Tiếng ồn ở ngõ nhỏ và phố lớn Hà Nội
Khi viết về ô nhiễm tiếng ồn ở Hà Nội, tôi gần như không phải đi thực tế, bởi hơn chục năm nay, tôi đã phải chịu đựng những mớ âm thanh quá cỡ khắp mọi nơi, lúc ở nhà, lúc đi làm, thậm chí cả trong giấc mơ. Có vẻ như cường độ âm thanh phố thị ngày càng tăng dần, trong khi sức chịu đựng đã tới giới hạn. Ngồi ở ngõ 102 phố Ngụy Như Kon Tum, gần ngã ba cắt đường Nguyễn Tuân - quận Thanh Xuân - Hà Nội, đủ thứ tiếng ồn đập vào tai.
9 giờ sáng, tiếng ồn còi và động cơ của đủ loại phương tiện giao thông từ các con đường bao quanh cứ sôi réo. Đường Lê Văn Lương, đường Lê Văn Thiêm, đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Huy Tưởng, đường Nguyễn Tuân - tất cả âm thanh như vón cục lại thành những tảng tiếng ồn nặng trịch, cứ thế nện thẳng vào tai người. Những tảng tiếng ồn đó đâm xuyên qua tường, qua cửa, qua cả những lớp kính cách âm ngoại nhập, xộc tới, không cách gì chống đỡ. Lúc đó, chỉ còn hy vọng thời gian trôi nhanh về khuya, sự yên tĩnh sẽ trở lại. Nhưng khi đêm đã về khuya, sự yên tĩnh vẫn đi vắng. Thậm chí, đêm khuya chỉ làm nền cho những tiếng ồn càng thêm nổi bật. 0 giờ. Tôi vẫn nghe rõ tiếng ồn từ đường vành đai 3 trên cao đường Khuất Duy Tiến. Đó là tiếng còi hơi chát chúa, tiếng động cơ khô khốc, tiếng của xe container, xe tải lăn bánh. Tất cả những âm thanh hỗn độn xuyên cả đêm sang ngày, không bao giờ ngừng nghỉ, vì con đường vành đai trên cao đó được thiết kế để các loại xe hàng nặng chở hàng liên tỉnh đi xuyên qua thành phố. Gần ngõ 102 phố Ngụy Như Kon Tum hơn, tiếng ồn của dự án chung cư DLC ngay ngã ba đường Nguyễn Tuân giao cắt Ngụy Như Kon Tum vang lên chát chúa. Tiếng búa máy dồn dập, tiếng sắt thép va vào nhau, tiếng máy đổ bê-tông. Gần đó, dự án chung cư của một tập đoàn lớn trên đường Lê Văn Lương cũng dội lại mớ âm thanh như thế. Tiếng của những quán karaoke từ đường Nguyễn Tuân dù được cách âm vẫn vọng vào ngõ sâu. Trong mớ âm thanh hỗn tạp ấy thì tiếng rao của những người bán hàng rong cũng phải to hơn để người mua có thể nghe thấy. Những tiếng rao đêm thời nay không còn như trong văn của Thạch Lam, Vũ Bằng mà được ghi âm lại để bật qua loa. "Ai bánh mì? Ai bánh giò, bánh khúc đây" - tiếng rao qua loa rất to, lặp đi lặp lại, trên tầng cao của chung cư cũng nghe thấy. "Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya...", lời hát của nhạc sĩ Phú Quang về Hà Nội có vẻ như đã trở nên lỗi thời. Đêm Hà Nội giờ đây đã trở nên ồn ào.
Ông Đỗ Văn Trường, 80 tuổi - nhà trong ngõ 102 - chia sẻ: "Tôi sống ở con ngõ này 40 năm rồi. Ngày xưa yên tĩnh lắm, ngày cũng như đêm, vắng lặng, nhưng bây giờ thì đêm cũng như ngày đều ồn không chịu nổi. Nhà tôi lắp hai lớp cửa kính, tôi thì lãng tai mà vẫn nghe rõ mồn một, rất ảnh hưởng sức khỏe".
Đó chỉ là những âm thanh ở ngõ nhỏ, phố nhỏ, còn ở những con phố lớn Hà Nội thì thế nào?
Mượn được một máy đo độ ồn chuyên dụng cầm tay, tôi với một người bạn lên đường trải nghiệm về độ ồn trên đường phố Hà Nội. 14 giờ chiều trên đường Nguyễn Trãi, tiếng còi của đủ các loại phương tiện giao thông kêu inh ỏi. Thiết bị của chúng tôi đo được độ ồn trên 80 đề-xi-ben (dB) - tương đương âm thanh của một tàu hỏa chạy bằng dầu diezen. Đối với người trưởng thành nếu phải tiếp xúc tiếng ồn hơn 64 dB sẽ có nguy cơ tăng huyết áp gần 90% so với bình thường. Nếu độ ồn hơn 70 dB sẽ làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Nhưng ở Hà Nội, những nơi báo động đỏ về tiếng ồn rất nhiều. Chúng tôi qua hầm cầu vượt Nguyễn Trãi xuyên qua đường Khuất Duy Tiến. Vừa vào, ầm ầm một mớ âm thanh hỗn độn lập tức chọc thẳng vào tai, nghe như đàn ong khổng lồ đang bay qua đầu. Cường độ âm thanh đo được là 100 dB. Đi chậm hơn trong hầm, tôi có cảm giác bị choáng, không còn nghe được tiếng người. Cường độ âm thanh đo được lên tới 115 dB - tương đương tiếng máy bay phản lực lúc cất cánh.
Hà Nội nổi tiếng về những con phố có cá tính riêng như Hàng Lược chợ hoa, Hàng Đào lụa tơ, nhưng giờ chắc phải thêm những "bản sắc" về tiếng ồn. Chẳng hạn như phố Đê La Thành có "đặc sản" của tiếng hàn xì. Phố này chuyên sản xuất các mặt hàng về sắt thép, âm thanh hàn xì lên tới 100 dB, nếu nghe lâu rất nguy hại cho tai. Phố Lê Duẩn "đặc sản" tiếng còi tàu và tiếng tàu chạy đêm ngày trên đường ray. Nhà mặt đường tàu đành phải quen với thứ âm thanh ào đến ào đi như trận cuồng phong này. Phố Tạ Hiện - khi chưa có dịch Covid-19 thì lúc nào cũng "ngồn ngộn" tiếng người, tiếng dô hò chúc tụng thâu đêm.
Kết quả nghiên cứu và phân tích của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường phố và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy tiếng ồn trung bình vào ban ngày vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA, vào ban đêm vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA.
30 tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh tiếng ồn vượt mức cho phép
So với Hà Nội, mức độ ô nhiễm tiếng ồn ở TP Hồ Chí Minh còn nghiêm trọng hơn. TS Nguyễn Đình Tuấn - Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã tiến hành đo tiếng ồn tại 150 điểm quan trắc đặt tại 30 tuyến đường của TP Hồ Chí Minh và đưa ra kết luận: "Tiếng ồn ở mọi nơi mọi lúc ở đây "đều vượt mức cho phép".
Theo đó, ở tuyến đường đông xe có hầu hết số lần đo vượt tiêu chuẩn ở mức cao; còn những tuyến đường khác cũng không có kết quả khả quan hơn. Đáng báo động nhất là ngay cả đêm khuya, từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng, mức độ ồn đo được vẫn quá giới hạn gấp nhiều lần.
Tất cả các lần đo ở sáu trạm quan trắc gồm: ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, vòng xoay Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, vòng xoay Phú Lâm và ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh nhiều lần đạt tới 85 dB, vượt xa ngưỡng tiếng ồn cao nhất cho phép là 75dB.
Đáng báo động, mức độ tiếng ồn ở TP Hồ Chí Minh đang gia tăng chóng mặt. Theo TS Nguyễn Đình Tuấn, trong ba nguồn gây tiếng ồn chính: hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng dịch vụ thì nguyên nhân gia tăng mức độ ồn phần lớn đều do giao thông gây ra. Trong mấy năm gần, mỗi năm thành phố này tăng 10% xe hơi cá nhân và dự báo nhu cầu sử dụng xe hơi sẽ còn tăng cao hơn nữa, tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng là điều khó tránh khỏi, ô nhiễm tiếng ồn sẽ còn tăng khủng khiếp hơn.
Bên cạnh đó, tiếng ồn do karaoke, loa kéo và loa công suất lớn từ những trung tâm thương mại, siêu thị đua nhau mở hết cỡ làm cho mức độ ô nhiễm âm thanh gần như vượt quá sức chịu đựng của người dân. Ở nhiều khu dân cư vào dịp lễ, Tết, hay giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19 hoặc bất kể thời điểm nào các dàn karaoke phát ra đủ thứ âm thanh từ nhạc vàng, nhạc trẻ đến xẩm... Nhiều hàng xóm khốn khổ với chiếc loa kẹo kéo phát ra đủ loại bài hát từ "Vùng lá me bay" đến "Đắp mộ cuộc tình"...
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại cuộc gặp gỡ chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2021: "Tôi nhận được nhiều tin nhắn về "hung thần" karaoke lúc 10 giờ đêm. Người dân đi làm cả ngày, tối đến lại bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở, ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này; phải thấy đây là vấn nạn nhức nhối, chứ không phải chuyện bình thường".
Trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của cơ chế thị trường, các siêu thị trung tâm thương mại đua nhau giới thiệu sản phẩm từ loa công suất lớn để ngay mặt đường. "Con gà tức nhau tiếng gáy", không loa nào chịu nhường loa nào, tất cả mở hết cỡ, tạo nên những mớ âm thanh điếc tai nhức óc hành hạ người dân khắp mọi nơi.
Anh Nguyễn Hữu Khánh ở chung cư Độc lập A, quận Tân Phú tâm sự: "Cụ Nguyễn Bình Khiêm có câu: "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao". Nhưng giờ muốn "dại" cũng khó, tìm nơi vắng vẻ yên tĩnh ở Sài Gòn lúc này cực kỳ khó, toàn chốn lao xao ồn ào, không chịu thấu".
Ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí đã trở thành những kẻ sát nhân giấu mặt gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Theo PGS, TS Nguyễn Duy Bảo, nguyên Viện trưởng Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), ô nhiễm tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe tâm lý, gây căng thẳng và mệt mỏi kéo dài, làm rối loạn giấc ngủ, gây ra hiện tượng nhức đầu, khó ngủ, không tập trung, phân tán, ảnh hưởng trực tiếp tới cơ quan tim mạch, cơ quan thần kinh. Tệ hơn, nó có thể làm giảm thính lực và gây huyết áp cao, từ đó dẫn đến các bệnh về tim mạch. Mỗi năm, tiếng ồn kéo dài gây ra khoảng 12 nghìn ca tử vong sớm tại các nước châu Âu.
Chưa có thống kê chính thức nào về vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn gây ra bao nhiêu ca tử vong hằng năm ở Việt Nam, nhưng những vụ án mạng liên quan đến tiếng ồn đã xảy ra ngày càng nhiều. Ô nhiễm tiếng ồn nguy hiểm như vậy, nhưng tại sao vẫn khó xử lý và chưa thể đẩy lùi?