Vốn hạn chế, khó kêu gọi đầu tư
Trước hết, vốn đầu tư phát triển công viên cây xanh (CVCX) còn hạn chế, kế hoạch bố trí vốn thường rất chậm. Vốn ngân sách trung ương, địa phương chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu cần đầu tư xây dựng, trong khi lĩnh vực này khó huy động được nguồn lực xã hội hóa. Công viên Cầu Giấy (Hà Nội) phải kêu gọi vốn hỗ trợ của nhiều nhà đầu tư mới có thể xây dựng được.
Đầu tư CVCX có thể phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, trong khi đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện theo định kỳ giai đoạn 5 năm, 10 năm và chỉ được điều chỉnh khi tới kỳ hạn của Luật Đất đai đã gây khó khăn khi tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư. Kế hoạch sử dụng đất năm bị phê duyệt chậm dẫn đến giao đất, cho thuê đất cho CVCX tại một số địa phương bị chậm triển khai. Các đồ án quy hoạch được duyệt đã bố trí đất cho CVCX theo quy chuẩn, tuy nhiên khi triển khai bị điều chỉnh sang các vị trí không thuận lợi, khó tiếp cận cho người dân. Bố trí không hợp lý cũng dẫn đến một số nơi bị quá tải sử dụng, hoặc thiếu CVCX. Theo Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương, quy hoạch đô thị khi điều chỉnh thường thiếu tính hệ thống trong tổ chức mảng xanh, trong đó có việc tận dụng tối đa các KGX sang chức năng khác đã làm giảm diện tích các KGX; quy hoạch tổng thể đô thị, quy hoạch chi tiết chưa đạt yêu cầu về kiến trúc cảnh quan. TS,KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc quy hoạch CVCX đang theo hướng cố gắng bảo đảm chỉ tiêu, trong khi thực tế các khu đất quy hoạch cây xanh để thực hiện được cần nguồn vốn đầu tư lớn đền bù giải tỏa, di dời công trình hiện hữu, thay đổi chức năng sử dụng đất.
Thêm nữa, tổ chức lập quy hoạch tại các khu công viên còn chậm, chủ yếu do nhà đầu tư thiếu quyết tâm tổ chức thực hiện, vướng mắc trong lấy ý kiến thống nhất của cộng đồng dân cư. Việc gắn kết giữa quy hoạch, xây dựng đô thị với quản lý và phát triển CVCX, vườn hoa, mặt nước... chưa chặt chẽ; xem xét dự án đầu tư xây dựng hầu như chưa có sự kết hợp với phát triển KGX.
KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu & Phát triển đô thị xanh Việt Nam nhận định, bài toán cân bằng giữa mục đích thương mại (xây chung cư) và cải thiện môi trường (xây trường học hoặc công viên cây xanh) sau khi di dời các nhà máy ở Hà Nội đã chưa được tính đến. Muốn quy hoạch hệ thống KGX hoàn chỉnh, hợp lý cho đô thị, đòi hỏi phải định lượng chính xác nhu cầu về KGX đô thị hiện tại và trong tương lai, đánh giá đô thị thật sự cần bao nhiêu KGX để cân bằng sinh thái, chọn lựa địa điểm phát triển KGX mới bảo đảm phân bố rộng rãi, hợp lý, nghiên cứu hệ thống tuyến xanh liên kết các KGX để tạo nên vòng liên kết xanh (hệ sinh thái đô thị) hoàn chỉnh.
Cơ chế chính sách chưa phù hợp, thiếu linh hoạt
Nhìn chung, nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về lợi ích của KGX đã có nhiều chuyển biến nhưng sự quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển chưa tương xứng. Công tác thông tin truyền thông chưa kịp thời, đầy đủ, chưa phát huy trách nhiệm và vai trò của cộng đồng trong tạo KGX, bảo vệ cây xanh trong đô thị.
Mô hình bộ máy tổ chức dự án đầu tư xây dựng công viên và quản lý còn nhiều bất cập, hiệu quả quản lý vận hành chưa cao, chưa có quy định riêng, cụ thể cho công tác quản lý công viên, vườn hoa, vườn ươm. Tình trạng hoạt động kém, dùng đất công viên vào mục đích kinh doanh khác bắt nguồn từ phần lớn các CVCX quản lý theo cơ chế cũ, không có nguồn thu cho ban quản lý nên tổ chức hoạt động còn nghèo nàn và mang tính tự phát trong khi thực tế cho thấy, các công viên đẹp, hấp dẫn đều được chăm sóc cẩn thận, kinh phí lấy từ nguồn thu của các hoạt động văn hóa diễn ra tại công viên, không nhất thiết phải cho tổ chức tư nhân thuê để sử dụng cho mục đích khác. Cán bộ làm công tác quản lý về lĩnh vực cây xanh cấp quận, huyện đa phần kiêm nhiệm; công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được chú trọng dẫn đến CVCX xuống cấp. Ngoài ra, việc chăm sóc, trồng mới CXĐT chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên, hệ thống sân chơi, vườn dạo tại các khu dân cư, khu nhà tập thể xuống cấp rất nhanh do không có người quản lý.
Phân cấp quản lý chưa rõ ràng, còn chồng chéo nên khó khăn trong việc xử lý trách nhiệm. Đơn cử, ở Hà Nội cơ quan tham mưu giúp quản lý cây xanh ở cấp thành phố là Sở Giao thông Công chính với công ty chuyên ngành là Công ty Công viên Cây xanh, một số công viên lớn của thành phố như Công viên Thống Nhất, Vườn thú Thủ Lệ lại có cơ quan quản lý riêng. Cây xanh trên đường giao thông do cơ quan quản lý tuyến đường phụ trách, trong các công trình công cộng do các cơ quan tự quản.
Kết quả kêu gọi đầu tư đối với các CVCX còn nhiều hạn chế mặc dù hầu hết các địa phương đều nỗ lực xúc tiến đầu tư. Một phần do mảng này không hấp dẫn về lợi nhuận, phần nữa do một số tỉnh thành chưa xây dựng được chính sách cụ thể để xã hội hóa các nguồn lực đầu tư và thiếu cơ chế linh hoạt tạo điều kiện đưa thêm hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng vào khai thác, vận hành tại công viên tạo nguồn thu cho các nhà đầu tư trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích. Câu chuyện TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư xây dựng Công viên Văn hóa Gò Vấp rộng hơn 30 ha năm 2016 là dẫn chứng điển hình. Nhà đầu tư đề xuất được giao 5 ha để xây dựng Công viên nước có thu phí nhằm lấy kinh phí xây dựng, quản lý toàn bộ công viên, tuy nhiên khi tổ chức thực hiện lại vướng rất nhiều quy định, quy chế, dẫn tới dự án này đến nay vẫn chưa thực hiện được. Một số doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư xây dựng, trồng, chăm sóc duy trì cây xanh, vườn hoa, vườn dạo trên các khu đất quy hoạch kết hợp với quảng cáo thương mại, kinh doanh, dịch vụ... trên cơ sở các chính sách ưu đãi của thành phố Đà Nẵng về đất, thuế, nhưng cơ chế và trình tự các bước quy hoạch, triển khai thực hiện vẫn chưa được rõ ràng, thuận lợi dẫn đến hiệu quả bị hạn chế. Sự vào cuộc của doanh nghiệp bất động sản cũng đang vướng rào cản bởi quan ngại đầu tư công trình xanh làm tăng tổng chi phí đầu tư xây dựng, chưa biết khai thác yếu tố “xanh” để xây dựng thương hiệu và khó khăn về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực tiết kiệm nhiên liệu.
Chưa tăng cường kiểm tra, thanh tra; thiếu các chế tài về xử phạt vi phạm hoặc nếu có thì chưa đủ sức răn đe đối với trường hợp chủ đầu tư không xây dựng các công trình CVCX trong dự án; chậm triển khai xây dựng và bàn giao, hoặc xây dựng không theo quy hoạch, thiết kế ban đầu cũng là tác nhân. Một nguyên nhân nữa là do chính cộng đồng dân cư mua nhà thường chỉ chú trọng đến nhận bàn giao nhà, chưa thật sự quan tâm đến việc nhà đầu tư phải đầu tư đầy đủ các hạng mục hạ tầng xã hội như cam kết.