Vì sao tình trạng này tồn tại nhiều năm trên mảnh đất ngàn năm văn hiến mà vẫn khó giải quyết? Là người đứng đầu một tổ chức Hội nghề nghiệp tôn vinh vẻ đẹp thẩm mỹ của đời sống xã hội, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam có những trăn trở chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng chung quanh vấn đề này.
Thưa họa sĩ Lương Xuân Đoàn, ông có nhận xét gì về diện mạo Thủ đô của chúng ta hiện nay, nơi mà ông từng gắn bó suốt gần 70 năm qua?
Có thể nói, vài thập niên trở lại đây, hình ảnh Hà Nội càng ngày càng mất đi vẻ đẹp kinh điển thân thuộc. Vẻ đẹp ấy đã in dấu quá sâu đậm trong tâm hồn của bất cứ ai đã và đang sinh sống ở Hà Nội. Nó không chỉ những con phố cũ, phố cổ, mà còn cả những hàng cây xanh, lòng hồ, không gian văn hóa. Nếu nhìn Hà Nội là khuôn mặt văn hóa quốc gia, chứ không còn riêng biệt, khu biệt của Hà Nội thì đáng tiếc, khuôn mặt ấy đang bị làm xấu, bị tổn thương, chưa xứng tầm như chúng ta mong mỏi.
Hà Nội đang quá thiếu những không gian công cộng mang màu sắc văn hóa. Càng thiếu bao nhiêu, càng cố ép bấy nhiêu mới sinh ra nhiều bất cập. Thí dụ, mươi năm trở lại đây, liên tục không gian Hồ Gươm vấp phải “tai nạn” về văn hóa, về nghệ thuật. Những khối điêu khắc ngoài trời sử dụng bằng chất liệu kính, nhôm, sơn mầu... phá hủy cảnh quan thiên nhiên. Cây xanh lòng hồ bị chính những thứ gọi là nghệ thuật hiện đại ấy làm tổn thương. Không ít tuyến phố, các điểm sinh hoạt công cộng, các di tích nhếch nhác, bị bôi vẽ nhăng nhít, đèn mầu, băng-rôn cờ phướn treo lộn xộn, phản cảm. Môi trường nhiều nơi ồn ào, bẩn thỉu. Loạn âm, loạn sắc.
Nhưng hình như trong câu chuyện chịu trách nhiệm về thực trạng này cũng có vai trò của Hội Mỹ thuật Việt Nam, có đúng không, thưa ông?
Hằng năm theo kỳ cuộc, sự vụ, có sự kiện gì thành phố lập Hội đồng tư vấn gồm nhiều thành phần, trong đó có mời đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chúng tôi luôn xác định chịu trách nhiệm tới cùng. Nhưng nói thật, họ có nghe chúng tôi không thì lại là chuyện khác. Tôi có cảm tưởng họ mời chiếu lệ, cho phải phép, cho đủ thành phần chứ chưa coi trọng ý kiến đóng góp. Từ năm 2020, tôi bắt đầu tham gia với Hà Nội, chứng kiến những chuyện thật khó hiểu. Đối với quận Hoàn Kiếm chẳng hạn. Trong đề án trang trí những ngày Tết Tân Sửu vừa qua, họ trình phương án đưa những vật thể lạ, những cái gọi là nghệ thuật hiện đại ngoài trời vào khu vực chung quanh Hồ Gươm. Chúng tôi không đồng tình vì nhận thấy không phù hợp, thậm chí phản cảm, đề nghị phải lắng nghe góp ý của các thành viên hội đồng để điều chỉnh. Thế nhưng, vừa rời cuộc họp, tôi đi ra Nhà hát Lớn, trên đường đã thấy họ đang triển khai thi công lắp rồi. Thế thì mời chúng tôi tham gia chỉ là cho có, cho xong. Và thực tế, như mọi người thấy, cả một khu vực chung quanh Hồ Gươm dịp Tết vừa rồi trở thành không gian lộn xộn, hổ lốn. Các thứ vênh, cà nhau. Những cấu trúc sắt sơn mầu lạc lõng, không ăn nhập, tệ hơn là các đàn trâu nghênh ngang, sặc sỡ, cổ đeo tên nhà tài trợ rất phản cảm.
Dường như trang trí không gian Hồ Gươm và các tuyến phố trung tâm Thủ đô năm nào vào dịp lễ, Tết cũng bị kêu ca, phàn nàn. Theo ông, đâu là căn nguyên?
Mấu chốt là chúng ta đang thiếu hẳn một “nhạc trưởng” cho khuôn mặt mỹ quan đô thị. Không ai có cái nhìn tổng thể để chỉ định và điều chỉnh. Không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Ai cũng thấy không phải việc của mình và chả chết ai! Lâu nó thành thói quen, họ quen làm thế và cứ thế làm.
Nếu có một tổng chỉ huy, sẽ có cái nhìn bao quát và điều chỉnh hợp lý. Thí dụ, khu phố này kiến trúc theo thời Pháp thì băng-rôn, khẩu hiệu phải phù hợp ra sao, để trông vào không bị áp lực về thị giác.
Mấy năm gần đây, thể loại bích họa bắt đầu đột nhập vào Hà Nội như “vấn nạn”. Xuất phát nó là một dự án của Hàn Quốc triển khai ở làng chài Tam Thanh (Quảng Nam). Tôi nghĩ làm ở đó thì không gian hợp lý, nhưng đưa về Hà Nội thử nghiệm phố Phùng Hưng xong, nó lại tràn lan sang các không gian khác thiếu cân nhắc, không kiểm soát. Đến nỗi nhiều người ca thán chẳng khác nào “phong trào bôi bẩn phố phường, đường phố”. Mà kêu xong rồi cũng chả ai ngó ngàng. Đơn cử, mảng tường dài khu vực trường Phan Đình Phùng. Một con phố đẹp, thâm nghiêm với những hàng cây cổ thụ xanh mát như thế, những bức tường cổ kính đẹp như thế, việc gì phải bôi thêm những hình ảnh xanh đỏ, sến súa vào nữa. Dư luận, báo chí vào cuộc, lên tiếng nhưng nó vẫn ì ra đấy, không ai giải quyết. Gần đây không hiểu được sự đồng ý của cấp nào mà có phường còn huy động cả lực lượng áo xanh tình nguyện đi kẻ vẽ khắp ngõ ngách, tường nhà, bốt điện... Làm đẹp, can thiệp mỹ quan không gian sống phải có tư vấn của các đơn vị chuyên môn, chứ không thể tùy tiện như thế được!
Từng tham gia Hội đồng tư vấn về mỹ quan cho thành phố, cũng nắm bắt thực trạng này khá tường tận, cá nhân ông có kiến nghị gì để tình hình được cải thiện hơn không?
Tôi nghĩ, UBND thành phố phải chú trọng hơn về công tác này; cần giám sát, kiểm tra nghiêm túc hơn. Đã đành là phân cấp quản lý, nhưng người phụ trách văn xã của UBND thành phố Hà Nội phải hiểu là họ không thể lơ là, phó mặc cho cơ quan chức năng quản lý trực tiếp về văn hóa của Hà Nội, đấy là Sở Văn hóa và Thể thao. Thực trạng lâu nay cho chúng ta thấy có những điều rất tréo ngoe. Đáng buồn là, trước mặt Sở VH&TT ở phố Hàng Dầu lại cứ diễn ra tất cả những gì phản cảm về văn hóa. Còn nhớ hình ảnh quả địa cầu 1000 năm Thăng Long với một bản đồ bôi đỏ choét, con chim hòa bình, lối mô-típ những thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ trước được bày ra, nom rất lạc hậu. Rồi cuốn sách mở 1000 năm Thăng Long. Đấy không phải là điêu khắc ngoài trời. Nhiều người dân, nhiều đơn vị chức năng đã phản ánh, góp ý điều này. Rõ ràng, với người Hà Nội, bất cứ một cái gì phản cảm họ phát hiện ra ngay, tức là không thuận mắt. Các cụ vẫn nói là “thuận mắt ta ra mắt người”. Mắt mình mà không chấp nhận được thì chắc chắn nó có vấn đề. Và để dẹp được quả địa cầu, trang sách mở này, chúng tôi phải lên tiếng liên tục trong dăm năm. Lúc nào họp với Hà Nội cũng kiến nghị, nhưng mãi gần đây mới cất được. Năm ngoái, cái gọi là trái tim chổi xể lại xuất hiện ngay trước phố Hàng Dầu. Đấy, như vậy là như thế nào? Tóm lại, nếu buông lỏng quản lý thì tình trạng vẫn tái diễn!
Ông có khuyến cáo gì về thái độ ứng xử với Hồ Gươm, nơi chốn được coi linh thiêng nhất trong tâm thức văn hóa người dân cả nước?
Đây là một bài toán hết sức nan giải, đã vài thập niên nay rồi. Cái khó là làm thế nào để có một quy hoạch tổng thể cho cảnh quan và mỹ quan của Hồ Gươm. Hồ Gươm giờ đã thành phố đi bộ. Thiên nhiên quanh Hồ Gươm không bao giờ cũ cả, lúc nào cũng mang lại cảm xúc nhẹ nhõm cho người đi dạo chơi chung quanh hồ. Thế nên phải thấy được, đẹp nhất của Hồ Gươm chính là thiên nhiên, tự nhiên, không gian nguyên sơ của nó. Nếu có cái gọi là nghệ thuật hiện đại thì phải hiểu thứ nghệ thuật ấy về thẩm mỹ, phải có duyên đứng cạnh Hồ Gươm, phải làm đẹp cho nhau, chứ không thể tùy tiện đặt gì vào cũng được. Tôi thiết nghĩ, hãy cứ giữ cho Hồ Gươm được nguyên vẹn, nguyên cốt, nguyên nét, nguyên hình hài. Tất cả những gì đã gần như hóa thạch tạo nên một Hồ Gươm thì đừng động vào. Thiên nhiên phải chăm sóc, để cây có lá cành đẹp, tầng cao tầng thấp, mặt cỏ rồi luống hoa trồng như thế nào, mầu sắc gì cũng phải tính toán sao cho hài hòa.
Hiện nay, chúng ta cũng phải hết sức cẩn trọng và cân nhắc việc xã hội hóa. Kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp vào cuộc, nhưng nếu để họ biến không gian thiêng thành nơi quảng cáo cho các thương hiệu của doanh nghiệp thì rất tai hại, phản tác dụng. Thành phố của chúng ta đã phải dành nhiều trục đường, tuyến phố, đèn trang trí gắn tên các nhãn hàng, thương hiệu ghi nhận đóng góp của doanh nghiệp, thì cũng cần dành ra một vài nơi chốn thẩm mỹ đúng nghĩa để nhân dân được thụ hưởng nét đẹp, giá trị đời sống văn hóa, tinh thần.
Tôi chỉ ước ao về sự xuất hiện của một người “nhạc trưởng” cho đô thị, cho văn hóa trong những không gian công cộng của Hà Nội, thật sự để tâm điều chỉnh tất cả những thứ đang vênh nhau, sắp xếp lại một toàn cảnh chuẩn mực cho Thủ đô, đặc biệt từ Hồ Gươm tỏa ra chung quanh đến các khu phố.
Trân trọng cảm ơn họa sĩ Lương Xuân Đoàn với những chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm!