Những sắc màu tương phản

|

Tranh, bìa "lấy ngắn nuôi dài"

Tôi quen Trần Thắng qua mấy người bạn viết. Rồi gặp nhau qua vài cuộc liu riu. Rồi cứ thế dan díu hai đồng niên cùng thuận tay trái và đồng cảm vài thứ "amateur" khác. Các cuộc hẹn hầu hết Thắng đến sớm, xách theo một chai ngon, nếu muộn thì luôn báo trước, rành mạch, chu đáo, hào sảng và... cả nể như sợ làm mất lòng mọi người.

Sau này khi biết Thắng chuyên thiết kế, minh họa sách báo, tạp chí... mới thấy sự nghiêm cẩn đó thật cần cho công việc và tạo được uy tín với khách hàng. Trong những cuộc tao ngộ, Thắng thường ít nói về mình, không biểu đạt qua cái cách dân mạng vẫn gọi là "chém gió", có nói thì thường đưa ra một vài thông tin đáng tin cậy và ít bình phẩm sâu. Việc còn lại là nghe và nâng ly tự giác uống, mắt nheo nheo sau cặp kính cận, bộ râu dài bạc già hơn tuổi. Nhìn qua hơi rờn rợn khó đoán chất. Chỉ biết thông tin duy nhất: Vẽ bìa, tranh, minh họa báo và còn làm thơ, còn lại mọi chuyện, Thắng kín bưng.

Thắng tối giản, quần áo trang phục không điệu đà như một số họa sĩ nổi danh. Thắng mộc như một ông giáo làng với con xe cũ tải chở một khối suy tư. Ngồi nghía trộm Thắng uống rượu, cảm giác như lúc nào Thắng cũng đang nghĩ một việc gì đó. Những lúc đó Thắng gần như trôi ngoài câu chuyện chỉ đến khi mọi người nâng ly, Thắng mới giật mình "quay lại".

Khác với vẻ bề ngoài giản dị, tranh của Thắng lại tỉ mỉ đến từng ý tứ, hình khối, mầu sắc. Đặc biệt là mầu, Thắng ưa mầu nóng và vẽ phải thật dầy với những lớp chồng vào nhau, đan vào nhau, chảy vào nhau, xô vào nhau. Thắng tự hào về kỹ thuật của mình khi được đào tạo đồ họa chuyên nghiệp tại trường "Đê La Thành". Hồi cấp 3 ở quê, Thắng đã sớm bộc lộ là cậu học trò vẽ đồ họa giỏi. Tranh Thắng là sự tổng hòa giữa hội họa và đồ họa nên nó vừa có sự chặt chẽ, tính toán lại có cả những đường bút, vệt bay tung tẩy. Gần đây ngoài những giờ tập trung vẽ "thuê" để đổi lấy tiền mua mầu, bút, khung và... rượu mời bè bạn, Thắng lao vào chủ đề "Vũ trụ" với vệt tranh cắt nghĩa sự chuyển động bí ẩn của vũ trụ, thiên hà xen lẫn những câu chuyện nhân sinh, cội rễ loài người với những sắc màu lạ, sâu và thăm thẳm lớp nghĩ.

Thắng làm bìa sách, minh họa, thiết kế maket, măng-sét báo, tạp chí. Bìa Thắng "thầu" đủ các loại từ tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn trong và ngoài nước... Thắng còn vẽ bìa cho những bộ sách lớn như Bộ 15 cuốn "Lịch sử Việt Nam" với gần 10 nghìn trang hay Bộ 20 cuốn "Chiến dịch Điện Biên Phủ"... Không nhớ hết được số lượng, nhiều lúc lang thang nhà người này người khác, lượn ngó tủ sách, Thắng thốt đủ nghe: "Hóa ra cuốn này tôi làm". Không phải Thắng quên vì thiếu trách nhiệm với bìa, Thắng "quên" để làm cái mới hơn. Nhiều bậc văn tài có tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Đào Trọng Khánh, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Phấn... đều "qua tay" Thắng nâng niu bìa, từng trang viết, chăm lo "xiêm áo" đùm bọc những con chữ.

Vẽ bìa, Thắng rất công phu vẽ phác thảo như một bức tranh lớn hoặc sử dụng một bức tranh đã vẽ để mượn ý cho bìa. Có những bìa ưng ý vẽ cho những người anh, người bạn, Thắng sau đó dựng thành tranh lớn dùng tặng hôm ra mắt sách với cách hành xử lịch thiệp. Người viết đôi dòng này cũng được nhận "tài sản" như thế từ mối thâm tình ấy. Thắng hỏi khi nào làm lễ ra mắt sách để mang tặng nhưng chợt nghĩ, sách in ra coi như đã được "quẳng" vào đời, kệ nó sống ra sao thì sống, khỏi bày vẽ tán dương, vỗ tay ồn ã... Thắng hiểu ý, một chiều chạng vạng khi công sở thưa vắng dần, khệ nệ bê tới bức tranh to như ô cửa sổ... mà trước đó ít phút khiêm tốn ký tặng chữ ký con con vào góc tranh. Có những món quà, người ta không được phép "cân đo kiểm đếm", bởi nó chứa đựng hơn thế những mối đồng cảm. Cả người tặng và người nhận đều đã qua cái tuổi dễ chạy theo những hào nhoáng, nên ở đó chỉ duy nhất tồn tại những sắc màu "tối giản" của tinh thần. Thắng chiều bạn, có ý định nào về bìa là Thắng miệt mài vẽ, thiết kế chẳng tính thiệt hơn. Niềm vui đọng lại trên những core chữ, những vệt mầu giàu ý tưởng. Không cần phải thống kê định lượng đã vẽ, thiết kế, minh họa bao nhiêu cuốn sách, tờ tạp chí, cái cần phải nhớ chính là sự định tính trách nhiệm với công việc. Tranh Thắng và bìa Thắng đã đang sống ở nhiều ngôi nhà trong những "câu chuyện" ấm tình như thế.

Thơ như một niềm tâm sự

Ngoài vẽ, thỉnh thoảng Thắng còn làm thơ. Thơ Thắng không điệu đà câu chữ, vần vè mà trọng ý, trọng nghĩ. Dưới những câu thơ là những lớp biểu cảm về nhân sinh, về quê hương, bản quán...

Dừng chân đâu cũng là nhà

Buông tay cũng cỏ trùm qua phận người

Muốn lại ngộ nghĩnh khóc cười

Lưng còng mẹ ấp biển trời đưa ru.

Thơ Thắng có một vị lạ, nói whisky thì không hẳn nhưng bảo "quốc lủi" cũng chưa đúng. Phong vị đó có sự pha trộn như những sắc màu tạo nên những nhịp riêng không chịu theo những khúc thức quen.

Heo may

Chân đất

Thôn nữ giấu hoa chanh trong ngực

Dụ trai làng thiêu thân

Tối trời rạng mặt

Trăng lưỡi liềm khía rượi lông măng

Ráng vàng ngửa ngang sông

Hút hơi ấm cuối ngày lấp loáng.

Hay:

Nằm vật trên đê ngút gió

Đất ấm xông từng thớ thịt

Ai gọi đó? Hay thì thầm của cỏ?

Ngủ đi... ngủ đi

Xanh biếc sẽ về

Lúc lời lẽ mô-đéc hiện đại, lúc thì dân gian như ca dao:

Nắng đồng quyện ấm gió sông

Lẩy cờ ngũ sắc ngủ đông cửa chùa

Triền đê tung hứng bụi mưa

Cải ngồng lại đến hẹn xưa thắp vàng

Thắng làm thơ lặng lẽ, ít đọc, ít in, chỉ hứng lên thì "Chat" với bạn bè như để tìm kiếm sự đồng cảm.

Giờ có lẽ Thắng nên tạm gác lại những gam màu trên toan, trên máy tính mà tập trung tung ra tập thơ mà bản thảo đã dầy lên cùng với những bức tranh, những trang bìa. Để Thơ như một nhịp chuyển hoặc có thể là một ga xép chờ cho một chuyến đi còn nhiều đắm đuối ở phía trước. Mong lắm, Trần Thắng, một họa sĩ có Thơ!