“Chìa khóa” nào cho các đô thị ven sông?

|

“Quay mặt ra sông”, “vẽ lại mặt tiền mới”, “đánh thức dòng sông giữa thành phố”… Nhiều cụm từ tương tự đang được nhắc tới thời gian qua, khi việc khai thác, cải tạo các dòng sông gắn liền với mỗi thành phố dần trở thành xu thế mới. Nhưng hành trình tái cấu trúc để biến không gian mỗi con sông thành một phần của “cơ thể đô thị” lại luôn là bài toán không đơn giản. 

Từ ý tưởng “rừng giữa sông Hồng”

“Không nhiều đô thị trên thế giới và Việt Nam có phần sông gắn với bãi cát rộng ngang bãi biển như sông Hồng. Họ thường phải cấy ghép các sàn nổi ra phía bờ sông để tạo không gian cho sinh hoạt đô thị” - KTS Vũ Hồng Thủy nhận xét. “Còn Hà Nội chỉ cần “đánh thức” bãi Giữa sông Hồng, thay vì kiếm tìm các giải pháp nhân tạo”.

Ý kiến trên được đưa ra tại một hội thảo lớn về khai thác bãi giữa - bãi nổi sông Hồng vào cuối năm 2023. Thực tế, đã có không ít hội thảo, tọa đàm hay sự kiện liên quan tới không gian này được tổ chức, mà gần nhất là cuộc thi Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng (UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo thực hiện, dự kiến trao giải vào tháng 10 tới).

Không lạ về điều này, bởi việc quy hoạch bãi giữa - bãi nổi sông Hồng luôn là trung tâm của ý tưởng phát triển “thành phố ven sông Hồng” mà Hà Nội nhiều năm theo đuổi. Với tổng diện tích gần 400 ha và gần như không bị chiếm hữu bởi công trình xây dựng nào, khu vực này là điểm nối giữa hai bờ sông - vốn cách nhau hơn 1.000 mét ngay tại trung tâm Hà Nội. Xa hơn, đây cũng là nơi có tầm nhìn rộng nhất để quan sát dải đô thị tại hai bờ, hoặc các khúc quanh co uyển chuyển của sông Hồng.

Và cho dù mọi ý tưởng còn tiếp tục ở phía trước, những giải pháp cơ bản để “đánh thức” bãi giữa sông Hồng cũng đã bước đầu lộ diện, qua một số hội thảo hay cuộc thi thiết kế vừa qua. Theo đó, trong lúc chờ bổ sung những cây cầu mới, cầu Long Biên cần sớm được tôn tạo thành không gian đi bộ kết hợp xe điện (không còn giao thông đường sắt) để mở ra tuyến bộ hành và giao thông xanh nối nội đô - bãi giữa - bờ bắc sông Hồng. Riêng với bãi giữa, dựa trên các thông số địa chất cần được nghiên cứu làm rõ, cấu trúc của không gian này phải thiết lập trên nguyên tắc nương theo tự nhiên, ưu tiên cây xanh và mặt nước, xây dựng các công trình nhẹ trống chân theo kiểu nhà sàn), có sự chuyển tiếp giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái mặt nước. Đặc biệt, không gian này cần được ưu tiên cho các chức năng sinh thái và sáng tạo.

“Giá trị cốt lõi của Hà Nội phải là thiên nhiên và tính sáng tạo năng động. Không gian thiên nhiên cốt yếu đã nằm ngay ở vị trí trung tâm thành phố, chính là sông Hồng” – Kiến trúc sư (KTS) Đoàn Kỳ Thanh nhận xét. “Nếu tại trung tâm của khúc sông này lại có một không gian riêng, nơi tất cả những ý tưởng và sáng tạo được hội tụ, giao thoa, giới thiệu với các tầng lớp trong và ngoài nước… thì sẽ là một cực phát triển rất hiệu quả”.

Đáng nói, theo một nghiên cứu của Trường đại học Xây dựng Hà Nội, dựa trên kinh nghiệm của thế giới, có tới 5 mô hình phát triển công viên chuyên đề có thể áp dụng cho bãi giữa sông Hồng (sinh thái, văn hóa, nông nghiệp, khoa học, sức khỏe). Trong đó, mô hình công viên sinh thái cần gắn với việc phát triển hệ thống rừng cây bán ngập, vườn ươm, phục hồi hệ thống động thực vật bản địa để hình thành Vườn Quốc gia Bãi Giữa sông Hồng và phục vụ các hoạt động dã ngoại, khám phá, trải nghiệm cắm trại...

Đặc biệt, theo đuổi ý tưởng tạo dựng không gian xanh cho thành phố để tìm lại sự cân bằng đã mất trong quá trình đô thị hóa, dự án “Lá phổi xanh Hà Nội” của nhóm KTS thuộc Công ty Oddo Architects cũng gây chú ý lớn trong vài năm qua, khi từng đoạt giải thưởng thiết kế bền vững toàn cầu Holcim Foundation vào năm 2021.

Theo dự án, một hệ thống rừng nguyên sinh - rừng cận nhiệt đới sẽ được trồng trên bãi giữa sông Hồng, ở dải đất rộng hơn 26 ha nằm giữa hai cây cầu Long Biên và Chương Dương. Từ nguồn lực xã hội hóa và sự góp sức của cộng đồng, hệ thống rừng gồm hơn một triệu cây xanh (chỉ chọn cây bản địa) với 4 - 5 tầng tán, triển khai trên các khối diện tích quy ước, kết hợp với hệ thống đường dạo bằng vật liệu tự nhiên hoặc đi trên cao. Những khảo sát địa chất ban đầu cho thấy, việc trồng rừng có thể kéo dài 8 -15 năm (gồm 2 giai đoạn), sau đó hệ sinh thái tự nhiên ở đây có thể tự vận hành mà không cần nhiều sự can thiệp của con người.

Tới bài toán “kết nối” các dòng sông

Phối cảnh đảo vườn và các cầu kết nối từng được đề xuất xây tại sông Sài Gòn.

Nguồn ảnh | Đơn vị tư vấn

Bên cạnh những đề xuất về bãi giữa sông Hồng, một ý tưởng táo bạo thời gian qua cùng các chuyên gia Pháp đưa ra với sông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Xây dựng một số đảo nổi nhân tạo để góp phần “giảm độ rộng” của lòng sông, từ đó tạo thuận lợi trong kết nối giữa phần trung tâm cũ (Quận 1) và không gian bên kia sông thuộc Thủ Thiêm. Theo ý tưởng, hệ thống các đảo có thể xây cố định hoặc neo nổi, trên đó có công viên, nhà hàng, dịch vụ để thu hút du khách.

Và khi nhận nhiều phản biện về nguy cơ ảnh hưởng tới dòng chảy hay biến đổi cảnh quan tự nhiên, đề xuất này cũng là cơ hội để cộng đồng hiểu thêm về những khác biệt lớn trong việc quy hoạch không gian tại sông Hồng và sông Sài Gòn – hai con sông đặc thù của những đô thị lớn nhất cả nước. Theo đó, khác với bề mặt khá rộng và mực nước lên cao vào mùa lũ của sông Hồng, sông Sài Gòn có lưu vực hẹp, nước sông chủ yếu thay đổi theo thủy triều và khá hiền hòa nên gần như không cần dựng đê ngăn lũ, từ đó tạo điều kiện cho phát triển nhà ở, đô thị ngay sát bờ sông như đã có bên Quận 1.

Đặt trong tương quan về không gian ấy, với một phố đi bộ Nguyễn Huệ đã hình thành và một quảng trường Thủ Thiêm rộng 20 ha đang được thiết lập tại phía bên kia, một cây cầu đi bộ theo phong cách hiện đại với hệ thống mái vòm che nắng cùng các chiếu nghỉ kết hợp biểu diễn nghệ thuật công cộng, ram dốc và băng chuyền cần được thiết lập để kết nối hai trục không gian mang ý nghĩa truyền thống - hiện đại này.

Ở một góc độ khác, với hệ thống kênh rạch khá đặc thù, trong đó có một số dòng kênh đã được cải tạo đẹp như kênh Nhiêu Lộc hay Tân Hóa - Lò Gốm, TP Hồ Chí Minh lại có một ưu thế riêng khi có thể tạo dựng các tuyến giao thông bằng cả đường thủy và đường bộ với sông Sài Gòn. Như cách nói của ông Nguyễn Kim Toản – người đứng đầu đơn vị đang kinh doanh tuyến bus đường sông số 1 tại đây, việc tạo dựng nhiều “cửa mở” ra sông Sài Gòn sẽ tạo ra nhiều lộ trình và trung tâm kết nối giàu bản sắc quanh không gian này.

Rộng hơn, từ trường hợp của sông Sài Gòn và sông Hồng, cũng không khó để nhìn ra sự đa dạng trong bài toán “hướng ra sông” mà nhiều đô thị khác đang xác lập. Đơn cử, cũng là sông Sài Gòn, phân đoạn gần 14 km chảy qua thành phố Dĩ An (Bình Dương) là nơi có nhiều di tích lịch sử, và những làng nghề truyền thống như mộc, gốm sứ, sơn mài… Bởi vậy, không gian này hoàn toàn có thể được định hướng để phát triển thành những trung tâm du lịch - dịch vụ gắn với làng nghề ven sông.

Hoặc với sông Đồng Nai chảy qua Biên Hòa, đã có nhiều ý kiến chỉ rõ, dòng sông này phải gắn với cù lao Phố - từng là thương cảng nổi tiếng trong lịch sử Đồng Nai. Ở đó, bên cạnh hệ thống di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc bản địa còn lưu lại, phần Tây Nam của cù lao gắn với mặt sông rộng thoáng cần được tôn tạo để trở thành “mặt tiền” quan trọng kết nối với tổng thể khu vực.

Xa hơn, tại Nghệ An, thành phố Vinh đã lập quy hoạch chi tiết hai bờ sông Vinh dài hơn 7 km chảy giữa lòng thành phố, với tổng diện tích 102 ha. Ở đó, các phân khu quy hoạch lần lượt gắn với các chức năng sinh thái, di sản, chợ nổi… trong đó phần chảy vòng qua chợ Vinh (tồn tại hơn một thế kỷ) có vai trò khá quan trọng trong việc kết nối cộng đồng, cũng như phản chiếu lịch sử của thành phố…

Như thế, giống như nhiều dự án quy hoạch đô thị ven sông từng thành công trên thế giới, “công thức chung” trong câu chuyện này luôn là phát huy được giá trị về bề dày lịch sử của dòng sông, cũng như kết nối nó với lớp di sản văn hóa tại mỗi địa phương. Bên cạnh đó là việc tạo lập hệ sinh thái thuận lợi cho giao thông công cộng, lấy mặt nước và cây xanh làm trung tâm, cũng như ưu tiên tối đa không gian chung cho cộng đồng, thay vì “chiều lòng” các dự án bất động sản.