HUYỀN ẢO “NAM THIÊN ÐỆ TAM ÐỘNG”

|

Ðịch Lộng - cây sáo đá khổng lồ của tạo hóa bao năm dặt dìu những thanh âm vi vút, giữa cao rộng đất trời. Ðịch Lộng - hang động lung linh với muôn hình vạn trạng nhũ đá khiến khách thập phương dùng dằng chẳng nỡ rời đi.

Quy tụ tinh hoa nghệ thuật điêu khắc đá

Tới xã Gia Thanh (Gia Viễn, Ninh Bình), hiếm du khách có thể bỏ qua cơ hội khám phá động và chùa Địch Lộng - một điểm đến sở hữu vẻ đẹp huyền ảo từng được Vua Minh Mạng ban tặng danh xưng “Nam thiên đệ tam động” (tức “hang động đẹp thứ ba ở chốn trời Nam”) trong chuyến tuần du Bắc Hà năm 1821. Địch Lộng chỉ chịu đứng sau “đệ nhất” Hương Tích (Mỹ Đức, Hà Nội) và “đệ nhị” Bích Động (Hoa Lư, Ninh Bình).

Quần thể Địch Lộng bao gồm nhiều công trình kiến trúc, từ ngôi đình đá thờ Thánh Nguyễn đến ngôi chùa Hạ ba gian, từ hồ bán nguyệt đến khu vườn tháp, vườn tượng Phật… Dạo quanh một vòng chùa, ta như lạc vào chốn thiền định tĩnh lặng và an bình, nơi nghệ thuật điêu khắc đá phô bày sự tài hoa, bay bổng.

Rồng đá uốn lượm mềm mại trên tường bao ngôi Đình Đá

Có thể kể tới Đình Đá - nơi thờ tự Thánh Nguyễn Minh Không gồm 5 gian với tất cả các phụ kiện (cột chống, xà đùi, cái bẩy, tảng) đều bằng thứ đá xanh đặc sản Ninh Bình, vốn có độ mềm dẻo cần thiết giúp dễ dàng chế tác những hoa văn và họa tiết cầu kỳ. Tám cột tròn tạc từ đá xanh nguyên khối với chiều cao hơn 4 mét chạm nổi hình rồng uốn lượn trong mây, cá chép vượt vũ môn đặc biệt sống động. Rồi vườn Phật với rất nhiều pho tượng, tạo hình bay bổng, biểu cảm sinh động. Rồi hồ bán nguyệt với cây cầu đá thanh thoát, đôi rồng đá mềm mại ôm ấp bờ tường bao. Rồi ngôi chùa Hạ ba gian, tay phải có ngai đá, đồ thờ như đài - mâm tơ - bát hương cũng đều bằng đá. Và vòm hang với tượng Phật Bà Quan âm cùng A Di Đà nặng cả tấn tạo tác từ nguyên khối đá xanh chạm khắc vô cùng tinh xảo.

Ngôi chùa - động có diện tích khoảng 1ha, phần lớn tựa lưng vào địa hình núi non hùng vĩ, xanh mướt phía sau. Mỗi công trình kiến trúc bên trong đều in đậm nét kiến trúc độc đáo, hòa quyện vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên và là nơi phô diễn đôi bàn tay tài khéo của những nghệ nhân điêu khắc đá Ninh Bình.

Nghệ thuật điêu khắc đá tinh xảo tạo nên vẻ đẹp cho Khu vườn tháp

Cây sáo đá khổng lồ

Sử sách trong vùng còn lưu lại, vào năm 1739, một tiều phu lên núi đốn củi đã tình cờ phát hiện ra hang động tuyệt đẹp, với những nhũ đá có hình hài gợi liên tưởng tới những pho tượng Phật này. Một năm sau đó, dân cư trong vùng mở đường lên núi, lập ngôi chùa thờ Phật trong lòng hang với tên chữ ban đầu là “Nham Sơn động Cổ Am tự”.

Rời những công trình kiến trúc phụ trợ kể trên, men theo sườn núi và vượt qua hơn 100 bậc đá, du khách sẽ bắt gặp cổng tam quan chùa nhỏ nhắn, khiêm nhường nằm ngay lối vào cửa động. Từ ban thờ Phật ở hang Ngoài, sau khi thỏa sức chiêm bái những chuông - khánh - văn bia - giếng ngọc với hoa văn cổ kính cùng những bức tượng Hộ Pháp - Phật Bà Quan âm - A Di Đà tuyệt đẹp được tạo tác tinh xảo, du khách sẽ bước vào hành trình khám phá “Nam thiên đệ tam động” - với hai phần thông nhau mang tên hang Tối và hang Sáng. Lang thang theo những lối đi ngoằn ngoèo, lên xuống đầy bất ngờ, trầm trồ choáng ngợp trước những kỳ quan thiên tạo là trải nghiệm đặc biệt thú vị, với mỗi khách hành hương.

Muôn hình vạn trạng nhũ đá lấp lánh chắp thêm đôi cánh cho trí tưởng tượng bay xa.

Vòm hang Tối mát lạnh với rất nhiều thạch nhũ có độ cao cả chục mét, đổ xuống nền hang như những chiếc cột chống trời. Chỗ lô xô như ngàn lớp sóng, nơi vân nhũ đá chồng lớp như ngàn đám mây ngũ sắc đang trôi. Trên vách hang, bia ký còn lưu lại những áng thơ của các bậc tiền nhân, nhờ cảnh sắc đẹp mà nảy sinh thi hứng như Vô đề của Lê Quý Đôn, Danh sơn đề bạt của Bùi Văn Quế hay bài ký Núi Địch Lộng của Phạm Văn Nghị…

Muôn hình vạn trạng nhũ đá lấp lánh dưới ánh sáng yếu ớt chắp thêm đôi cánh cho trí tưởng tượng bay xa. Nhìn thạch nhũ mà liên tưởng đến vô vàn hình ảnh, từ voi uống nước chum - hùm uống nước vại đến khỉ cõng con - bà lão bán thuốc, từ cây tiền - cây thóc đến cây bạc - cây vàng - bầu sữa mẹ… Cõi điệp trùng của đá khiến mỗi bức vách, mỗi trần động được đôi bàn tay biến ảo của tự nhiên tạo tác tinh xảo, đẹp tới không ngờ.

Hang Sáng tiếp nối, với cả cổng lên trời lẫn lối xuống âm phủ nằm đối diện nhau. Thiên đường mở ra chào đón với ánh sáng ngập tràn. Cõi địa ngục dậm dọa người yếu bóng vía bằng những thạch nhũ mang dáng hình thuồng luồng, ba ba hay tòa lâu đài của Diêm Vương… Có lẽ bên cạnh thành tố canxi carbonat, trong dòng nước ngầm chảy tí tách bao đời từ trần hang còn pha tạp nhiều nguyên tố kim loại nên phần đa nhũ đá đều lấp lánh bảy sắc cầu vồng, lại thay đổi liên tục sắc màu theo ánh sáng mặt trời rất đẹp.

Do vị trí lửng lơ trên sườn núi, phần cửa hang thắt lại ở khoảng lộ thiên, các hang lại thông nhau nên khi có luồng gió thổi mạnh, suối âm thanh tạo nên bổng trầm, khoan thai như tiếng sáo. Đó là còn chưa kể tới những lanh lảnh tiếng chuông, bập bùng tiếng trống, trầm bổng tiếng đàn khi du khách thử dùng viên đá nhỏ gõ vào những khối thạch cầm. Đó cũng chính là lý do khiến hang động kỳ ảo này có tên Địch Lộng (chiết tự Hán Nôm từ chữ “lộng” là thổi, tấu và chữ “địch” là ống sáo ngắn - một nhạc khí thời xa xưa).

Cảnh chùa rất thanh tịnh nên rất thích hợp với những khách thập phương muốn được đắm mình trong một không gian thiền tịnh an lành.

Điểm đến hấp dẫn trong tương lai

Ở cuối hành trình khám phá hang Sáng, cửa hậu mở ra rực rỡ ánh nắng, với không gian thoáng đãng giúp du khách có thể phóng tầm mắt thưởng lãm cả một vùng sơn thủy hữu tình, non xanh nước biếc đầy thơ mộng trải dài dưới chân núi. Ông Trương Đình Văn (xã Liên Sơn, Gia Viễn) còn cung cấp cho người viết một thông tin rất thú vị. Không chỉ là một thắng cảnh được công nhận “Di tích cấp quốc gia” từ năm 1990, không dừng lại ở một công trình tín ngưỡng đẹp bậc nhất tại địa phương, Địch Lộng còn là một di tích lịch sử - cách mạng quan trọng. Đây từng là nơi lưu giữ quân khí, là xưởng sản xuất vũ khí của Bộ Quốc phòng và là vọng gác tiền tiêu cũng như điểm đóng quân của bộ đội trong những tháng năm kháng chiến trường kỳ gian khổ.

Nằm trong tốp ba hang động đẹp nhất trời Nam nhưng Địch Lộng hiện vẫn chưa được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Cảnh chùa rất thanh tịnh, người thắp hương lễ bái chỉ lác đác nên rất thích hợp với những khách thập phương không thích ồn ào, náo nhiệt và muốn được đắm mình nhất tâm niệm Phật trong một không gian thiền tịnh an lành.

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn chia sẻ, trong tương lai, huyện dự kiến sẽ kết nối những điểm đến gắn với vị Quốc sư triều Lý lừng danh trong lịch sử như ngôi đền cổ thờ Thánh Nguyễn (Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia thuộc làng Điềm), xã Gia Sinh (vùng đất thiêng của các cây dược liệu, nơi năm xưa Thiền sư, Danh y Nguyễn Minh Không đã tìm ra bài thuốc chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông) và ngôi Đình Đá trong khuôn viên chùa Địch Lộng kể trên, để tạo nên một sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử độc đáo, mang đậm bản sắc riêng có của mảnh đất cố đô Hoa Lư xưa.

Mặt tiền của quần thể động - chùa Địch Lộng.

Nếu ý tưởng “theo dấu chân Thánh Nguyễn” được hiện thực hóa, Địch Lộng chắc chắn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất, trở thành thỏi nam châm tỏa ra lực hút khó cưỡng du khách về với Gia Viễn, Ninh Bình. Và sẽ xứng tầm với danh xưng “Nam thiên đệ tam động” từng sở hữu suốt mấy thế kỷ qua. Mong thế và cũng hy vọng thế!