Kỳ họp lịch sử
Ðúng 9 giờ 50 phút ngày 28-11-2013, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, thuộc quận Ba Ðình (Hà Nội) các đại biểu QH đã thực hiện một công việc lịch sử trọng đại: Bấm nút thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi. Ngay phút giây công bố, cả hội trường rộn vang tiếng vỗ tay không dứt. Từ sáng sớm, phóng viên các cơ quan báo chí đã có mặt háo hức chờ đón và chứng kiến sự kiện lịch sử trọng đại này.
Bốn ngày sau đó, ngày 2-12, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, thay mặt gần 500 đại biểu Quốc hội đã chính thức ký chứng thực Hiến pháp sửa đổi ngay tại phòng họp của Ủy ban Thường vụ QH tại 37 Hùng Vương, chỉ mươi bước chân thôi là tới Quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Xúc động cầm trên tay bản Hiến pháp sửa đổi còn tươi nguyên chữ ký, Chủ tịch QH trân trọng công bố với quốc dân đồng bào: “Có thể nói, đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới”.
Nhiều bà con cử tri, đại biểu nhiều miền quê chúng tôi có dịp gặp, đều tỏ sự vui mừng và tin tưởng vào kết quả hoạt động của Quốc hội với bộn bề bao việc lớn, hệ trọng tầm quốc gia, đặt lên bàn nghị sự nhiều nội dung “quốc kế, dân sinh” sát sườn, thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Năm qua, trong các hoạt động cụ thể của mình, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, có nhiều ý kiến xác đáng, sắc sảo và chất lượng, góp phần cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Những kết quả và nội dung diễn ra trên nghị trường, trước, trong và sau các kỳ họp vừa qua rõ ràng đã tạo nên những dấu ấn tốt đẹp đối với cử tri.
Chăm lo “sâu rễ, bền gốc”
Tiếp tục dòng chảy của quá trình phát triển đi lên, bên cạnh kế thừa thành tựu to lớn của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội hôm nay không ngừng đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, luôn phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong xây dựng Hiến pháp, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò chủ thể của Nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ QH, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của QH cũng như từng vị đại biểu QH đã làm việc tận tụy, hết mình, với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, đồng chí trên khắp mọi miền đất nước và ở xa Tổ quốc.
Dẫu công việc vất vả, bộn bề, trên cương vị người đứng đầu Quốc hội, đồng thời được giao nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của T.Ư về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã dành nhiều thời gian xuống cơ sở, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của nông dân về đời sống, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Có nhiều bài học thực tiễn đáng quý đúc rút từ kinh nghiệm làm ăn, hay câu chuyện đồng áng rất đỗi giản dị của người dân, cử tri ở xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh); xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình); đến xã, bản vùng cao Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) hay về Thiện Kỵ là xã khó khăn nhất của huyện miền núi Hữu Lũng (Lạng Sơn) có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Ðồng chí cũng có dịp về với người dân trên cánh đồng mẫu lớn An Giang, gặp gỡ nông dân giỏi ở miệt vườn sông nước Hậu Giang, trao đổi với cán bộ, người dân cơ sở đang gây dựng nhiều mô hình nông thôn mới vùng duyên hải miền trung Phú Yên, Bình Ðịnh...
Những dịp đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng luôn quan tâm, yêu cầu các cấp ủy Ðảng, chính quyền bám sát thực tế để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với bước đi vững chắc, phải đi vào thực chất, hướng tới nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, không nóng vội, không “thành tích chủ nghĩa”, biết quy hoạch tốt nông thôn gắn bó hài hòa với đô thị là kế sách lâu dài. Ðây là nền tảng căn bản để đất nước ta phát triển vững bền. Chủ tịch QH cho rằng, chăm lo cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chăm lo đời sống của hơn 70% dân số cả nước, nhằm tạo “sâu rễ, bền gốc” cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và thế giới. Ðồng chí thường nói, về với nhân dân, về với cơ sở là dịp để tổng kết, bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, đưa các Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống.
Về thăm cán bộ, người dân ở cơ sở, Chủ tịch QH thường nhắc cán bộ, đảng viên và các đại biểu Quốc hội thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðảng và Nhà nước ta, luôn xác định vì nhân dân, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân. Người cán bộ phải luôn trọng nhân dân, gần nhân dân, hiểu nhân dân, học nhân dân và có trách nhiệm với nhân dân.
“Có thể nói, đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới”. |