"Đáy vực" và sự phục hồi

|

Thị trường nhân lực công nghệ trên thế giới đang dần phục hồi sau làn sóng sa thải đầu năm 2023, và việc trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp quốc tế theo chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu giúp Việt Nam phần nào thoát khỏi bức tranh tiêu cực.

Cơn lốc sa thải đã suy yếu

Merriam-Webster vừa đưa ra lựa chọn về "Từ ngữ của năm 2023". Công ty nổi tiếng của Mỹ về xuất bản sách và từ điển này đã chọn "authentic", hiểu đơn giản là "có thật".

Quyết định của Merriam-Webster không bất ngờ. Trong một năm cả thế giới nói về trí tuệ nhân tạo (AI), việc tôn trọng những giá trị riêng biệt và có thật là điều con người cần làm.

Nhưng dù đề cao các giá trị thật đến mức nào, con người cũng không thể cưỡng lại sức ảnh hưởng của AI, đặc biệt khi nhắc đến sức ảnh hưởng với thị trường nhân lực công nghệ. Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo là cơn lốc thay đổi hoàn toàn thị trường đặc thù này.

Báo cáo của Techrunt vào ngày cuối cùng của tháng 11 cho thấy có hơn 240.000 nhân sự công nghệ tại Mỹ bị sa thải trong năm 2023, nhiều hơn 50% so với con số của cả năm 2022. Đơn vị này nêu rõ đỉnh của làn sóng trên đến vào tháng 1/2023, thời điểm OpenAI xuất hiện và gây sốc bởi tốc độ cũng như tính ưu việt: hơn 84.000 nhân sự công nghệ đã ra đường chỉ trong 31 ngày.

Tuy nhiên, những báo cáo đang chỉ ra làn sóng sa thải phần nào đã chạm đáy vào quý cuối năm, khi chỉ còn khoảng 7.000 nhân sự mất việc trong tháng 10 và 11. Tỷ lệ nhân sự bị sa thải đang giảm xuống mức 2% so với 2,3% vào tháng 9.

Báo cáo của Cục Thống kê lao động Mỹ đầu tháng 11 nhấn mạnh các ngành công nghiệp đã bổ sung tới 483.000 nhân lực công nghệ thông tin. Richard Wahlquist, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhân sự Mỹ, có cái nhìn toàn cảnh về thị trường nhân lực công nghệ. Ông nhấn mạnh với CNBC: "Bất chấp những tin tức gần đây liên quan việc sa thải nhân viên tại các công ty lớn, công nghệ vẫn là một trong những ngành có nhu cầu cao nhất trên thị trường lao động".

Wahlquist lý giải nhiều nhân sự công nghệ từng coi các gã khổng lồ như Google, Amazon hay Meta là "nơi trú ẩn an toàn" giữa bão suy thoái. Nhưng sau cơn lốc sa thải từ chính các siêu tập đoàn này, nhiều người đã nhìn thấy tương lai ở các công ty ngoài lĩnh vực công nghệ như tài chính, ngân hàng…

Ðiểm đến tương lai

Làn sóng sa thải không bỏ qua Việt Nam. Nhiều nhân sự tại các công ty công nghệ trong nước bị buộc thôi việc nhưng bối cảnh chung là cơ hội nghề nghiệp vẫn đang rộng mở.

Tại Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2023 vừa diễn ra giữa tháng 10, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon Eric Broussard đánh giá Việt Nam là mắt xích cung ứng mới nổi của thương mại điện tử trên toàn thế giới. Ngoài các lợi thế về chi phí nhân công và cơ sở hạ tầng, tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam rất cao, góp phần gia tăng vai trò trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử toàn cầu.

Giám đốc Alibaba.com khu vực Đông Nam Á Roger Luo nhấn mạnh trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng số giao dịch của người tiêu dùng qua sàn đã tăng 33% so cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh xuất khẩu truyền thống giảm vì ảnh hưởng suy thoái, đường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam qua sàn thương mại điện tử vẫn tăng.

Những sản phẩm công nghệ, điện tử Việt Nam cũng dần khẳng định vị thế. Nước ta được đánh giá là một trong những thị trường linh kiện điện tử năng động và tăng trưởng nhanh trên thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng dự kiến đạt 8,87% trong giai đoạn từ năm 2023-2028. Ước tính, quy mô thị trường vào năm 2028 sẽ đạt tới 36,45 tỷ USD.

Thực tế, các tập đoàn lớn như Apple và Lego đã xây dựng cơ sở sản xuất chính ở Việt Nam. Trong tháng 6, Compal Electronics, nhà thầu sản xuất iPad và Apple Watch, đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Bình) thực hiện dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị truyền thông, sản phẩm điện dân dụng, linh kiện điện tử. Trước đó, Compal đã sản xuất các sản phẩm Apple tại nhà máy ở Vĩnh Phúc hay Foxconn, một trong các nhà thầu lớn nhất của Apple, từng bước thực hiện kế hoạch phân bổ sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam.

Chuỗi cung ứng bản lề của thế giới từng bị đứt gãy khi "công xưởng" Trung Quốc đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song lúc này, Việt Nam đang vươn lên như ngôi sao đầy tiềm năng, là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp và tập đoàn hàng đầu trên thế giới.

Vì thế, thị trường nhân lực công nghệ tại Việt Nam lúc này phần nào đang phục hồi nhờ bệ đỡ từ tương lai.