Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những giải đấu cờ vua theo hình thức trực tuyến được tổ chức thường xuyên hơn. Với một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh có kết nối internet là các kỳ thủ trên thế giới có thể so tài cùng nhau. Thí dụ như World Cup cờ nhanh trẻ thế giới 2021 được tổ chức online vào tháng 8, cờ vua trẻ Việt Nam có 4 kỳ thủ vào đến bán kết, đoạt 1 HCV thuộc về Nguyễn Hồng Nhung (U16 nữ), 1 HCB của Bùi Thị Thanh Vân (U16 nữ) và Đầu Khương Duy giành được HCĐ (U10 nam).
Sau thành tích ấn tượng trên, các kỳ thủ trẻ Việt Nam tiếp tục gây tiếng vang lớn tại giải Vô địch cờ vua trẻ Đông Á online 2021 diễn ra đầu tháng 10, khi kết thúc giải đấu với 14 HCV, 10 HCB, 5 HCĐ, đứng vị trí thứ nhất. Các kỳ thủ nữ với những cái tên Nguyễn Linh Đan, Thái Ngọc Tường Minh, Nguyễn Bình Vy, Nguyễn Lê Cẩm Hiền, Võ Mai Phương... đã gần như “thống trị” với những chiến thắng tuyệt đối, giành cả HCV cá nhân lẫn đồng đội ở bốn nhóm tuổi U8, U12, U14, U16 trong khi đoạt luôn ngôi nhất đồng đội nữ lứa tuổi U10 và ngôi á quân đồng đội nữ lứa tuổi U18. Các nam kỳ thủ cũng thi đấu rất tự tin với những gương mặt đã từng đạt thứ hạng cao ở khu vực và thế giới như Võ Phạm Thiên Phúc, Nguyễn Quốc Hy, Đặng Anh Minh, Hoàng Minh Hiếu, Đinh Nho Kiệt, Phạm Trần Gia Phúc...
Chưa hết, cờ vua trẻ Việt Nam lại tiếp tục chứng tỏ được thực lực của mình tại giải Cờ vua trẻ châu Á 2021 trực tuyến kết thúc ngày 31/10 vừa qua. Với 4 HCV và 1 HCB, Việt Nam xuất sắc xếp nhì toàn đoàn, sau chủ nhà Ấn Độ. Trong đó, ấn tượng nhất là tấm HCV của kỳ thủ nhí Trần Đức Duy (sinh năm 2013) ở lứa tuổi U8 nam. Tuy chưa có hệ số Elo, nhưng Đức Duy thắng 8/9 ván, đạt 8 điểm, đạt hiệu suất thi đấu tương đương kỳ thủ có elo 1.375 và bằng điểm với kỳ thủ Danis Kuandykuly (Kazakhstan), nhưng vô địch do hơn số ván thắng.
Rõ ràng, cờ vua Việt Nam đang ngày càng cho thấy sự tiến bộ với một thế hệ kỳ thủ trẻ đầy tiềm năng. Bên cạnh đó, phong trào cờ vua trẻ cũng đang rất phát triển, giải vô địch trẻ quốc gia nhiều năm liên tiếp có hơn 1.000 VĐV tham dự. Song, có một nghịch lý là mặc dù có xuất phát điểm tốt, nhiều kỳ thủ có thành tích tốt ở các giải trẻ quốc tế, nhưng lại ít tài năng trẻ lựa chọn con đường thi đấu đỉnh cao. Ấn Độ - “cái nôi của cờ vua thế giới” đã có Đại kiện tướng quốc tế thứ 61, còn Việt Nam mới chỉ có 12 người đạt được danh hiệu này. Tất nhiên ở Ấn Độ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Song, vì sao ở lứa tuổi nhỏ ta có thể cạnh tranh sòng phẳng, nhưng lớn lên thì các kỳ thủ của ta lại thua kém hơn?
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự đầu tư cho giáo dục cùng với truyền thống văn hóa chính là một phần nguyên nhân dẫn đến điều này. Hầu hết các bậc cha mẹ muốn con cái dành thời gian tập trung cho việc học văn hóa nhiều hơn. Hơn nữa, để trở thành một kỳ thủ cờ vua chuyên nghiệp đúng nghĩa đòi hỏi sự khổ luyện lâu dài, bền bỉ, phải có một tình yêu mãnh liệt thì mới thành công. Đa số các tài năng trẻ hiện nay đều không được định hướng phát triển từ sớm, không được tài trợ, đầu tư thi đấu cọ xát nhiều để tích lũy kinh nghiệm và hệ số Elo quốc tế.
Đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Ngọc Trường Sơn cho biết, các kỳ thủ Việt Nam hầu hết dựa vào năng khiếu, trong khi VĐV nước ngoài được đào tạo bài bản. “Năng khiếu chỉ là một phần, bởi về lâu dài các kỳ thủ Việt Nam rất dễ bị tụt lại phía sau, do thiếu điều kiện thi đấu quốc tế”, anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, cờ vua Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức khó khăn về kinh phí đầu tư để phát triển tài năng, mở rộng và tăng sức hấp dẫn hay tạo điều kiện cho các tài năng có cơ hội cọ xát quốc tế hơn. Cần phải có một môi trường cờ tích cực hơn, cần thêm nhiều sự tham gia của các đối tác tài trợ, qua đó mới có thể từng bước giải quyết được bất cập giữa tiềm năng và phát huy tiềm năng của cờ vua Việt Nam trong tương lai.