Thời của web Drama

|

Không phải canh giờ phát sóng ti-vi, chẳng phải mua vé vào rạp, chỉ cần truy cập vào Youtube từ bất kỳ phương tiện kết nối thông minh nào, khán giả Việt sẽ được thưởng thức miễn phí nhiều sản phẩm web drama Việt (tạm dịch là phim chiếu mạng). Không chỉ mở ra sân chơi mới cho những người trẻ tài năng muốn khẳng định cá tính sáng tạo riêng biệt, web drama đang trở nên ngày càng phổ biến. Thậm chí được cảnh báo sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn vong của thể loại phim truyền hình (TV drama) trong tương lai.

Những phim chiếu mạng “triệu views”

Web drama chính thức trở thành trào lưu thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, đặc biệt là đối tượng khán giả trẻ từ giữa năm 2018. Từ đó đến nay, nhiều bộ phim đã trở thành hiện tượng, thu hút số lượt xem (views) rất lớn và được cư dân mạng hồi hộp chờ đón từng tập ra mắt.

Có thể kể đến Ai chết giơ tay của nghệ sĩ trẻ Huỳnh Lập, với lượt xem tập đầu đạt tới con số gần 11 triệu. Khai thác đề tài tâm linh, bảy tập phim sau đó của quán quân Cười xuyên Việt 2016 cũng đều thu hút từ 6,5 triệu đến 9 triệu lượt xem. Thập tam muội của cặp đôi diễn viên hài Thu Trang và Tiến Luật, khai thác chủ đề tình huynh đệ trong thế giới ngầm cũng đã mang lại lượng người xem nằm ngoài sức tưởng tượng với trên dưới 40 triệu views cho mỗi tập phim ra mắt. Đặc biệt, tập 6 trong loạt phim Người trong giang hồ của ca sĩ Lâm Chấn Khang đã trở thành sản phẩm Việt Nam đầu tiên lọt Top 10 những video nổi bật trên toàn thế giới khi thu hút hơn 61 triệu views vào thời điểm cuối năm 2018. Những con số ấn tượng kể trên đã góp phần không nhỏ mang lại nút vàng Youtube danh giá cho các tác giả kể trên - những chủ sở hữu kênh cá nhân đạt mốc một triệu subscribers (lượt khán giả đăng ký theo dõi).

Cùng lọt vào danh sách những tác phẩm nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả còn có Ông trùm dẹp loạn giang hồ của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Tay buôn - buông tay của gương mặt trẻ Võ Đăng Khoa, Nam Phi liên hoàn kế của tác giả Nam Thư. Gia đình Mén của Hari Won, Bổn cung giá lâm của Thu Trang, Nụ hôn ký ức của Huỳnh Lập và mới đây là loạt phim bốn tập Bao lô của nữ diễn viên khả ái Ngọc Thanh Tâm...

Có nhiều điểm chung làm nên hiệu ứng lan tỏa rộng rãi của những sản phẩm phim chiếu mạng này. Nếu như ban đầu, web drama là nơi các nhóm bạn trẻ thử sức với những nội dung giản đơn, gần gũi với chính mình như đời sống học đường, những rung động tình cảm tuổi mới lớn thì với sự nhập cuộc ồ ạt của các gương mặt chuyên nghiệp sau này, những chủ đề mới lạ, độc đáo và dễ khơi gợi trí tò mò của đông đảo công chúng như cổ trang, giải mã bí ẩn tâm linh hay hé lộ thế giới ngầm của những tay anh chị giang hồ... hiện đang được đặc biệt ưu tiên. Thêm vào đó, yếu tố gây cười được các gương mặt hài sáng giá gia giảm vừa độ, nhấn nhá đúng chỗ cùng sự góp mặt của dàn diễn viên đang ăn khách trên cả sân khấu lẫn truyền hình cũng là điểm cộng khiến các tác phẩm tỏa ra lực hút khó cưỡng với người xem.

Thời kỳ đầu, nếu phim thường chỉ có một tập, kinh phí sản xuất cực kỳ khiêm tốn, các khâu tiền kỳ và hậu kỳ đều khá sơ sài, nghiệp dư thì ở thời điểm này, web drama đã trở thành một sản phẩm được chăm chút rất kỹ lưỡng, với dung lượng trung bình 10 - 15 phút/tập, dưới 10 tập/series. Với khoản đầu tư leo thang lên tới tiền tỷ (gần bốn tỷ đồng để sản xuất tám tập Ai chết giơ tay, gần ba tỷ đồng để Ai buôn, buông tay hoàn thiện...), với sự chăm chút kỹ lưỡng và công phu trong chất lượng hình ảnh và nội dung, trong cả bối cảnh, phục trang, kỹ xảo cùng những màn giao đấu, những pha hành động đẹp mắt, sản phẩm web drama trong thời gian gần đây đang dần đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của công chúng.

Hướng phát triển đầy tiềm năng

Theo báo cáo của Công ty Nielsen, hiện có tới 92% người dùng internet Việt Nam có thói quen xem video trực tuyến hằng tuần, đạt tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông-Nam Á. Đó là lý do khiến cộng đồng sản xuất nội dung cho Youtube đang ngày một đông, với sản phẩm cung cấp đang ngày một tăng cả về cả chất lẫn lượng. Không chỉ giúp định hình tên tuổi của nhiều người trẻ đam mê sáng tạo, web drama đã trở thành sân chơi hấp dẫn, nơi các nhà làm phim chuyên nghiệp cùng những “ông lớn” trong lĩnh vực giải trí quyết định đầu tư.

Cảnh trong Người phán xử ngoại truyện - một sản phẩm của VTV Giải trí.

Thống kê của Social Blade - website uy tín chuyên xếp hạng các trang mạng xã hội cho thấy, hiện Việt Nam có tới 71 kênh youtube sở hữu nút play vàng (phần thưởng dành cho trang có trên một triệu khán giả đăng ký theo dõi). Giữ vị trí quán quân là FAPTV, với tổng cộng 3,3 tỷ views cho các sản phẩm web drama. Bên cạnh một số cá nhân có sức thu hút rất lớn với cộng đồng mạng như NTN Vlogs, Vanh Leg, Sơn Tùng M-TP..., ta còn thấy sự góp mặt của khá nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp giải trí như HTV Entertainment, Điền Quân Comedy, Đông Tây Promotion Official, HTV2 - Vie Channel. Zing MP3, Truyền hình Vĩnh Long, Yeah1TV... Ngay cả Đài truyền hình Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi và bỏ qua hướng đi giàu tiềm năng này. Kênh VTV Giải trí khai thác những web drama “ăn theo” những phim truyền hình ăn khách như Người phán xử ngoại truyện, Quỳnh Búp bê ngoại truyện... hay chuyện hậu trường, hé lộ thông tin từng tập sắp phát sóng cũng đã được sản xuất và phát hành đều đặn, như một phương thức tăng sức nóng, thu hút quảng cáo và khai thác giá trị gia tăng cho sản phẩm TV Drama.

Với cá nhân các nghệ sĩ, đầu tư sản xuất web drama là cách thức nhanh chóng và hiệu quả nhất để định vị tên tuổi, tăng sức hút với cộng đồng, thỏa mãn cái tôi sáng tạo và khiến khán giả phải luôn nhớ tới mình. Không thể phủ nhận sức hút của Ai chết giơ tay đã mang lại cho Huỳnh Lập gần 40 triệu views cùng xấp xỉ 1,6 triệu người đăng ký theo dõi. Thập tam muội giúp Thu Trang thu hút 2,6 triệu views chỉ sau một ngày ra mắt và nhanh chóng ghi dấu mốc nữ nghệ sĩ hài Việt Nam đầu tiên nhận được nút vàng. Thành công của series cũng giúp chị tự tin bắt tay vào sản xuất phim chiếu rạp Chị mười ba, như một sản phẩm Thập tam muội hậu truyện. Và những ca sĩ như Ưng Hoàng Phúc, Lâm Chấn Khang... cũng đã trở thành thỏi nam châm thu hút người xem sau những Ông trùm dẹp loạn giang hồ hay Người trong giang hồ, sau nhiều năm ca hát ít có dấu hiệu khởi sắc.

Ai cũng hiểu lượt views cùng lượng subscriber rất lớn được hiển thị công khai trên kênh Youtube là chỉ dấu tin cậy đong đếm sức hút của sản phẩm mạng, sẽ mang lại cho chủ nhân khoản thu nhập không nhỏ từ quảng cáo và đường đến thành công nhờ vậy cũng được rút ngắn lại. Đây chính là động lực khiến những cá nhân và đơn vị chọn hướng đi này ngày một mạnh tay trong đầu tư chất xám cùng tiền bạc để cho ra đời những sản phẩm ăn khách nhất, hấp dẫn nhất trong khả năng có thể, với đích đến là lọt Top Trending Youtube.

Đó là còn chưa kể web drama cũng mở ra một hướng làm nghề mới rất khả quan cho nhiều nghệ sĩ - đặc biệt là những gương mặt trẻ đang vất vả định hình tên tuổi trong tình cảnh sân khấu kịch lao đao, màn ảnh đang bão hòa nên rất khó có được những vai diễn đổi đời, đổi vận. Không chỉ có vậy, với lợi thế khá thoáng về “đầu ra” so với phim truyền hình hay điện ảnh (không bị gò bó đề tài, thể loại, không bị kiểm duyệt nội dung trước khi lên mạng, không bị phụ thuộc lịch phát sóng của nhà đài hay lịch phát hành của chủ rạp) và được chính Youtube hỗ trợ bằng quy trình bảo vệ bản quyền cho các nhà phát hành độc lập, sự bùng nổ của thể loại phim này là hoàn toàn dễ hiểu.

Nhờ sự bùng nổ ấy, áp lực cạnh tranh đã và đang đè nặng lên các nhóm sáng tạo nội dung. Nói như diễn viên Nam Thư, “cạnh tranh là điều tất yếu và rất hấp dẫn, khi ngày càng đông người nhập cuộc xu hướng này”. Họ hiểu rất rõ, nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật để tăng lượt tương tác là yêu cầu tiên quyết giúp sản phẩm thành công và có sức lan tỏa rộng khắp. Sân chơi giờ không còn dành cho giới nghiệp dư “làm phim cho vui”. Web drama đang ngày càng chuyên nghiệp, chỉn chu và chất lượng hơn. Đối tượng hưởng lợi, không ai khác, chính là khán giả.