Văn chương phải quyến rũ người đọc

|

Thi Hoàng là một trong những nhà thơ đương đại tiêu biểu của Hải Phòng với những câu thơ “nằm lòng” nhiều thế hệ độc giả. Đặc sắc nhất là trường ca “Gọi nhau qua vách núi” mang lại cho ông những giải thưởng văn chương danh giá: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1996); là một trong cụm bốn tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (2007). Thi Hoàng được coi là nhà thơ có nhiều cách tân, đổi mới trong ngôn ngữ, cấu tứ và hình thức biểu đạt thi ca độc đáo. Ông quan niệm: “Văn chương nói chung và thơ nói riêng phải quyến rũ người đọc chứ không nên đuổi bắt độc giả...”.

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Vẫn còn nhiều độc giả thắc mắc vì sao ông lấy bút danh Thi Hoàng?

Nhà thơ Thi Hoàng (TH): Bố tôi họ Vũ, tên đầy đủ là Vũ Khiếu. Khi đi hoạt động cách mạng, ông lấy bí danh là Hoàng Quốc Bảo. Tên khai sinh của tôi là Hoàng Văn Bộ. Hoàng trong chữ Hán có ba cách viết: Hoàng - vua, Hoàng - gia và Hoàng - thổ. Họ Hoàng của tôi là Hoàng - gia, Thi Hoàng là cái anh họ Hoàng làm thơ, thế thôi.

HV: Có người đoán “thi hoàng” mang ẩn ý “ông hoàng thi ca”?

TH: Ai đoán thế là làm khổ mình rồi! Nhưng đôi khi, cách nghĩ ấy lại là động lực buộc mình phải nỗ lực viết cho tử tế.

HV: Từ khi nào nhà thơ Thi Hoàng bắt đầu nghĩ đến đổi mới thơ?

TH: Ngay từ khi còn là bộ đội Trường Sơn (tôi nhập ngũ năm 1968, chiến đấu ở chiến trường B, bị thương, đến năm 1972 thì được xuất ngũ) tôi đã thấy cần phải viết khác đi, nhưng lúc ấy, cả nước đang huy động toàn lực cho ngày chiến thắng, nên việc cách tân phải lùi lại, ưu tiên cho nội dung trước. Phải đến sau 1975 tôi mới bắt đầu viết khác, càng về sau càng rõ. Thi ca muốn tồn tại thì phải đổi mới. Đổi mới không chỉ trên giấy trắng mực đen mà phải làm sao để tác phẩm sống được trong đời sống.

HV: Cụ thể cái “khác đi” ấy là thế nào?

TH: Cả một quá trình dài văn học của ta mới viết cái thấy chứ không phải cái cảm thấy, tức là mới chỉ nhìn chứ chưa nghĩ. Tôi cho rằng, văn học cảm thấy mới ít nhiều có tư tưởng và tồn tại bền bỉ được theo thời gian.

HV: Theo ông, tư tưởng của một tác phẩm đến từ đâu?

TH: Tư tưởng đến từ đề tài nhà văn chọn viết. Còn viết thế nào phụ thuộc vào tài năng, kiến thức và vốn sống..., nhiều cái hội tụ lại để thực hiện đề tài anh đã chọn. Văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, muốn nói gì thì nói, phải có ích cho đời sống, sao cho sau khi đến với tác phẩm của mình người ta sẽ sống tốt hơn. Về thủ pháp nghệ thuật, người làm thơ phải có khả năng nghĩ bằng hình ảnh, rồi hình ảnh sẽ bật ra chữ nghĩa. Sau đó anh lại phải thoát ra khỏi cách nói bằng hình ảnh, để nói bằng hình tượng thì tác phẩm mới có đời sống lâu bền, tức là có tư tưởng.

HV: Nhận thức một tác phẩm văn học muốn có giá trị phải mang tầm tư tưởng thì nhiều người biết. Nhưng tư tưởng không phải cứ muốn là có được. Tôi nhận thấy, những người cố ý gắn tư tưởng cho tác phẩm một cách khiên cưỡng thì sẽ chỉ cho ra đời những trang viết cũng khiên cưỡng, chả ra làm sao...

TH: Đồng ý. Theo tôi, trong các yếu tố hình thành nên giá trị văn chương, thì tính chân thực là quan trọng nhất vì nó làm nên phẩm cách của tác phẩm và nhân cách của tác giả. Tính chân thực ấy đòi hỏi ở người cầm bút sự can đảm, bản lĩnh, dám viết những điều mình nghĩ và dám chịu trách nhiệm những điều mình nói. Nhưng chỉ dám nói, dám chịu trách nhiệm thôi chưa đủ, còn phải có khả năng, tài năng nữa thì càng tốt. Bởi khi đó anh mới nói ra được điều dám nói một cách thuyết phục, quyến rũ người đọc.

HV: Tôi rất thích chữ “quyến rũ” ông vừa dùng. Người viết phải làm thế nào để quyến rũ được độc giả?

TH: Là viết sao để độc giả theo dõi tác phẩm của anh, rồi từ đó theo dõi cả sự nghiệp sáng tác của anh và văn chương nói chung nữa. Sự quyến rũ ấy giống như tình yêu. Có lần ai đó nói tôi ít làm thơ tình. Tôi bảo, trong trường ca Gọi nhau qua vách núi, tôi dành hẳn một chương cho thơ tình đấy thôi: Anh gọi em từ bùn lầy cho tới nhụy hoa sen/Gọi em trong lần vỏ cây sau mưa còn sũng nước/Anh gọi em trong tiếng kèn đám ma tiễn đưa người đã chết/Tiếng kèn như những ngón tay khốn cùng sờ soạng trái tim anh/Trong tiếng côn trùng êm ả mượt như nhung/Trong chiếc giày bỏ lại bên đường sau cuộc chiến/Anh đứng trên mũi dao của những người lương thiện/ Mà gọi em, em hỡi! Ở phương nào!/Làm sao mình không biết cách yêu nhau... Tình yêu là khi ta càng đuổi theo nó càng chạy ra xa, nhưng khi ta quay đi thì nó xán lại gần. Người làm thơ đừng bắt độc giả đuổi theo những câu thơ lạ, hình ảnh lạ, nhưng liên kết lại thì nó không thành tác phẩm. Cách tân, đổi mới bằng gào thét, tình dục hoặc làm lạ theo kiểu trồng cây chuối thì không quyến rũ được độc giả đâu...

HV: Ông quan niệm thế nào về cách tân thơ?

TH: Điều này, đôi ba lần tôi đã phát biểu, nay vẫn nói lại. Cách tân không chỉ đơn giản là bẻ gãy câu thơ, phá bỏ cấu trúc, ngữ pháp, khoa trương ngôn từ... Làm như thế, thơ chỉ là một đống xác chữ chứ không tạo ra những câu thơ làm rưng rưng người đọc và cũng không thể tạo ra những câu thơ vui buồn khi cần người ta có thể mang ra ngẫm ngợi hoặc chia sẻ.

Sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, văn chương nước ta bắt đầu cởi mở hơn khi các cọc tiêu, biển báo được dỡ bớt. Bên cạnh những tác phẩm đổi mới thành công, tôi nhận thấy tình trạng đổi mới đến mức thơ không còn là thơ nữa. Đổi mới kiểu ấy giống như làm ra gạo nhựa, hình thức rất đẹp, trông rất bắt mắt nhưng không nấu lên ăn được.

HV: Ông có bài thơ nào sa vào tình trạng “gạo nhựa” không?

TH: Có thể có, nhưng tôi đã kịp nhận ra nó không ổn nên không công bố. May mà tôi cũng có vài cái được viết ra theo đúng ý mình và được người đọc chia sẻ.

HV: Cái may không đến với người không thật sự có tài đâu...

TH: Thẳng thắn thì tôi chỉ là người có khả năng, chứ gọi là tài năng thì còn lâu mới tới. Đây là nói thật, không khiêm tốn vờ vịt, cũng không nhận quá về bản thân mình.

HV: Ông có thể nói rõ hơn thế nào là người có khả năng và người có tài năng không?

TH: Khả năng được hình thành trong môi trường cụ thể, được gây dựng từ sinh lý chuyển thành tâm lý, biểu hiện qua năng khiếu hoặc năng lực nổi bật; còn tài năng thì không phụ thuộc vào môi trường hay thời gian cơ học, nó tự nhiên xuất hiện, chẳng theo quy luật nào cả... Khả năng thì thế hệ nào cũng có vài người, thậm chí vài chục người, nhưng tài năng có khi dăm trăm năm mới có một người, giời cho thì mới có!

HV: Lâu nay, ông có thường xuyên đọc những người viết trẻ?

TH: Tôi là người được tặng rất nhiều sách, có năm lên tới vài trăm cuốn và cũng chịu đọc. Tôi nhận thấy nhiều người viết trẻ hiện nay đang có thừa văn minh nhưng lại chưa có đủ văn hóa. Văn minh của họ là phương tiện công nghệ hiện đại, là ngoại ngữ, là bằng cấp tử tế...; còn văn hóa là năng lực thẩm mĩ, hiểu biết thấu đáo về cái đẹp. Cái đẹp cụ thể là một người đàn bà, nhưng một mảng rêu ở trên tường cũng có thể rất đẹp đấy. Điều thiếu thứ hai là, dường như những người viết trẻ mới có ngôn ngữ lý tính, thứ ngôn ngữ nói ra rồi có thể bị trôi đi mất, chứ họ chưa có ngôn ngữ tâm lý, tức là ngôn ngữ nghĩ, khi chia sẻ với nhau trở nên sống động, lắng đọng, khó quên...

HV: Vì sao lại có tình trạng thừa văn minh mà thiếu văn hóa?

TH: Tình trạng chung hiện nay theo bề rộng, tức là không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới, đời sống tinh thần chưa được con người quan tâm đầy đủ. Nước ta trải qua quá khứ nghèo khó, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiều người lao vào mưu sinh, kiếm tiền. Nhà cửa thì phấn đấu sao cho càng nhiều tiện nghi càng tốt, nhưng những đồ vật mang hàm lượng văn hóa trong nhà lại rất ít. Thi đại học, sinh viên cũng chọn ngành nghề nào khi ra trường dễ tìm việc, dễ kiếm tiền, tức là chỉ lo cho cái dạ dày mà bỏ đói tâm hồn. Cái sự ham văn chương nghệ thuật, chia sẻ với nhau một tác phẩm hay không còn như trước kia, mà tác phẩm hay lại ngày càng hiếm...

HV: Ông có thấy mình bi quan không?

TH: Nói bi quan thì không hẳn, nhưng đôi khi cũng thấy công việc mình đang làm vô bổ. Tác phẩm thế hệ chúng tôi đóng góp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã làm xong rồi, nhưng những cái hiện tại thì lại chưa làm được. Đôi khi phải lạc quan nghĩ rằng, những gì chưa làm được như những xác chết tinh thần trên con sông tìm tòi, thành phù sa vã lên cánh đồng để từ đấy nảy những hạt mầm thật sự.

HV: Hiện ông đang viết gì?

TH: Một trường ca về đề tài hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tôi viết vất vả, trầy trật lắm. Thức khuya, dậy sớm, dập xóa nhiều, viết xong đọc lại thấy không ổn lại tìm cho bằng ra cách vượt qua rồi mới đi tiếp.

HV: Bước sang tuổi 77 mà ông vẫn viết đều, viết khỏe... Làm thế nào để giữ được tuổi trẻ và chống lại tuổi già sáng tạo?

TH: Ý anh là làm sao có tuổi rồi mà vẫn viết tốt? Trong làng văn, không hiếm những người gừng càng già lại càng cay, như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chẳng hạn. Đó là do cơ chế sinh lý, chuyển sang tâm lý, hình thành những cây bút không có tuổi già. Còn trong một chừng mực nào đó, tuổi già mà vẫn có tình yêu thì năng lực sáng tạo sẽ bật ra từ nhiều ngõ ngách, chỗ nào cũng có cái mới để viết.