Độ xanh của đô thị Việt Nam rất thấp
Quãng đường từ thành phố Lai Châu lên huyện Sìn Hồ dài 60km cách đây chỉ năm năm trước còn phủ một mầu xanh ngút ngàn thì giờ đây dọc hai bên chỉ thấy những dãy núi trọc, đất bạc màu trơ đá lổn nhổn, khô khốc nối tiếp nhau, thỉnh thoảng những đám khói bốc lên do người Mông đốt nương rẫy. Những cây gỗ lớn đã biến mất, vẫn còn dấu cưa cây và nhựa gỗ. Nhiều cây to bị đốn hạ, có cây chặt vội chưa đổ còn treo lơ lửng. Như lẽ tự nhiên, lũ quét, lũ ống ngày càng dữ dội, khó lường xảy ra rải rác khắp miền Tây Bắc. Rừng tự nhiên cũng đang chảy máu dọc miền trung và Tây Nguyên, hệ lụy là những trận sạt lở núi, lũ lụt thảm khốc đã diễn ra trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020 vừa qua.
Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép còn xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương. Mặc dù, diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc có tăng, tuy nhiên trong vòng 15 năm qua, rừng phòng hộ cả nước đã mất 0,6 triệu ha; riêng giai đoạn 2006 - 2015 diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu ha xuống còn 4,4 triệu ha và giai đoạn 2015 đến nay diện tích rừng phòng hộ tương đối ổn định ở mức 4,6 triệu ha, cần tiếp tục được trồng bổ sung, phục hồi nâng cao chức năng phòng hộ môi trường.
Diện tích rừng tuy có tăng, nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên còn bị giảm hoặc tăng chậm. Chất lượng rừng tự nhiên thấp. Theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 cho thấy chỉ có 8,75% diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu, còn lại là rừng trung bình 24,79%, rừng nghèo 53,45% và rừng nghèo kiệt phục hồi 13,01%...
Tình trạng cây xanh ở các đô thị ở Việt Nam cũng không sáng sủa hơn. Độ che phủ của cây xanh đô thị còn thấp so với tiêu chuẩn. TP Hồ Chí Minh, một đại đô thị lớn nhất nước nhưng nhìn đâu cũng thấy những khối bê-tông khô cứng, nhiều nơi trước đây vốn rợp bóng cây xanh, giờ nhường chỗ cho cao ốc. Cây đã ít, lại chủ yếu phân bố ở... ngoại thành. TP Hồ Chí Minh có hơn 540 triệu m2 cây xanh, nhưng phân bố cây xanh ở nội và ngoại thành rất không đồng đều (nội thành chỉ chiếm khoảng 1%). Tỷ lệ che phủ cây xanh toàn thành phố là 26,3%, tỷ lệ che phủ nội thành là 3,9%. Tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người trung bình toàn thành phố là 13,74 m2/người, bình quân trong nội thành chỉ có 1,95 m2/người. Cây xanh thành phố tập trung ở Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có cơ cấu hiếm thấy trên thế giới khi có đến hơn 90% cư dân tập trung tại khu vực đô thị hóa với khoảng 7% diện tích thành phố. Nghĩa là phần đông dân cư thành phố này đang sống giữa vùng không gian quá thiếu thốn cây xanh.
Hà Nội vốn là thành phố nhiều cây xanh nhưng giờ đây tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số chóng mặt khiến tỷ lệ cây xanh đã trở nên quá thấp, chỉ khoảng 2 m2/người, không đạt quy chuẩn và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Quận có số lượng cây nhiều nhất là Hai Bà Trưng (8.489 cây) và ít nhất là Long Biên (1.891 cây). Nhiều tòa cao ốc mọc lên trên các tuyến đường mới mở như đường Lê Văn Lương, Tố Hữu như một sự tỷ lệ nghịch với những hàng cây còi cọc thấp bé được trồng dọc đại lộ. Như một hệ quả tất yếu, ô nhiễm không khí của Hà Nội đang ở mức báo động. Các nhà khoa học đã chỉ ra cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%. Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra 730 kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m² cây xanh hoặc 25 m² thảm cỏ để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống. Nhưng với các đô thị ở khắp Việt Nam để đạt được tỷ lệ đó là ước mơ xa xỉ.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ đất cây xanh, công viên rất thấp so với tiêu chuẩn quy định, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn; các đô thị còn xảy ra thực trạng nhiều diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp, chuyển đổi; nhiều dự án quy hoạch diện tích dành cho công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích. Hệ thống cây xanh, công viên đô thị còn chưa được quan tâm đầu tư thích đáng; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định. Cây xanh ở đô thị chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.
Trong những năm qua, nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng. Tuy nhiên, qua thực tế, các khu đô thị mới còn thiếu các không gian công cộng như quảng trường, vườn hoa, công viên... Diện tích cây xanh, mặt nước đã không được khai thác, sử dụng hợp lý làm cho chất lượng môi trường sống suy giảm. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ từ 2 đến 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 đến 25 m2/người.
Hoạt động trồng cây nhiều nơi còn hình thức, chưa hiệu quả
Nguyên nhân của thực trạng này đã được Bộ NN&PTNT chỉ rõ, đó là nguồn lực cho phát triển cây xanh, nhất là cây xanh đô thị chủ yếu còn dựa vào ngân sách Nhà nước; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia xã hội hóa trồng cây xanh. Thiếu quy hoạch cây xanh và khâu quản lý về cây xanh còn lỏng lẻo nên tình trạng chặt phá, khai thác tuỳ tiện cây xanh đô thị diễn ra khá phổ biến. Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún; việc lựa chọn, bố trí loại cây trồng chưa phù hợp ở từng công trình, từng địa phương... Một số nơi việc tổ chức phát động Tết trồng cây và trồng cây phân tán còn mang tính phô trương, hình thức, lãng phí, chưa thiết thực, hiệu quả nên tác dụng tuyên truyền, nâng cao nhận thức chưa cao; có nơi cây trồng sau phát động chưa được quan tâm chăm sóc, bảo vệ, nghiệm thu, đánh giá hiệu quả và thống kê, báo cáo hằng năm vì trồng trên đất công cộng, chưa có chủ quản lý cụ thể. Thứ trưởng NN&PTNT Hà Công Tuấn thừa nhận: "Nhiều nơi tổ chức Tết trồng cây theo phong trào, 10 cây chết chín".
Công tác trồng và bảo vệ rừng cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, quỹ đất trồng rừng ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế. Điều kiện trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng phòng hộ phân bố trên phạm vi rộng, tập trung nhiều ở các vùng có điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội khó khăn, đất dành cho lâm nghiệp thường là đất xấu, địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Mật độ dân số cao, sức ép vào rừng ngày càng tăng, điển hình như vùng miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nơi có dân di cư tự do; hoặc do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên hơn, ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp. Nỗ lực biến sáng kiến của Thủ tướng thành phong trào trồng một tỷ cây xanh trong năm năm thành hiện thực thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
THANH CHƯƠNG