Nhớ anh Nguyễn Văn Bổng

|

Tôi gặp anh Nguyễn Văn Bổng lần đầu năm 1951 tại một làng quê gần thị trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Anh từ vùng tự do Khu 5 băng rừng vượt suối ra Việt Bắc dự hội nghị. Trên đường trở về, anh ghé tòa soạn báo Cứu Quốc thăm vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên. Nguyễn Văn Bổng và Chế Lan Viên đã cùng dạy học ở Huế. Người vợ đầu của anh Bổng, chị Phan Thị Đề là bạn học của chị Nguyễn Thị Giáo, vợ Chế Lan Viên tại Đà Nẵng.

Dạo ấy tôi làm việc tại báo Cứu Quốc Liên khu 4. Thấy tập bản thảo tôi vừa dịch xong từ thiên ký sự Mùa hè thứ ba của nhà báo, nhà thơ Nga Constantin Simonov, anh Bổng cầm đọc rồi nói: “Cho mình một bản. Mang vào Khu 5 biết đâu chẳng có thể in trong ấy”. Cuối năm 1953, Nguyễn Văn Bổng lại từ Khu 5 ra vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh để đi tiếp lên Việt Bắc dự hội nghị rồi ở lại tham gia đợt thí điểm cải cách ruộng đất tại tỉnh Thái Nguyên.

Hòa bình lập lại anh được điều về Hà Nội làm Trưởng ban Nông thôn, Báo Nhân Dân. Cùng làm việc với Nguyễn Văn Bổng có các nhà văn Bùi Hiển, Lê Tam Kính, Nguyễn Địch Dũng, nhà thơ Đông Hoài, các nhà báo Lưu Động, Lê Điền, Hà Đăng, Văn Sơn, Lê Thọ, Tâm Trung, Hồ Vân... Trong căn phòng rộng chỉ mấy mét vuông tòa báo ưu ái dành cho vợ chồng tác giả tiểu thuyết Con trâu cùng hai cậu con trai tại khuôn viên 71 Hàng Trống, đêm nào Nguyễn Văn Bổng cũng thức làm việc tới khuya bên cái bàn nhỏ xíu. Anh hoàn chỉnh truyện Bếp đỏ lửa vừa viết tại chỗ ở Thái Nguyên. Anh sáng tác truyện ngắn, truyện dài hầu hết chưa in, ngoài bút ký Cắm thẻ Đồng Câu đăng nhiều kỳ trên báo.

Sau đợt thí điểm ở Thái Nguyên, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và bắc Liên khu 4 lần lượt tiến hành cải cách ruộng đất. Tòa soạn báo cử tôi về vùng duyên hải tỉnh Thái Bình bám sát diễn biến đưa tin, viết bài. Thông tin về cải cách ruộng đất trên Báo Nhân Dân không chuộng việc ôn nghèo kể khổ mà coi trọng sự đổi đời của những nông dân. Cả đời nhiều người chuyên cày thuê cuốc mướn vì không có một tấc đất trong tay (cố nông), hoặc phải thuê ruộng của những nhà giàu cày cấy rồi nộp tô (bần nông) gặp năm hạn hán hay lũ lụt mất mùa là nợ nần chồng chất. Nay họ được chia ruộng vườn, nhiều hay ít cũng vài ba sào ruộng, một mảnh vườn con lấy nơi dựng lên túp nhà tre lá dù xơ xác vẫn là tổ ấm gia đình. Các chàng trai đi học để thoát nạn mù chữ. Nhiều người xin vào bộ đội đánh giặc. Các cô gái trẻ cũng đổi đời, dám ngửa mặt nhìn lên.

Một lần, dựa vào một câu chuyện có thật, tôi viết truyện ngắn Về phép đăng hai kỳ Báo Nhân Dân ngày 6 và 7 tháng 11 năm 1955. Câu chuyện giản đơn, kể về một chàng trai mới lớn, thất học, đói nghèo. Sau giảm tô, giảm tức đến cải cách ruộng đất, gia đình anh được chia ruộng đất. Cha mẹ anh có căn nhà. Anh được học bổ túc văn hóa, làm cán bộ xóm, thôn trước khi được đào tạo để trở thành một “cán bộ đội”, đội cải cách ruộng đất. Trong niềm vui chung bố mẹ anh vẫn trăn trở. Ông bà nhiều lần nhắn tin đòi anh về nhà vài hôm để cho gia đình làm lễ cưới cô gái mà ông bà đã dạm hỏi. Việc về phép được cấp trên chấp thuận, anh chàng về nhà đúng hẹn. Lễ cưới xong, nghỉ lại nhà một tối, sáng hôm sau anh trở lại nơi công tác.

Nguyễn Văn Bổng gửi cho tôi hai số báo mới ra qua bưu điện, kèm bức thư vẻn vẹn dòng tin nhắn: “Phan Quang cũng nên về phép mấy hôm”.

Ít lâu sau tôi mới rõ lý do. Thì ra cô em gái út người vợ trước của anh, chị Phan Thị Đề, vừa theo mấy ông anh trai từ Khu 5 tập kết ra bắc, hiện đang ở Hà Nội. Nguyễn Văn Bổng muốn làm bà mối giúp chàng phóng viên có dịp làm quen cô em vợ của anh.

*

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Nguyễn Văn Bổng làm Trưởng Ty Thông tin thành phố Đà Nẵng, Hiệu trưởng Trường trung học Thái Phiên, đồng thời hoạt động văn nghệ cùng các bạn Phan Quang Định, Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Ninh... Ông kết duyên với em gái Phan Quang Định. Giặc Pháp chiếm Đà Nẵng, gia đình Phan Quang Định - Nguyễn Văn Bổng chuyển ra vùng núi huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, rồi vào vùng tự do Quảng Ngãi.

Cuối năm 1947, chị Phan Thị Đề hai tay bế đứa con mọn, vai mang cái ba-lô bên trong có ống tre đựng cuộn giấy là bản thảo cuốn tiểu thuyết Nguyễn Văn Bổng giao cho vợ giữ, đáp xe lửa rời ga Mộ Đức, Quảng Ngãi ra ga An Tân, Quảng Nam để từ đây lên vùng núi sống với chồng. Rạng sáng 22-12, tàu chầm chậm vào ga An Tân thì máy bay Pháp ập đến dội bom. Chị Đề và cháu bé mất tại chỗ. Nguyễn Văn Bổng trong khoảnh khắc mất hai con, một đứa con máu thịt, một đứa con tinh thần đúng vào ngày kỷ niệm ba năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

*

Nguyễn Văn Bổng học rộng biết nhiều. Anh thường xuyên bồi bổ vốn sống qua việc đọc sách và trải nghiệm cuộc đời. Nhà văn Nguyễn Tuân viết “bút lực Nguyễn Văn Bổng đầy ắp thực tế”. Trong mấy năm anh và tôi cùng làm việc tại Báo Nhân Dân, thi thoảng anh giới thiệu cho tôi đọc một số tác phẩm văn học nước ngoài. Có lần tôi bảo những cuốn này tôi đã đọc. Anh nói, Quang vẫn cứ đọc lại, thế nào rồi sẽ thấy mình có nhiều cảm nhận khác hẳn những lần đọc trước.

Sau mấy năm làm việc tại phố Hàng Trống (Hà Nội), Nguyễn Văn Bổng chuyển sang Hội Văn nghệ, chuẩn bị mở Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Anh được cử đi học một khóa học dài hạn tại Trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Một lần, anh đến nhà thăm vợ chồng tôi chuyện trò khá lâu. Anh nói: “Chuyến này mình đi thực tế dài ngày. Hy vọng rồi sẽ viết thêm được một cái gì...”. Có lẽ tại nhà văn hay đi thực tế quá cho nên hôm ấy tôi không đủ thông minh để hiểu lời anh nói “đi thực tế chuyến này” là đi B, vào chiến trường. Nguyễn Văn Bổng tác giả Con trâu, Cắm thẻ Đồng Câu và Bếp đỏ lửa lặng lẽ trở thành Trần Hiếu Minh của Rừng U Minh, Cửu Long cuộn sóng và Sài Gòn ta đó.

Anh được cử vào công tác tại nội đô Sài Gòn. Nhà báo Thép Mới sau một chuyến đi dài, trở về vùng căn cứ hào hứng viết thư cho tôi: “Mình bao giờ về (Hà Nội) sẽ kể các cậu nghe những ngày mình sống trong Sài Gòn và những người Sài Gòn mình đã gặp. Mình thấy tin yêu ghê gớm nhưng chưa đủ tài liệu và chưa tìm được cách nói (...) Gặp Bổng. Bổng ở lâu, Bổng hiểu nhiều nhưng Bổng bận nhiều, và cần lùi xa để nhìn lại...”.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Văn Bổng từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, được tổ chức cho phép lên Phnôm Pênh. Từ đây anh đáp máy bay quá cảnh Hồng Kông, đổi chuyến sang Quảng Châu rồi bay về Hà Nội. Chị Hồ Vân hớn hở báo tin và xin phép về nhà chuẩn bị đón chồng. Tôi đến thăm, thấy trên nóc tủ kê sát bàn ăn xếp la liệt mấy chồng sách tiếng Pháp. Chị Hồ Vân cười: “Tôi mở va-li anh mang về nhà, thấy chỉ có sách và sách”.

Mùa xuân năm 1975, Nguyễn Văn Bổng cùng đoàn nhà văn Việt Nam vào chiến trường Tây Nguyên. Sau “chiến thắng tháng ba” lịch sử, anh từ vùng núi xuôi về đồng bằng, định trên đường ra Hà Nội sẽ ghé Đà Nẵng thăm mẹ chị Đề. Ngày 24/4/1975, được tin có phi đội máy bay cất cánh từ sân bay Thành Sơn, Phan Rang bất ngờ ném bom xuống Dinh Độc Lập, Nguyễn Văn Bổng hiểu Sài Gòn sụp đổ tới nơi. Anh đổi hướng đi, không trở ra bắc mà bôn tiếp vào nam, trở thành một trong những nhà văn sớm có mặt tại Dinh Độc Lập.

Gặp lại nhau, Nguyễn Văn Bổng đưa tôi đi thăm bà con, họ hàng sinh sống tại Sài Gòn - Gia Định và một số bạn văn thời anh công tác trong nội thành, trong đó có nhà văn Vũ Hạnh tác giả Bút máu và Người Việt cao quý, cư sĩ Võ Đình Cường với Ánh đạo vàng... Anh đèo tôi trên chiếc xe máy cà tàng, phóng vun vút có vẻ khá thông thạo phố xá Sài Gòn.

*

Cuộc đời nhiều khi thật khắc nghiệt. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng vốn là một người khỏe mạnh. Anh sống bình dị, được tiếng dễ ăn dễ ngủ. Bạn bè gọi anh là “Bổng trâu”. Một lần tôi chở anh đi xe máy từ Hà Nội về một làng xa thuộc tỉnh Bắc Ninh dạm vợ cho người em trai của chị Phan Thị Đề. Đường sá thôn quê hồi ấy khó đi bằng xe gắn máy. Có lúc hai anh em phải người nâng kẻ đẩy chiếc xe nặng trịch mới vượt qua được rãnh nước mới đào chắn ngang đường. Tới nơi, tôi đau lưng đêm nằm trằn trọc, anh Bổng vừa đặt mình xuống giường, mấy phút sau đã nghe tiếng anh ngáy đều đều.

Giữa lúc nhà văn đang sung sức, người đầy ắp vốn sống, tâm can ấp ủ nhiều tác phẩm thì không may gặp sự cố. Một lần anh tới bệnh viện chữa mắt rồi về nhà đi lại trong phòng bỗng dưng vấp ngã. Tai biến làm anh lâm bệnh, ngày một yếu dần rồi nằm liệt giường. Đầu óc vẫn minh mẫn nhưng anh giao tiếp khó khăn, không đủ sức cầm cây bút. Tác phẩm cuối cùng, được coi như một cuốn sách nhìn lại cuộc đời, anh thực hiện qua những lời kể mà chỉ có chị Hồ Vân mới có thể nghe rõ và ghi lại thành văn.

Mùa hè năm 2001, nghe tin anh vừa qua đời, tôi lật đật chạy đến nhà. Vẫn căn phòng nhỏ ở phố Nguyễn Thượng Hiền nay có thông thoáng hơn một chút vì các con trai anh chị trưởng thành lần lượt ra riêng. Nhìn thấy tôi chị Hồ Vân trào nước mắt khóc như mưa: “Anh Bổng đi nhanh quá, anh đi nhanh quá. Tôi vừa ra ngoài múc cháo vào bón cho anh...”.

Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, họa sĩ Sỹ Ngọc, nhà báo Phan Quang.