Tan rã một cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu
Sự ra đời của Viện Mỹ thuật năm 1962 cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với vị Viện trưởng và Giám đốc đầu tiên là họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung đã đặt nền móng xây dựng nền lý luận phê bình mỹ thuật nước nhà.
Thế hệ nhân sự đầu tiên của Viện là một số sinh viên tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Ngữ văn của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường đại học Sư phạm Hà Nội, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung, đã đạt nhiều thành công bước đầu trong nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam. Kết quả lớn nhất của họ chính là hệ thống trưng bày và thông tin giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền sử đến hiện đại, đưa vào sử dụng từ năm 1966. Theo thời gian, nhiều người thuộc thế hệ này trở thành tác giả của các công trình nghiên cứu phê bình mỹ thuật trong nước từ cổ đến kim, cung cấp những nhận định, đánh giá khoa học, tôn vinh giá trị của mỹ thuật dân tộc, như Trần Lâm Biền, Nguyễn Bích, Nguyễn Du Chi, Chu Quang Trứ, Trần Thức, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Đỗ Bảo, Thái Bá Vân... Kể từ đó, vai trò của lý luận phê bình và sáng tác mỹ thuật đã trở thành người bạn, đồng hành cùng người sáng tạo và công chúng thưởng ngoạn.
Năm 1995, Viện Mỹ thuật trở thành đơn vị trực thuộc Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam). Vai trò của Viện tiếp tục được nhà trường khẳng định: "Là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đã xuất bản nhiều công trình sách chuyên khảo quan trọng, đặc san, tạp chí về lý luận, phê bình và lịch sử mỹ thuật; tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên ngành và liên ngành".
Nhưng hiện nay, từ một cơ quan nghiên cứu lớn, qua nhiều phiên tách, nhập, Viện Mỹ thuật chỉ còn lại năm nhân sự và một nhân viên hợp đồng, phục vụ cho tất cả các chuyên ngành mỹ thuật hiện đại, mỹ thuật cổ, mỹ thuật ứng dụng... Cả một thư viện lớn của Viện với rất nhiều sách, tài liệu, tư liệu cổ quan trọng, trong đó có kết quả từ biết bao chuyến điền dã nghiên cứu mỹ thuật dân tộc của các thế hệ cán bộ nghiên cứu có vẻ như dần bị quên lãng. Đây là một sự lãng phí tài nguyên khoa học.
Trước mối lo thu nhập không bảo đảm cuộc sống thường nhật cùng nhiều vấn đề khách quan nảy sinh trong quá trình biến động nhân sự của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2012 đến nay, nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện đã chuyển công tác. Số lượng nghiên cứu viên giảm mạnh, từ 35 xuống 6, khiến Viện, trong mấy năm qua, không đủ chỉ tiêu nhân sự theo quy định dành cho một đơn vị ban, ngành, trung tâm trực thuộc. Một số dự án xuất bản, hội thảo khoa học do Viện chuẩn bị nhiều năm nhưng chưa có cơ hội được triển khai. Đề án sáp nhập Viện Mỹ thuật vào các phòng, ban khác trong Trường đang được thực hiện, nói cách khác là giải thể Viện.
Ðánh mất dần vị thế?
Cho đến nay, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam vẫn là nơi duy nhất có khoa đào tạo riêng dành cho nghiên cứu, lý luận và phê bình mỹ thuật, trong khi ở các trường đại học khác, kể cả Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cũng chỉ dừng lại ở mức một ngành, phân môn và thuộc vào một khoa đào tạo nhất định. Việc thành lập Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật (năm 1978) của nhà trường cho thấy, chuyên ngành lý luận-phê bình mỹ thuật đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam.
Nhưng nhìn theo thời gian, khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng sinh viên của Khoa ngày một giảm dần và nhiều người không theo học hết khóa. Có những khóa học mà đến ngày tốt nghiệp, chỉ còn một sinh viên. Hiển nhiên không phải ai theo học ngành này cũng sớm trở thành một nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình mỹ thuật. Nhưng quá trình đào tạo bài bản tại môi trường đại học chắc chắn đem lại cho người học nhiều kiến thức để có thể vận dụng vào nhiều công việc trong thị trường đầy tiềm năng này ở nước ta, như giám tuyển, quản lý phòng tranh, truyền thông về mỹ thuật…
Thực tế cho thấy, thông qua xuất bản và các kênh truyền thông, đội ngũ người viết đóng góp vai trò quan trọng trong việc đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng. Số lượng công trình nghiên cứu, đàm luận, dịch thuật được xuất bản, các bài viết trên báo chí, chương trình truyền hình của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình trong nước đã và đang tăng lên đáng kể. Nhiều người sáng tác, sưu tập nghệ thuật nghiêm túc được khuyến khích và truyền cảm hứng từ những công trình mang giá trị học thuật ấy.
Nhưng vẫn không khó để nhận ra khoảng trống thế hệ các nhà nghiên cứu, phê bình có "con mắt xanh", có sự đánh giá khoa học và khách quan về một hiện tượng, vấn đề, giai đoạn mỹ thuật cụ thể mà Viện Mỹ thuật đã từng đi đầu với các công trình, như Mỹ thuật Lý, Trần, Lê sơ, Hoa văn Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Để thấy rằng, môi trường nghiên cứu học thuật nghiêm cẩn là rất quan trọng đối với một lĩnh vực đặc thù như mỹ thuật và thật sự là một mất mát lớn đối với tương lai nền mỹ thuật nước nhà, một khi môi trường nghiên cứu ấy bị biến mất.