Anh Thành sang CHDC Ðức theo diện hợp tác lao động vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước rồi lập gia đình và định cư tại Potsdam, điểm du lịch hấp dẫn với các danh thắng và những lâu đài cổ kính hàng trăm năm tuổi.
Là chủ một quán ăn trên con phố đi bộ thường xuyên đông đúc thực khách nên anh chị lúc nào cũng bận rộn. Mải mưu sinh, gần 30 năm vợ chồng anh hiếm có dịp về Việt Nam ăn Tết, nhưng trong tâm trí họ không bao giờ quên được cảnh sum họp đầm ấm quê nhà. Vì thế, năm nào cũng vậy, khi Tết Nguyên đán sắp chạm ngõ, dù bận rộn đến mấy anh chị cũng cố gắng thu xếp công việc để tổ chức một cái Tết chu đáo trên xứ người với tâm niệm giữ cho gia đình, đặc biệt là hai cô con gái sinh ra ở Ðức, một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên.
Ở châu Âu, người dân được nghỉ đón Giáng sinh và Tết Dương lịch cùng lúc vào cuối tháng 12. Người Việt định cư ở Ðức cũng bị cuốn theo nhịp sống ấy. Tết Nguyên đán hầu như chỉ diễn ra trong cộng đồng người Việt. Họ không có ngày nghỉ như ở Việt Nam nên phải rất linh hoạt thu xếp công việc mới có thời gian tổ chức vui đón Tết một cách tươm tất.
Trong chuyến công tác tới Potsdam vào dịp Tết Canh Dần năm 2010, tôi may mắn là khách mời đón Tết cùng gia đình anh chị Thành, Thảo. Cả nhà nhộn nhịp, mỗi người một việc, hai cháu Phương Thảo và Thái Thảo cùng mẹ Minh Thảo cùng nhau “biểu diễn” các món ăn Việt độc đáo, hương vị cỗ Tết quen thuộc lan tỏa khắp nhà.
Tuy sống ở một nền văn hóa khác nhưng hầu như gia đình người Việt nào ở Ðức cũng lập một ban thờ nhỏ trong nhà để nhang khói cúng tổ tiên ngày rằm, mồng một hằng tháng. Ban thờ của gia đình anh Thành ngày Tết đủ cả đèn nhang, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, gà luộc nguyên con, đĩa xôi khéo tay đơm đầy đặn, canh bóng, chè kho, mứt kẹo, hoa tươi… Anh cười vui với tôi: “Ðấy anh xem, có kém gì ở Việt Nam đâu”.
Bà con ta ở Ðức thường thắp nhang cúng giao thừa lúc 18 giờ ở Ðức (tức 24 giờ Việt Nam), thời khắc giao hòa linh thiêng của trời đất chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, và háo hức cùng đồng bào trong nước đón nghe thông điệp chúc Tết của Chủ tịch nước. Mọi người nâng ly chúc mừng năm mới, chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, may mắn và làm ăn phát đạt. Dẫu các con anh Thành đã lớn, nhưng sau khi thắp hương và nến đón giao thừa, chưa năm nào anh “quên” lì xì cho các cháu. Anh tâm niệm, đó là phong tục đẹp để khuyến khích các cháu học hành tiến bộ, thành đạt và luôn nhớ về quê cha, đất Tổ.
Không riêng gia đình anh Thành, nét sinh hoạt truyền thống vào dịp Tết Nguyên đán được hầu hết Việt kiều ta duy trì từ những ngày đầu tới Ðức. Chính những hoạt động đó giúp bạn bè Ðức hiểu hơn về đất nước và con người cũng như truyền thống văn hóa Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng hơn của cộng đồng Việt Nam vào đời sống văn hóa, xã hội Ðức. Mùa đông năm ấy, ngoài trời băng tuyết ngập đường, vô cùng giá lạnh, nhưng lòng tôi thật ấm áp bởi có ngọn lửa quê hương ấm cúng đượm cháy trong không gian gia đình.