Tăng tốc đột phá và phát huy hiệu quả

|

NDO - Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC, thuộc Ngân hàng thế giới), đến hết tháng 9/2024, Việt Nam có tổng số 514 công trình xanh (CTX), tương đương với 12.241 triệu m 2 sàn đạt chứng nhận xanh. So với cùng kỳ năm ngoái, số CTX đã tăng hơn 200 công trình. Và nếu so với con số hơn 300 CTX được phát triển trong vòng 15 năm trước, thì sự gia tăng CTX trong 1 năm qua thật sự đột phá ấn tượng. Ðiều này cho thấy, phát triển CTX không còn là xu thế mà ngày càng thực chất hơn.

Xu hướng tăng trưởng

Cuối tháng 9/2023, vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Ngân hàng Techcombank cùng lúc khai trương hai tòa hội sở mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tháng 2/2024, cả hai trụ sở nói trên đã trở thành các tòa nhà văn phòng đầu tiên của ngành Ngân hàng Việt Nam được cấp chứng chỉ CTX LEED Vàng do Hội đồng CTX Mỹ cấp chứng nhận.

Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty Viglacera, trong năm 2024, đã chính thức công bố 2 dự án xanh. Một là khu công nghiệp xanh, thông minh Thuan Thanh Eco-Smart IP tại tỉnh Bắc Ninh. Với các giải pháp phát triển xanh Thuan Thanh Eco-Smart IP, Viglacera dự kiến tạo ra tối thiểu lượng điện từ năng lượng mặt trời có công suất 0,5MW, bảo đảm 100% nhu cầu của hệ thống chiếu sáng và một phần hệ thống phụ tải cho khu công nghiệp. Khu công nghiệp sử dụng hệ thống cấp nước, tưới cây tự động; tái sử dụng nước mưa; xử lý nước thải làm nước tưới cây, nước rửa đường; tái sử dụng bùn thải không nguy hại; xanh hóa tối thiểu 60% diện tích cây xanh sử dụng các loại cây có mức độ hấp thụ CO2 cao, giúp hấp thụ tối thiểu hơn 2.000 tấn CO2/năm trong những năm đầu, tương đương với mức phát thải của gần 500 ô-tô chạy xăng hằng năm…

Dự án xanh còn lại là Angsana Quan Lan Halong Bay Hotel & Resort. Đây là dự án du lịch nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế trên đảo đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh. Dự án đã được IFC cấp chứng nhận CTX EDGE Advance cho công trình tiết kiệm năng lượng lên đến 40% so với công trình thông thường.

Đó là một số dẫn chứng điển hình trong hơn 200 CTX được công nhận trong thời gian vừa qua. Cắt nghĩa cho sự phát triển CTX bùng phát, với đa dạng loại hình công trình, từ nhà ở, văn phòng, trụ sở, trường học đến bệnh viện, nhà xưởng, nhà máy, khu công nghiệp…, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CTX có sự chuyển biến tích cực. Thứ nữa là do sự thay đổi về tư duy lẫn hành động của các chủ thể liên quan, từ chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế kiến trúc, tư vấn xanh đến nhà sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng…

Nhiều lợi ích thiết thực

Chia sẻ lợi ích trong phát triển CTX, ông Nguyễn Nhất Vinh, cán bộ Ban quản lý tòa nhà văn phòng Capital Place (Hà Nội) cho biết, việc đầu tư bài bản, với các công nghệ mới, hiện đại, cũng như áp dụng các tiêu chí CTX LEED GOLD (giai đoạn thiết kế và xây dựng), LEED PLATINUM (giai đoạn vận hành và bảo trì), công trình có chi phí năng lượng thấp hơn 20%-30% so với các công trình cùng quy mô. Tức là hằng tháng, hóa đơn tiền điện, tiền nước của cả chủ đầu tư và khách hàng giảm xuống. Môi trường làm việc trong tòa nhà bảo đảm theo đúng thiết kế, được khách hàng đánh giá cao. Giá cho thuê mặt bằng của chủ đầu tư tốt hơn.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) cho biết, dự án chung cư cao tầng Diamond Lotus Riverside tại TP Hồ Chí Minh của chủ đầu tư này đạt chứng nhận CTX LEED GOLD và LOTUS GOLD. Đối với các cư dân, lợi ích thiết thực mà dự án đem lại là giảm đến 50% hóa đơn tiền điện, tiền nước hằng tháng; có môi trường sống chất lượng cao, an toàn, thân thiện. Đối với chủ đầu tư, giá bán dự án tốt, bán hàng nhanh hơn, thương hiệu được nâng lên với tư cách là doanh nghiệp tiên phong phát triển xanh, từ đây, đem đến những cơ hội phát triển các dự án xanh khác…

Tòa trụ sở Ngân hàng Techcombank tại Hà Nội đạt chứng nhận LEED Vàng.

Đại diện Tổng công ty Viglacera chia sẻ, Viglacera định hướng phát triển tất cả các khu công nghiệp mới theo mô hình xanh, thông minh, với những mục tiêu cốt lõi là cắt giảm tối đa tiêu hao nguyên, nhiên liệu; giảm tiêu thụ nước; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm ô nhiễm môi trường; giảm phát thải… Đối với các khu công nghiệp đã đầu tư, đang vận hành, Viglacera cũng sẽ đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất. Với chiến lược “xanh hóa” này, Viglacera kỳ vọng đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất thông minh, sản xuất xanh, thu hút các doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam đến đầu tư nhà máy, nhà xưởng xanh tại các khu công nghiệp.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi xanh nói chung, phát triển CTX nói riêng không còn là xu thế, là “thời trang”, “phông bạt” mà ngày càng thực chất hơn. Phát triển CTX chính là một giải pháp thiết thực giúp nâng cao chất lượng sức khỏe và sự tiện nghi của người sử dụng công trình; củng cố uy tín, thương hiệu nhà đầu tư, đồng thời mang lại nhiều lợi ích tích cực cho môi trường, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và nhất là hiện thực hóa cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26…

Tiếp tục tháo gỡ các “rào cản”

Mặc dù có sự tăng trưởng đột phá nói trên, tuy nhiên tại Tuần lễ CTX Việt Nam năm 2024 do Bộ Xây dựng phối hợp UBND thành phố Hà Nội tổ chức trong ngày 3 và 4/10 mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra còn nhiều khó khăn, rào cản trong phát triển CTX. Đó là cơ chế ưu đãi trong phát triển CTX chưa rõ ràng, các chứng nhận về vật liệu xanh còn thiếu, chủ đầu tư lo ngại vì chi phí đầu tư CTX ban đầu cao, nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về CTX không nhiều. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ về CTX chưa cao, khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh cho các dự án CTX còn hạn chế...

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiến tới thúc đẩy phát triển CTX, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho rằng, trước hết cần có thay đổi thể chế, chính sách; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, quy định hiện hành về CTX, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải…

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ sẽ chủ động lồng ghép và nghiên cứu xây dựng mới, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển CTX, sử dụng năng lượng tài nguyên tiết kiệm hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong quá trình xây dựng; ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh, trong đó có các dự án CTX; quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chi phí năng lượng của Tòa nhà Capital Place thấp hơn 20%-30% so với các công trình thông thường, cùng quy mô.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức triển khai và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc áp dụng các tiêu chí CTX trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư, phát triển các dự án nhà ở xã hội… Tập trung nghiên cứu để rà soát, sửa đổi QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, công bố suất vốn đầu tư cho đầy đủ các loại hình công trình để tạo điều kiện cho các chủ thể xác định chi phí đầu tư xây dựng CTX, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng…

Với các giải pháp đa dạng, đồng bộ, hy vọng thời gian tới, sự phát triển CTX sẽ còn tăng mạnh, hiệu quả và thực chất hơn nữa.