Để quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phát huy hiệu quả, giải pháp xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Nhà nước còn có nhiệm vụ nặng nề là phổ cập giáo dục. Làm thế nào hài hòa giữa mục tiêu phổ cập giáo dục, quyền bình đẳng được học hành, với chủ trương thúc đẩy việc trao quyền tự chủ cho các trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học?
TS Ngô Thị Minh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội): Trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 có đề cập, đối với giáo dục phổ thông phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương... Như vậy, Nhà nước đang phải chịu áp lực lớn về nhiều mặt cho các cơ sở giáo dục công lập. Các mô hình tự chủ (về tài chính, nhân sự) của các cơ sở giáo dục tư thục, công lập nếu làm tốt sẽ góp phần không nhỏ giảm áp lực cho Nhà nước về ngân sách và biên chế.
Khi được trao quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục sẽ có điều kiện để phát huy nội lực, khai thác tốt hơn các nguồn lực xã hội, chủ động hơn trong kế hoạch hoạt động.
TS Nguyễn Văn Hòa (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường THPT Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy): Xã hội giờ tính phân hóa đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ. Tầng lớp khá giả hơn đang ngày một nhiều lên. Ngay cả tầng lớp tiểu thương, các doanh nghiệp tư nhân cũng khá giả hơn. Quan điểm của tôi, trường công lập hướng đến đối tượng là những người yếu thế, người nghèo và ưu tiên đưa về những vùng khó khăn. Ở thành thị, lớp nghèo ở mức tầm 30%, nông thôn tầm 70 - 80%, giành ngân sách cho các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Trường tư thục cần được tạo điều kiện mở ra nhiều hơn cho nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế hơn vào học. Trường dân lập cũng phải được nhìn nhận công bằng. Tâm lý phụ huynh học sinh vẫn còn kỳ thị với trường dân lập, theo kiểu thi trượt trường công nên phải vào trường dân lập, rất không đúng với xu thế phát triển chung.
Thầy giáo Nguyễn Tấn Huy (Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Thẩm định Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới): Đồng quan điểm với TS Nguyễn Văn Hòa, tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể “hài hòa giữa mục tiêu phổ cập giáo dục, quyền bình đẳng được học hành, với chủ trương thúc đẩy việc trao quyền tự chủ cho các trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học”, bằng cách tiến hành đồng thời các nhiệm vụ, một mặt tự chủ tài chính và chăm lo đến công tác phổ cập giáo dục, ưu tiên ngân sách cho “vùng trũng”. Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục được đặt ra mức học phí tương đương với chất lượng dạy học của mình theo nguyên tắc “thu đủ bù chi, phi lợi nhuận”, mức thu được người học chấp nhận. Người học không chấp nhận, nghĩa là cơ sở giáo dục ấy buộc phải theo quy luật tự đào thải.
Theo đó, chủ trương đẩy mạnh việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm nâng cao chất lượng dạy và học nên được làm theo hướng nào?
TS Ngô Thị Minh: Trao quyền tự chủ cần gắn liền quy chế dân chủ và gắn với trách nhiệm giải trình trước phụ huynh và xã hội, bảo đảm bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục và nguyên tắc “không phân biệt đối xử” trong môi trường giáo dục (đúng với bản chất của việc học sinh “mặc đồng phục” tới trường) ở bậc học phổ thông là việc làm cần thiết. Đặc biệt, với các cơ sở giáo dục công lập ở các cấp học phổ cập, Chính phủ cần có sự chỉ đạo sát sao, thận trọng, rõ lộ trình, rõ trách nhiệm của Nhà nước, tránh lạm dụng cơ sở vật chất của Nhà nước để thương mại hóa (chỉ đáp ứng nhu cầu của người có tiền), vi phạm nguyên tắc “không phân biệt đối xử” trong môi trường giáo dục đối với mỗi học sinh, bảo đảm quyền học tập và phát triển toàn diện cho các em theo Công ước của Liên hợp quốc. Cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, chỉnh lý các văn bản, nghị định dưới luật khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực.
Thầy giáo Nguyễn Tấn Huy: Theo tôi điều cần làm trước hết là chuyển ngay các trường đang có sức thu hút lớn: trường chuyên, trường điểm, trường chất lượng cao... sang mô hình tự chủ tài chính. Tránh được nạn “chạy trường”, “chạy điểm”, gian lận trong thi tuyển. Trên thực tế, hệ thống các trường trọng điểm chất lượng cao đang vận hành theo mô hình đó và đã cho kết quả khả quan. Bên cạnh đó, phát huy quyền học sinh được chọn thầy. Làm như cách sinh viên đại học đăng ký học tín chỉ. Học sinh không còn bị học các trường, các thầy không phù hợp với nguyện vọng của các em. Giáo viên nào được nhiều học sinh đăng ký sẽ có thu nhập cao hơn, và ngược lại, giáo viên nào ít hoặc không có học sinh đăng ký học sẽ chuyển sang làm việc khác...
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã cơ bản hoàn tất và sẽ đi vào vận hành từ năm học 2020-2021. Được biết, chương trình mới đòi hỏi giáo viên đáp ứng phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tư duy độc lập, tự học, tự chủ động tìm tòi suy nghĩ cho học sinh... Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần mà đóng vai trò là người dẫn dắt, người truyền cảm hứng. Làm thế nào để các cơ sở giáo dục được chủ động hơn về chuyên môn và tuyển dụng nhân sự, thay vì cơ chế xin - cho như hiện nay?
TS Nguyễn Văn Hòa: Giáo dục phổ thông là cơ sở nền tảng cần được quan tâm đặc biệt. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng phát triển toàn diện là góp công sức cơ bản cho chủ trương nâng cao dân trí. Cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì. Giáo dục đang hướng đến là đào tạo bác học chứ không phải đào tạo người lao động trong khi tình trạng chạy theo thành tích, sính bằng cấp vẫn còn phổ biến, và sản phẩm giáo dục tạo ra là lớp trẻ sống dựa dẫm, ích kỷ, thiếu độc lập, sáng tạo, rất đáng lo ngại và rất cần phải quyết liệt thay đổi.
Thầy giáo Nguyễn Tấn Huy: Tôi nghĩ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc trao quyền chủ động cho các trường: quyền được chọn tuyển giáo viên giỏi theo nhu cầu đăng ký của học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên được chọn trường, không trói mình trong biên chế và mức lương “đến hẹn lại lên”. Mức lương giáo viên được tính theo vị trí việc làm và thu nhập thực tế theo số tiết lên lớp. Nên giao nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá học sinh cho một bộ phận độc lập, để tránh tình trạng giáo viên phóng điểm, nâng điểm lấy lòng học sinh hoặc giành điểm thi đua không thực chất.
Trước mỗi mùa thi đại học gần đây, nhiều người nửa đùa nửa thật, rằng với môi trường giáo dục như hiện nay, thi hỏng đại học mới khó chứ đỗ là... hiển nhiên. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được đánh giá là quá căng thẳng, mệt mỏi, gây áp lực nặng nề với không chỉ thí sinh mà còn kéo theo cả nhà trường, gia đình, toàn xã hội. Nhìn vào hai kỳ thi này, phải chăng mục tiêu giáo dục của ta đang có gì chưa ổn nhìn từ góc độ đào tạo “thầy” và “thợ”? Chương trình giáo dục phổ thông mới có làm thay đổi thực trạng này?
TS Nguyễn Văn Hòa: Tôi nghĩ mỗi yếu tố Chương trình giáo dục không thể làm thay đổi thực trạng về góc nhìn đối với hai kỳ thi. Việc đổi mới thi cử, đổi mới công tác tuyển sinh và việc phân luồng học sinh sau THCS đã được Luật Giáo dục 2019 đưa ra nhiều điểm mới, cùng với Luật Trẻ em 2016, hy vọng nếu Chính phủ quyết tâm triển khai với các giải pháp phù hợp, thực trạng đào tạo “thầy” và “thợ” sẽ trở về đúng bản chất.
Thầy giáo Nguyễn Tấn Huy: Theo tôi nếu giải quyết tốt các vấn đề đã nêu ở trên, tự khắc kỳ thi vào lớp 10 sẽ nhẹ nhàng. Lúc ấy các trường sẽ đua nhau tìm nguồn tuyển. Thậm chí kì thi vào đại học cũng sẽ tự chuyển đổi theo hướng tích cực hơn. Bởi các trường THPT đã được “xếp hạng” theo sự lựa chọn của phụ huynh. Sẽ xảy ra hiện tượng phân luồng tự nhiên: về cơ bản, học trường THPT top nào sẽ đăng kí vào đại học top ấy.