Anh thấy hai gameshow “Rap Việt” và “King of Rap” hiện đang cùng lên sóng truyền hình giờ vàng đã miêu tả đúng đời sống của của rap Việt đương đại hay chưa?
Tôi nghĩ nó giúp rất nhiều cho đời sống đấy. Vì anh em đã gây dựng, sinh hoạt cộng đồng từ 15 năm nay nhưng chưa có sân chơi nào quy mô chuyên nghiệp và kích phát được nhiều sự sáng tạo của giới rapper đến thế. Đây là cơ hội hiếm có để rap Việt đi lên, xây dựng cho mình một nền móng, một cộng đồng vững chắc hơn. Nhờ hai cuộc thi, các bạn ấy cũng sẽ có thêm định hướng cụ thể cho nghề nghiệp. Sẽ tiếp tục cuộc chơi đam mê giống như bao năm nay hay sẽ suy nghĩ nghiêm túc hơn để trở thành một nghệ sĩ rap chuyên nghiệp.
Nhưng rap Việt vẫn còn một đời sống ngầm với những sản phẩm khác, những tên tuổi khác?
Đúng, nó là các mảng khác nhau thôi. Chúng ta đều hiểu phong tục tập quán, văn hóa Việt rất khác biệt nên không thể nào tiếp nhận nguyên xi một biểu tượng văn hóa nước ngoài. Nhưng đấy lại là cách cộng đồng này đã chọn từ mấy năm trước, họ sao chép nguyên xi những thứ từng xem, từng nghe dẫn tới việc dân mình thấy phản cảm, từ đó đánh giá sai lệch về rap, về hiphop. Đó là hậu quả tất yếu của việc du nhập không có chọn lọc và cũng chưa biết chắt lọc tinh túy của bản sắc văn hóa đất nước mình để đưa vào môn nghệ thuật mới mẻ này.
Đến khi lên truyền hình, rap lại bị hạn chế thêm một bước nữa. Nhưng sự hạn chế ấy mang ý nghĩa tích cực, vì sẽ buộc các nghệ sĩ phải Việt hóa nghệ thuật này nhiều hơn. Chính từ đó, nhiều bạn bắt đầu đi tìm những nét đặc trưng của đất nước mình, để đưa vào và giúp phần rap của mình nổi bật lên. Đấy là cái mà các bạn nên nghiên cứu, kiểu “cái khó ló cái khôn”! Nó sẽ giúp các rapper Việt Nam hiểu hơn về bản sắc, hiểu hơn về văn hóa Việt. Từ đấy, loại hình biểu diễn du nhập từ nước ngoài sẽ mang phong cách Việt nhiều hơn, để ta có thể tự hào gọi nó là rap Việt thay vì rap lai căng, rap không rõ bản chất như thời kỳ đầu.
Trên thế giới, phần lớn các rapper khi đã nổi tiếng và có sự nghiệp vững chắc đều quay sang chọn con đường nâng đỡ những nghệ sĩ mới. Họ lập các hãng đĩa, công ty quản lý để giúp cho những người trẻ tham gia vào thị trường để có thể chủ động kiếm tiền bằng nghề chứ không còn phụ thuộc vào một bên thứ ba nữa. Đó là cách mà Jay Z, Dr. Dre, Lil Wayne... đang làm.
Truyền hình đang tận dụng rap như một món ăn mới để thu hút khán giả. Nhưng liệu thị trường có tải nổi một lượng rapper đông đảo sẽ ra lò từ hai chương trình này?
Đấy là điều tôi cũng băn khoăn. Chương trình này sẽ kéo dài được bao nhiêu mùa. Các nhà đầu tư có nhìn nhận đây là một loại hình nghệ thuật hấp dẫn hay chỉ chạy theo yếu tố thương mại nhất thời mang tính thời thượng?
Một điều khiến tôi lo nữa là cái nền của cộng đồng. Sang năm liệu còn bao nhiêu rapper chất lượng khi cả hai chương trình trong mùa đầu này đã khai thác hết sạch cả giám khảo lẫn thí sinh? Thế hệ tiếp theo còn được trau dồi và tạo điều kiện nữa không, hay sau khoảng hai ba mùa, mọi thứ lại quay về vạch xuất phát?
Từng là một rapper, anh thấy nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề, nếu chỉ theo đuổi rap?
Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện tại thì có thể được chứ cách đây mấy năm thì khó lắm. Vì thời điểm đấy rapper còn chưa lên được truyền hình, chưa có điều kiện phô diễn cho người ta thấy được cái hay trong sản phẩm sáng tạo của mình. Những chương trình ca nhạc mang lại nguồn sống cho nghệ sĩ cũng chú trọng pop nhiều hơn, khán giả ít quan tâm tới rap, hip-hop hay R&B. Còn nếu mọi việc vẫn tiếp tục theo đà phát triển tích cực như hiện nay, vài năm nữa có khi lại tổ chức lễ trao giải riêng cho các hạng mục kể trên không chừng.
Thứ hai, nó phụ thuộc vào thị trường có đánh giá cái này là xu hướng, là thứ giới trẻ quan tâm hay không. Gần đây các rapper cũng được mời đi diễn nhiều hơn nhưng vẫn chỉ chiếm số lượng rất ít trong cộng đồng nghệ sĩ đông đảo đang hoạt động.
Thành công bằng rap khó khăn hơn vì nó không dễ nghe như pop. Các nghệ sĩ phải mất nhiều thời gian hơn để chinh phục thị trường cũng như nhà sản xuất nhưng vẫn phải cố gắng hết sức, bởi theo tôi, giờ đang là thời điểm vàng.
Nhiều tia hy vọng đã mở ra cho cộng đồng rapper, vì tất cả những người bắt đầu cuộc chơi này chục năm về trước thì nay đều đang giữ vị trí rất ổn định. Rapper Đen Vâu đã làm được show riêng, dù chỉ mang tính chất quảng cáo cho nhãn hàng. Rapper Việt chưa thể tự tổ chức show, đi tour vì cũng phải chờ sự phát triển chung của cả thị trường. Khi nào rapper nào cũng có thể làm show như Hà Anh Tuấn thì rap Việt mới mang dáng dấp của thị trường âm nhạc chuyên nghiệp.
Sự phát triển của rap hẳn cũng có liên quan đến những biến chuyển tích cực của xã hội: cởi mở hơn, dũng cảm đối mặt thách thức hơn?
Chính xác, vì rap có cách kể chuyện tương đối khác. Bài hát có giai điệu thì thông điệp đưa vào phải cô đọng, phải dùng phép ẩn dụ, không được trực diện và cần sự tưởng tượng nhiều hơn. Rap cho phép mình nhìn thẳng và mổ xẻ, đề cập tới nhiều khía cạnh của một vấn đề. Cũng là một cách để những tư tưởng, thông điệp được truyền tải phong phú hơn. Đó là chưa kể là cùng về một vấn đề, góc nhìn cùng cách kể của mỗi rapper một khác nên dễ tạo sự phong phú, đa sắc màu hấp dẫn.
Các rapper thường khiến người ta nhớ về thời thi sĩ tự trình diễn tác phẩm, khi chưa có công nghệ in ấn và xuất bản?
Tôi cũng nghĩ thế và các rapper cũng nên có tư tưởng như thế. Họ chính là nhà thơ, nếu chịu khó nghiên cứu thêm về thơ ca, niêm luật, cách họ chơi vần gieo chữ trong rap sẽ còn hay hơn. Bây giờ nhiều bạn đã làm việc ấy rồi, như dựa vào thơ của các tác giả xưa phổ thành rap. Đợt tôi thi The Remix với Big Daddy và Justa Tee, trong bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Big Daddy có phổ rap phần thơ của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ đã có sẵn những thông điệp từ ngữ được tác giả trau chuốt, mình chỉ việc thêm flow (dòng nhịp điệu) trên một nền beat (tiết tấu) là đủ hay rồi.
Tôi cũng đã manh nha nhiều ý tưởng, chỉ chưa có thời gian triển khai. Thí dụ khai thác thơ của thi hào Nguyễn Du, lấy thêm ý, gieo thêm vần, đưa thêm nhạc vào để kể Truyện Kiều chẳng hạn.
Tầm mức phát triển của rap Việt so với các nước trong khu vực hiện ra sao, thưa anh?
Về phong trào cộng đồng thì mình thua Thái-lan, Singapore và cả Philippines. Còn về chuyên môn thì chưa chắc, đừng đùa với Việt Nam (cười). Chẳng qua về truyền thông, chúng ta vẫn đang “một mình một cõi”, chưa có sự liên kết quốc tế nên bè bạn không biết tới nhiều. Nhưng mấy năm gần đây có Đạt Maniac và Suboi cũng được biết tới nhiều hơn khi xuất hiện trong các chương trình của MTV. Thị trường nhạc Việt đang lên và cũng có tầm ảnh hưởng nhất định với khu vực. Nếu các rapper Việt muốn kết nối, giao lưu thì phải có tư duy tích cực, phải làm việc chuyên nghiệp hơn, phải tìm công ty và nhà phát hành đưa nhạc của mình lên nhiều nền tảng hơn, thay vì chỉ dừng lại ở một đơn vị độc quyền. Đấy là những thành phần cơ bản làm nên một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp, cũng là khâu chúng ta còn thiếu sót chứ về chuyên môn, tôi nghĩ chúng ta không thua kém. Dăm năm trở lại đây, thị trường nhạc Việt đã thay đổi rất nhiều. Với tốc độ như thế này, tôi tin chúng ta sẽ sớm ổn định và chuyên nghiệp.
Liệu rapper Việt có phải đọc rap bằng tiếng Anh để đẩy nhanh tốc độ phủ sóng ra ngoài biên giới?
Hiện có nhiều bạn chọn đưa tiếng Anh vào ở mức độ nào đấy để giúp cho bản nhạc được phổ cập hơn, nhưng cũng nên tiết chế, tính toán thời điểm làm sao cho đắt. Cơ bản mình phải rap được tiếng Việt cho hay đã.
Tôi xem MV mới của Binz thì thấy cũng nhiều nghệ sĩ da mầu bên Mỹ quay video hưởng ứng và bày tỏ những ấn tượng hết sức tích cực với flow cũng như một số đoạn rap tiếng Anh. Họ bảo nghe rất Mỹ, rất thú vị. Điều đó cho thấy, rap Việt hoàn toàn có thể phổ cập ở nước ngoài, chỉ là mình đã nghiên cứu tính toán ra được công thức chuẩn xác (âm nhạc đủ độc và lạ theo phong cách Việt đồng thời đủ bắt tai theo tiêu chuẩn của thế giới) hay chưa. Tôi nghĩ Binz hay Hoàng Touliver hiện cũng đã tiệm cận được kha khá rồi đấy.
Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ Hà Lê!