Thể thao Việt Nam và khát vọng vươn tầm

|

Khép lại một năm nhiều biến động, thể thao Việt Nam hướng tới năm mới với nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, việc định vị lại vị thế trên đấu trường quốc tế để đưa ra những thay đổi, giải pháp cụ thể là nhiệm vụ cấp thiết và được ưu tiên hàng đầu. Nếu không hành động ngay chúng ta sẽ khó có thể cất cánh vươn tầm, mà trước mắt là Olympic Paris 2024 đang đến gần.

Bức tường lớn ở châu lục

Những năm qua, thể thao Việt Nam (TTVN) liên tục dẫn đầu tại các kỳ SEA Games và bỏ xa các đối thủ về số lượng huy chương. Đặc biệt ở SEA Games 32-2023, các VĐV đã xuất sắc giành 136 HCV giúp đoàn Việt Nam lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn dù không thi đấu trên sân nhà. Theo thống kê ở SEA Games 32 có khoảng 75% môn thi đấu nằm trong chương trình Olympic, số huy chương mà đoàn TTVN giành được trong các nội dung này chiếm khoảng 52% trong tổng số.

Tuy nhiên, sau những chiến thắng đó, TTVN đã gặp phải một bức tường lớn mang tên ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) tháng 9/2023. Với 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, xếp thứ 21 tại ASIAD 19, TTVN đã đạt chỉ tiêu đề ra so với trước ngày lên đường là tối thiểu 2 HCV. Nhưng, nếu tính thành tích trong khu vực Đông Nam Á chúng ta chỉ đứng thứ 6 sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore. Dù dẫn đầu 2 kỳ SEA Games 31, 32 liên tiếp, nhưng khi bước ra đấu trường châu lục, TTVN tụt lại phía sau một khoảng không nhỏ so với các nước trong khu vực. Những tấm HCV của các đoàn Đông Nam Á đều phản ánh được các thế mạnh của họ. Chúng ta thua về số lượng, cũng như cả chất lượng những tấm huy chương khi trong 3 HCV của các VĐV Việt Nam chỉ có bắn súng là môn Olympic.

Thế nhưng, lúc mà TTVN đang hứng chịu chỉ trích về thành tích tại ASIAD 19, Thái Lan cũng rơi vào cảnh tương tự. Đất nước xứ chùa Vàng “chỉ” giành được 12 HCV, thấp hơn chỉ tiêu đăng ký là 15-23 HCV... Câu chuyện của thể thao Thái Lan cho thấy một thực trạng đi xuống đáng báo động của TTVN. Rõ ràng sự phát triển thể thao thành tích cao của nước ta đang gặp những thách thức cần đổi mới tư duy, cách làm và cần có một cuộc cải tổ toàn diện, đặc biệt ở khía cạnh chiến lược, tầm nhìn nếu muốn vươn đến tầm châu Á và thế giới.

Ảnh: Kiều Tú

Giải bài toán “đầu tiên”

Cuối tháng 12/2023, Hội nghị “Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030” với chủ đề “Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với mục tiêu tìm phương hướng, giải pháp để nâng tầm TTVN tại các sân chơi lớn. Thành tích thiếu bền vững tại các đấu trường châu Á và thế giới là lý do khiến những nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao phải nhìn lại, tìm hướng đi phù hợp cho thể thao nước nhà.

Rất nhiều ý kiến của các lãnh đạo, chuyên gia... đã được ngành thể thao lắng nghe và tiếp thu. Nói cách khác, nguyên nhân và cả cách để giải quyết các vấn đề của thể thao đỉnh cao Việt Nam gần như có đủ. Bởi vậy, hội nghị lần này được mong đợi sẽ mang ý nghĩa tổng kết trên tinh thần tạo ra những đột phá về khía cạnh chính sách, qua đó mới có thể định hướng sự phát triển đến năm 2030 gần với thực tế hơn.

Những đặc điểm về số lượng và sự phân bổ huy chương ở SEA Games và ASIAD cho thấy TTVN có xu hướng dàn trải nhưng thiếu trọng điểm. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, cần xác định rõ mục tiêu cho SEA Games, ASIAD hay Olympic để lên kế hoạch đầu tư. Đề án phát triển TTVN đến 2030 và tầm nhìn 2045 đến thời điểm này đã lộ ra một vấn đề lớn: Dự báo không chuẩn xác. Chúng ta chỉ thực hiện được mục tiêu đứng đầu SEA Games còn tại ASIAD hay các suất dự Olympic thì không hoàn thành. TTVN đã trải qua nhiều năm “sống mòn” bằng cách dựa vào thực lực của các VĐV. Và đến khi họ quá tải, xuống phong độ hay giải nghệ thì loay hoay không có người thay thế đủ tầm.

Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra: Nguồn tài năng trẻ chưa nhiều; các VĐV tranh chấp thành tích trên đấu trường Olympic và ASIAD chưa thực sự đạt và duy trì sự ổn định thành tích; nguồn HLV nội có trình độ cao còn rất khiêm tốn, thiếu chuyên gia nước ngoài; cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu thiếu thốn; VĐV có ít đợt tập huấn nước ngoài do thiếu kinh phí; hệ thống thi đấu trong nước chưa hiệu quả. Và căn cơ vẫn là việc thiếu kinh phí, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho thể thao thành tích cao chưa thực sự có sức bật cao, bật xa như kỳ vọng.

Theo thống kê, kinh phí dành cho thể thao thành tích cao trong năm 2022 là hơn 686 tỷ đồng, còn năm 2023 là hơn 710 tỷ đồng. Kinh phí thấp khiến cho việc đào tạo, tuyển chọn, thi đấu không được như ý, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là ở trình độ châu Á và thế giới. Thí dụ môn bắn súng được đầu tư hàng đầu mỗi năm được cấp ngân sách 3,3 tỷ đồng, trong khi nhu cầu thực tế cần 10-12 tỷ đồng. Ngoài ra, đời sống của các HLV, VĐV còn nhiều khó khăn, dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa cao.

Theo ước tính của Cục Thể dục Thể thao, TTVN cần nguồn kinh phí khoảng 5.800 đến 6.150 tỷ đồng cho giai đoạn từ 2024-2030 để thực hiện khát vọng nâng tầm trên trường quốc tế. Nguồn kinh phí triển khai thực hiện đề án được huy động từ các nguồn bao gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa.

Nguyễn Thùy Linh đang tiến gần tới tấm vé đến Olympic 2024. (Ảnh: Độc Lập)

Đường đến Paris còn xa

Việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai là có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á. TTVN cần một quá trình với hệ thống bài bản, từ việc phát triển giáo dục thể chất đến xác định trọng điểm và cần có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành và gần như ngay ở các cấp, từ cấp tiểu học đã phải có hệ thống thi đấu. Đó là những giải pháp và tầm nhìn chiến lược trong đầu tư lâu dài. Còn trước mắt, chúng ta phải đối mặt với khó khăn gần nhất là Thế vận hội 2024. Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao cho biết: “Chúng ta đặt mục tiêu giành 12-15 suất dự Olympic 2024. Đầu tiên tôi được tham mưu chỉ tiêu là 15-18 suất nhưng tôi thấy không ổn nên giảm chỉ tiêu xuống. Dù vậy con số này không dễ dàng”.

Olympic sẽ diễn ra vào tháng 7/2024 tại Paris (Pháp) và hiện tại TTVN mới chỉ có 4 suất của Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội). Các chuyên gia nhận định việc đạt mục tiêu đề ra là khó khăn. Nhiều môn trọng điểm khác vẫn đang nỗ lực từng ngày trên hành trình tìm kiếm suất tham dự. Điền kinh Việt Nam có nhiều rào cản nhưng vẫn hy vọng ở nội dung 4x400m nữ với sự trở lại của Quách Thị Lan. Về boxing, Nguyễn Thị Tâm, Diệu Quỳnh và Hà Thị Linh cũng sẽ nỗ lực tranh chấp suất dự Olympic. Với taekwondo, các võ sĩ Kim Tuyền, Ánh Tuyết, Bạc Thị Khiêm hay Lý Hồng Phúc sẽ tham dự vòng loại khu vực châu Á vào tháng 3 để tranh suất. Ở môn cầu lông, Nguyễn Thùy Linh đang đứng trước cơ hội lớn góp mặt tại Olympic, đồng thời hai tay vợt nam là Đức Phát và Hải Đăng cũng được kỳ vọng. Thể dục dụng cụ có các VĐV tiềm năng là Khánh Phong, Xuân Thiện, Hải Khang và Vỹ Lương. Trong khi đó, môn bắn cung còn một giải đấu World Cup Final tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6. Và đua thuyền có vòng loại khu vực châu Á diễn ra vào tháng 4...

Olympic Paris 2024 là cột mốc đáng suy ngẫm cho TTVN. Cơ quan quản lý xây dựng mục tiêu hoạch định Olympic năm 2024 và 2028 có kết quả huy chương, còn Olympic giai đoạn từ năm 2031 đến 2045 là có HCV. Thế nhưng đến nay ngay cả việc hoàn thành chỉ tiêu suất tham dự cũng khá xa vời. Xét tổng quát, TTVN đã không đạt được những mục tiêu lớn nhất trong năm 2023, bao gồm thành tích ở ASIAD 19 và số vé tham dự Olympic. Điều này sẽ tạo áp lực và gánh nặng không nhỏ lên những VĐV khi phải hướng tới sân chơi đẳng cấp thế giới. Và không chỉ cần chiến lược lâu dài, đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện... mà sự đam mê, tình yêu nghề cùng nỗ lực vượt khó của các HLV, VĐV cũng rất quan trọng để có thể biến ước mơ, khát vọng của TTVN thành hiện thực.

Cục Thể dục Thể thao đề ra mục tiêu đến năm 2030:

- Olympic Paris 2024 có từ 12-15 VĐV vượt qua vòng loại giành quyền tham dự. Và phấn đấu đến Olympic Los Angeles 2028 có trên 20 suất.

- Tại ASIAD 20 Aichi-Nagoya 2026, phấn đấu giành từ 5-6 HCV. Chuẩn bị lực lượng để có thể giành từ 7-8 HCV tại

ASIAD 21 Doha 2030.

- Tại các kỳ SEA Games 2025, 2027 và 2029, giữ vị trí trong tốp 3 toàn đoàn, tốp 2 đối với các môn thể thao Olympic. Tận dụng cơ hội thi đấu tại SEA Games để phát triển lực lượng chuẩn bị cho Olympic và ASIAD.