Phải nói rõ rằng chuyến đi về Tràm Chim ấy nằm trong một sự kiện có cái tên rất gợi cảm: “Chào đón chim di cư Việt Nam 2013” do Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt, Công ty du lịch Hoang dã, Vườn quốc gia Tràm Chim, với sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế, Hiệp hội bảo vệ chim Vương quốc Anh tổ chức. Ðàn chim thiên di mỗi năm vẫn về, nhưng để chào đón, thì có vô vàn cách. Ðón bằng những câu thơ, những áng văn, những tấm ảnh, hoặc đón bằng lưới, bằng súng hơi, bằng bẫy... Chúng là niềm mơ mộng với người này và là nguồn thực phẩm với người kia. Có người buồn vết chân chim năm tháng. Có người cười ha hả quanh mâm nhậu. Có người khóc những vệt lông chim nhổ sống ròng ròng máu trên đường... Mỗi mùa chim thiên di là mỗi mùa con người cảm nhận tháng năm và sống trong những cảm xúc trái chiều. Với sự kiện này, đây là lần đầu tiên, đàn chim từ phương bắc lạnh giá, vượt qua ngàn vạn dặm đường, được chào đón bằng sự hiểu biết. “Chào đón chim di cư Việt nam 2013”, vào đầu tháng 11-2013 tại Vườn quốc gia Giao Thủy (Nam Ðịnh) và đầu tháng 12 tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Ðồng Tháp), diễn ra không ồn ào. Nhưng cứ lặng mà ngẫm, thấy cả một sự đổi thay lớn lao về nhận thức. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, loài chim, cũng như muôn loài khác, đang phải đối diện với những vấn đề sống còn: sự phá hủy sinh cảnh sống, mất những điểm dừng chân quan trọng trên đường bay, nhiễm độc hoặc ô nhiễm môi trường... Một sự chào đón chúng ở bất cứ đâu cũng là niềm trân trọng với cuộc sống chung trên hành tinh này.
Ðã có một số người trẻ, nhiệt tình tham gia công cuộc bảo tồn chim và nâng cao hiểu biết về sinh cảnh loài chim cho cộng đồng. Nguyễn Hoài Bão, sinh năm 1979, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, người tận tụy với bầy chim di cư suốt 15 năm nay, coi việc tìm hiểu đàn chim là cuộc sống của mình. Bão đã nghĩ ra việc tổ chức những tour xem chim để nhiều người hiểu và biết cách bảo vệ chúng, cùng những sinh viên trẻ của anh, như Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1991, điều đó thật sự cần thiết cho việc nghiên cứu để bảo tồn chim tại Việt Nam. Nhưng ít ỏi vô cùng những người quan tâm đến chim, chỉ đếm chưa hết năm đầu ngón tay suốt cả Việt Nam, những Birder nổi danh như Hùng, như Tiến, như Vỹ..., có người vẫn đam mê, có người đã dần dần lui khỏi cuộc chơi, ranh giới giữa nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và những người xem chim amateur chưa thật rõ ràng.
Thế nên, nhiều năm nay, vẫn là các nhà điểu học tên tuổi của Việt Nam, cũng đã cao niên, như ông Lê Trọng Trải... cứ vào mùa chim di cư, lại cặm cụi về khu đất ngập nước ven biển, đếm từng con cò thìa về trú ngụ trong cái đầm nuôi tôm của anh Tâm, chị Thủy tại Vườn quốc gia Giao Thủy, mừng hoặc buồn vì đàn cò mỏ thìa thêm hoặc bớt đi một vài cá thể cuối năm. Những cái cò cái vạc cái nông... lặn lội bao nhiêu thì các nhà khoa học nghiên cứu để bảo tồn các loài chim và sinh cảnh của chúng cũng lặn lội bấy nhiêu. Và rồi, buồn nhiều hơn vui, khi đàn chim di cư có dấu hiệu suy giảm mỗi năm, mà bất lực. Biết làm sao khi rừng cứ mất dần, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, tỷ lệ tăng dân số thuộc loại cao nhất thế giới. Vùng đất ngập mặn Xuân Thủy, hay vùng Tràm Chim, mặc dù có khác nhau về mức độ, vẫn là nơi người dân khai thác vì cuộc sống, giữ để sự khai thác ấy không quá mức có lẽ là điều không tưởng. Trong sự di chuyển đều đặn theo mùa hằng năm của một số loài chim, nhằm mục đích đáp ứng lại sự thay đổi nguồn thức ăn, sinh cảnh hoặc thời tiết, mỗi năm lại có thêm những bất ngờ không thể kiểm soát. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim đau buồn vì lượng sếu đầu đỏ nhiều nay về một ít dần. Những chuyến bay hoàn toàn theo bản năng của đàn chim thiên di ấy, cứ tưởng chẳng liên quan đến ai, nhưng chỉ một cá thể vắng đi, với những người hiểu biết, có thể là một nỗi xót xa câm lặng, một thất bại của đàn chim trong những thỏa hiệp với thiên nhiên và trong cả những tranh đấu với con người.
Chị Hoàng Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt có kể câu chuyện về nước Anh và những chú chim sẻ nâu: Suốt từ năm 2000 đến nay, việc những chú chim sẻ nâu biến mất trên các mái nhà, tán cây của các thành phố đã làm đau đầu cả nước Anh. Suốt chừng ấy năm, không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu đã được thực hiện, tốn bao nhiêu giấy mực và cãi vã, nhưng sự ra đi của các chú sẻ nâu vẫn là một bí ẩn lớn. Nước Anh từ năm đó đã bắt đầu chiến dịch “Cứu lấy loài chim sẻ” và hiện nay đã đưa chim sẻ vào sách đỏ trong danh sách các loài “rất cần bảo tồn”. Người ta còn cho rằng những chú chim sẻ nâu đã gióng lên hồi chuông vang dội báo nguy về môi trường, người ta lo lắng đến một nguy cơ chết người nào đó lơ lửng, một nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường mà con người chưa nhận diện được. Nếu có thứ gì đó đã tàn phá bầy chim sẻ, nó đã gây những ảnh hưởng gì đến con người?
Chúng ta liệu có bao giờ phải lo lắng về điều đó? Thói quen nhìn lên bầu trời, dường như đã mất với nhiều người. Chúng ta đã bao lâu không còn nhìn theo một cánh chim bay. Những cuộc tàn sát chim di cư vẫn diễn ra mỗi mùa. Và những lồng chim đẹp thì ngày một nhiều trong tất cả mọi chốn chợ búa thị thành. Người chơi chim đông lên, nhưng chim trong lồng có tiếng hót hay bộ lông đẹp chỉ có thể đập cánh cuống cuồng bởi bức bối vì sự giam hãm, chứ không bao giờ cho ta nghe những tiếng đập cánh tự do. Mỗi một cá thể chim bay lượn tự do trên bầu trời, mỗi tiếng đập cánh của chúng đều là một ký hiệu của cuộc sống. Cuộc sống bao la có chứa đựng tất cả mọi dấu ấn của muôn loài, bảo vệ cuộc sống là trân trọng tất cả những ký hiệu ấy, trân trọng chính mình.
Và để khi hát những lời như thế, “Rồi một con chim bay...”, lòng không chút nhói đau nào!
Du khách trong sự kiện chào đón chim di cư 2013 ở Tràm Chim, Đồng Tháp.
Theo Tổ chức BirdLife, ước tính có khoảng 1.800 đến 2.000 loài trong tổng số 10.000 loài chim là di cư, chiếm khoảng 20%. Hơn 40% quần thể các loài chim di cư đang giảm số lượng và có khoảng 20 loài đang bị đe dọa toàn cầu. Việt Nam được đặt vào một trong những nước hàng đầu thế giới về mức độ đa dạng sinh học cũng như số lượng các loài chim bị đe dọa.