HLV Nguyễn Tuấn Kiệt: “Thành công từ sự tin tưởng và đối thoại”

|

Âm thầm và lặng lẽ, nhưng sự đổi mới về tư duy và cách làm của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt (ảnh bên) với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lại ghi được những dấu ấn rất to lớn. Đúc kết lại năm 2023 rất thành công trên đấu trường quốc tế, chiến lược gia sinh năm 1976 khẳng định giá trị cốt lõi của sự thay đổi vẫn là từ cái gốc đào tạo trẻ, nhưng phải có sự tiếp cận không ngừng với những nền bóng chuyền phát triển.

Vượt ngưỡng thắng Thái Lan

Bóng chuyền nữ có một năm 2023 với nhiều chiến tích lịch sử. Và với danh hiệu “HLV của năm” tại Cúp Chiến thắng vừa qua, ông có nghĩ mình là người có công lớn nhất?

Công của mình tôi thì không đúng, nhưng nói thật năm 2023 Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng có nhiều thay đổi tích cực. Cụ thể là đội tuyển quốc gia được tập huấn nhiều. Về dấu ấn cá nhân, bao nhiêu năm qua đội tuyển đi tìm một con đường, một lối chơi. Tôi là người thổi hồn, xây dựng lối chơi mới cho tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Về cơ bản đây là hướng đi đúng đắn.

Theo ông, yếu tố quan trọng nào giúp bóng chuyền nữ Việt Nam có một bước tiến lớn trong năm 2023?

Quan trọng nhất là sự tin tưởng của VĐV với HLV trưởng, với Ban huấn luyện. Khi có sự tin tưởng lẫn nhau, tình trạng và suy nghĩ “quân anh, quân tôi” như trước không còn diễn ra nữa.

Thứ hai là tôi xây dựng một lối chơi mới, qua vài giải đấu cho thấy sự hiệu quả nên các VĐV chịu khó lắng nghe, tiếp thu. Sự thống nhất, đoàn kết trong đội luôn rất cao. Các VĐV không còn lấn cấn khi lên đội tuyển. VĐV cứ tập tốt, thi đấu tốt, sẽ có vị trí chính thức ở đội tuyển. Về lực lượng, chúng ta đang có lứa VĐV đồng đều và chất lượng, thiếu vị trí này có thể được bù đắp bằng vị trí khác. Thí dụ như phụ công hiện nay có tới 6-7 VĐV thay được nhau.

Chiến thắng nào mang lại cho niềm cảm xúc lớn nhất trong năm 2023?

Đó là khi tuyển Việt Nam thắng Thái Lan lên ngôi vô địch giải các CLB châu Á ở Vĩnh Phúc. Chiến thắng ở trận chung kết giúp các VĐV vượt ngưỡng, trưởng thành nhanh. Đây chính là điểm nhấn của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong năm 2023.

Còn hai chiến thắng trước Hàn Quốc ở giải vô địch châu Á và ASIAD cũng rất đặc biệt. Các VĐV có tâm lý tốt khi bước vào hai trận đấu này. Nếu sòng phẳng thì chúng ta với họ là 50-50. Tuy nhiên, Hàn Quốc thua quá nhiều trước khi gặp Việt Nam. Họ luôn phải xác định cửa trên nên gây áp lực tâm lý nặng. Chúng ta thắng vì may mắn, nhưng may mắn chỉ đến với người chăm chỉ lao động.

Còn đâu là thất bại khiến ông cảm thấy thất vọng?

Có lẽ đó là trận thua 2-3 đáng tiếc trước Nhật Bản ở giải vô địch châu Á. Ở giải này chúng ta không tập trung được những VĐV tốt nhất, thậm chí lãng phí tài năng như trường hợp của Bích Tuyền không lên đội tuyển.

Khi thua, tôi sẽ nhìn nhận nguyên nhân từ đâu. Chúng ta còn thiếu nhiều quá, chẳng hạn như chưa có một HLV thống kê. Các đội bóng chuyền thế giới, Ban huấn luyện của họ thường có 6-8 người. Còn Việt Nam thì vẫn theo quy chế 3-4 HLV.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt và các học trò đã có một năm nhiều dấu ấn.

Ông tin là chúng ta sẽ đuổi kịp Thái Lan trong tương lai gần?

Cách đây chục năm, cứ gặp Thái Lan là bóng chuyền nữ Việt Nam xác định thua trắng. Còn bây giờ mình có cơ hội, khiến đối thủ không thể chủ quan. Đặc biệt sau năm 2023, tuyển Thái Lan xác định phải có sự chuẩn bị kỹ càng, thi đấu căng sức khi đối đầu với chúng ta.

Chúng ta đi sau họ quá xa. Lúc trước chưa thấy ánh sáng để thi đấu sòng phẳng, hiện tại đã làm được. Nhưng để được tầm như Thái Lan thì bóng chuyền nữ Việt Nam phải vận hành lối chơi nhuyễn, giữ VĐV phong độ, phát huy được và cuối cùng là được tập huấn thường xuyên.

Những thành công của bóng chuyền nữ có phải chỉ là hiện tượng, nhất thời hay là một sự thay đổi đánh dấu bước đi lên mạnh mẽ?

Chúng ta thi đấu 10 giải trong năm 2023 đều thể hiện rõ lối chơi, tinh thần, thì rõ ràng không thể nói đó là hiện tượng được. Việt Nam có tới 8-9 trận tỷ số là 3-2, trong đó thắng 6 trận. Các VĐV bản lĩnh hơn rất nhiều.

Luôn hướng về cái mới

Theo ông, giải vô địch quốc gia đang thiếu điều gì để tạo nên một chân đế vững chắc cho đội tuyển?

Trình độ và sự chuyên nghiệp của các CLB Việt Nam ở top cuối so với mặt bằng chung của Đông Nam Á. Hiện tại mới chỉ có 1-2 đội có đội ngũ thống kê.

Đặc biệt, hầu hết các đội bóng đều thuê ngoại binh khủng. Với bóng chuyền, ngoại binh giỏi chiếm 80% sức mạnh đội bóng. Cả đội chơi bóng phục vụ cho ngoại binh. Có những trận chỉ 2 ngoại binh chơi với nhau. Áp lực thành tích khiến các HLV không thể giúp VĐV nội, VĐV trẻ trau dồi, dần dần dẫn đến sự mất tự tin ở VĐV. Và khi mất phong độ lấy lại rất khó. Như vậy, HLV phải biết dìu dắt, nhìn vào tương lai VĐV nội.

Việc các VĐV Việt Nam ra nước ngoài thi đấu như Thanh Thúy, Kiều Oanh, Lâm Trinh mang tới những tín hiệu vui. Nhưng vì sao chúng ta chưa thể có nhiều VĐV như vậy?

Các VĐV của chúng ta mới ra nước ngoài theo phương diện cá nhân và CLB. Tôi ủng hộ VĐV ra nước ngoài thi đấu càng nhiều càng tốt, nhưng Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phải có vai trò, cụ thể là giới thiệu VĐV. Nếu có sự bảo đảm của Liên đoàn, các VĐV sẽ chọn được CLB phù hợp.

Thành công ở đội tuyển tạo áp lực thế nào khi làm việc ở CLB?

Tôi nghĩ có bột mới gột nên hồ. Kể cả tôi là HLV trưởng đội tuyển quốc gia nhưng ở CLB không có con người thì cũng không làm được.

Ông từng là một trong số ít HLV trong nước được đi du học, việc áp dụng những bài tập, những giáo án hiện đại như thế nào với đội bóng của mình?

Tôi từng sang Mỹ học 4 năm. Tại Mỹ, tôi xin đi làm ở các tổ chức từ thiện để tìm hiểu giải sinh viên của họ. Tôi học được cách tiếp cận trận đấu, cách tập luyện, đặc biệt là thể lực. Các bài tập, phát triển cơ rất quan trọng. Tôi không phải tự hào nhưng năm rồi đội tuyển thi đấu nhiều mà không có VĐV nào chấn thương đáng tiếc.

Ngoài ra, tôi học được cách đối mặt với VĐV. Bây giờ quyền con người cao, không thể áp đặt phải làm thế này, thế kia, mà điều cần là chia sẻ, tâm sự với học trò. Hiện tại, VĐV được quyền đóng góp vì không phải cứ thầy là đúng. Sự đối thoại trong cả công việc lẫn cuộc sống rất quan trọng. Khi VĐV tin tưởng mình thì vào trận đấu chuyên môn rất tốt. Mình không chỉ là HLV mà còn là người cha, người bạn.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt là người luôn có tư duy đổi mới.

Ông là người luôn hướng tới cái mới, vậy từ CLB tới đội tuyển quốc gia sẽ được làm mới như thế nào trong năm 2024?

Điều mà tôi muốn nhất là sự truyền tải về cách chơi cho chuyền hai. Bóng chuyền muốn thay đổi cái mới thì chuyền hai phải tiếp cận. Chúng ta mới biết mặt trận tấn công ở trên mặt lưới, nhưng không hiểu tấn công hàng sau cũng quan trọng không kém. Ngoài ra, vị trí của VĐV không cố định, phải toàn diện hơn. VĐV cũng không cần phải cao. Như Nhật Bản hay Thái Lan, lối chơi quan trọng chứ không phải cá nhân.

Khâu đào tạo trẻ rất quan trọng và ông sẽ thay đổi tư duy làm bóng chuyền như hiện nay như thế nào?

Tới năm 2024 chúng ta có định hướng tập trung tối đa cho các tuyến trẻ. Đó là điều đáng mừng và sự thay đổi này đến từ những thành tích của năm 2023. Ngoài ra, cách làm trước đây là cứ năm nào tập trung đội tuyển thì mới có Ban huấn luyện. Nhưng bây giờ thì HLV trưởng và các thành viên Ban huấn luyện sẽ làm việc lâu dài, lộ trình trước mắt là tới năm 2026.

Tôi có ưu điểm là phát hiện được lỗi kỹ thuật của VĐV và sửa lỗi rất nhanh, đồng thời đặt được VĐV ở vị trí tốt nhất. Tôi vẫn nói: Ai cũng đánh được bóng chuyền. Chậm thì phải luyện thành nhanh. VĐV phải có đam mê và luôn phải suy nghĩ không có điểm dừng.

Ông cân bằng cuộc sống gia đình và công việc như thế nào? Ngoài bóng chuyền có sở thích nào khác?

Tôi đam mê thể thao, không riêng về bóng chuyền. Tôi có thể ngồi cả đêm xem tennis. Ngày xưa tôi cũng không bỏ một trận bóng đá nào. Mẹ tôi 80 tuổi, có những hôm xem bóng chuyền còn phải uống thuốc huyết áp. Vợ cũng rất cuồng thể thao. Tất cả đều ủng hộ và đó là điều may mắn với tôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị!