đưa dâu độc đáo, đám rước dâu vui nhộn trên lưng 20 con voi.
Đó là đời thứ tư nuôi voi ở huyện Lắc, Đác Lắc.