Bỗng có một mùi hương níu bước chân, kẻ phiêu lãng bừng tỉnh. Ngẩng đầu lên, và ngay trước mặt gã là biển hiệu Cà phê thưởng Trầm của công ty Trầm Hương Khánh Hòa. Kẻ ham hố sông dài biển rộng bước vào và gọi một ly cà-phê đen nóng.
Quán Cà phê thưởng Trầm của công ty Trầm Hương Khánh Hòa nằm bên đường Trần Phú. Biển Nha Trang rì rầm sóng vỗ, sóng biển không thôi kể chuyện với nắng, với gió và với ngan ngát trầm hương. Căn phòng rộng, thoáng đãng được bài trí đẹp với những sản phẩm làm từ trầm, tinh xảo và bắt mắt. Những cây trầm to, có cây một vòng tay, có cây hai ba vòng người ôm, cao lừng lững hàng bốn, năm mét cũng được bày ở đây. Có cảm giác hồn thiêng của đại ngàn hùng vĩ hiện về. Một bức mặt trống đồng tròn to, chạm khắc kỳ công đặt ở giữa, làm tôn vẻ sang trọng của căn phòng. Trên những dãy bàn dài, các lò đốt trầm đang lặng lẽ tỏa hương…
Cô phục vụ duyên dáng bưng cho tôi ly cà-phê. Cô đi nhẹ, như sợ tiếng động sẽ làm tan loãng cái không gian kỳ ảo này. Tôi nhấp một ngụm, ngửa cổ ra sau hít một hơi căng lồng ngực, và…
... Ðêm Ba mươi Tết, bà nội bê một mâm cỗ để lên thành bể nước mưa. Bà lên hương, những nén hương trầm quý giá bà để dành chỉ thắp cho ba ngày Tết. Bà gọi, Cu Em đâu, cái Thảo đâu, bố mẹ chúng mày đâu ra đứng cả đây nào!
Cu Em giành đứng gần bà nhất. Bà khấn những gì Cu Em không nhớ được. Khi khấn xong, bà bảo, nào, ngẩng mặt hết cả lên mà xem trời đất giao hòa. Nào, nhắm mắt lại, có thấy gì không, đấy, đất trời đang gặp nhau đấy…
Nhưng Cu Em thật tình không thấy gì. Chỉ có sự thành kính và mùi trầm thơm là nó cảm nhận được rõ nhất. Mùi thơm làm sáng lung linh đêm Ba mươi. Mùi thơm như sinh ra trong thời khắc gặp gỡ đất trời, lòng người cảm động. Mùi thơm làm cái Tết lặng lẽ khắc vào ký ức sự linh thiêng khác biệt mà suốt đời nó không bao giờ quên được...
Một cái Tết khác, Cu Em đã lớn thêm độ gang tay. Chưa phải đêm Ba mươi, nó hẹn cái Tý vờ như một gia đình đón Tết. Ở chỗ hẹn bí mật, cái Tý đang dệt vải bằng sợi tơ chuối. Nó rất khéo tay, những sợi tơ của nó mảnh mà không bị đứt. Cu Em thì bắt tay nặn một quả pháo đất. Cu Em khum lòng bàn tay để làm cữ cho quả pháo. Quả pháo muốn nổ to thì đất không được nhão, lòng quả pháo phải sâu và mỏng. Cái Tý bảo, đợi "Giao thừa" hãy nổ pháo. Cu Em bỗng nhớ ra, bảo, cũng phải đốt hương trầm chứ. Cu Em ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Cu Em biết chỗ bà cất hương trầm. Cu Em chỉ dám lấy một que hương.
- Ðằng ấy cứ dệt vải đi, để tớ làm một cái bệ đã.
Cu Em véo từ cục đất sét một cục to bằng nắm tay đập đập nặn nặn. Xong rồi, Cu Em trịnh trọng cắm lên que hương. Giao thừa (ấy là cái phút hai đứa giả định) cái Tý ngừng dệt vải, cùng Cu Em châm lửa đốt. Khói lên và hương trầm thơm tỏa. Ðôi lòng trẻ lâng lâng. Cu Em trịnh trọng cầm cái pháo đất giơ cao rồi đập xuống. Tiếng pháo đanh và gọn. Có vẻ như hương trầm làm quả pháo nổ to hơn, và tiếng pháo làm hương trầm thơm hơn. "Giao thừa" bỗng trở nên huyền diệu và cũng đầy bí mật. Chúng nhìn vào mắt nhau, long lanh một tình yêu trẻ thơ trong suốt, thuần khiết và ngập tràn hạnh phúc… Tiếng pháo đã về trời hay chui xuống đất không biết nữa. Chỉ còn mùi trầm phảng phất và cái không khí thành kính mà ngây ngô; giả trò mà thật hơn mọi cái thật, khi mồn một, khi không hình, không nét, thảng thốt suốt cuộc đời Cu Em…
- Chú, chú có sao không ạ?
Tôi giật mình, ngơ ngác, nói một câu chẳng đâu vào đâu:
- Chú… À cho chú một ly nữa được không?
- Có phải chú đang mơ không? Chú đang mơ về quá khứ hay ngày mai?
- Sao cháu biết?
- Ấy là mùi trầm chú ạ…
- Ừ đúng rồi, mùi hương trầm, mùi hương đánh thức quá khứ, mùi hương đánh thức thế giới của những giấc mơ… cảm ơn cháu, hẳn bà chủ của cháu là người đàn bà xinh đẹp và tinh tế. Cho chú gửi lời cảm ơn bà chủ nhé.
- Không phải bà chủ đâu mà là ông chủ ạ. Chú ngồi thêm lúc nữa chú ấy sẽ về.
- Thế à, ông chủ, ừ, mà thôi, chú sẽ quay trở lại.
Tôi sải những bước chân dài trên bãi biển, huýt sáo một bài ca vui nhộn. Nha Trang biển lộng lẫy, êm đềm, đầy cảm hứng. Tôi đã lấy lại sự tự tin của một gã đàn ông giang hồ, dù chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà. Gã nhớ tới những cái Tết tuổi thơ. Gã lại lan man về chim yến, loài chim bé nhỏ đã đạt đến cấp độ dâng hiến thì nó sẽ không còn quan tâm đến sự đau đớn giằng xé thể xác. Ðó chỉ là khái niệm con người tự đặt ra, cũng giống như các luật lệ con người tự đặt ra để trói buộc mình. Rồi thì ai theo cứ theo, ai tuột ra cứ tuột, mỗi người lại có những lý do đầy xác tín. Trong vũ trụ bao la này, đâu phải chỉ Con mới có linh hồn, Cây cũng có linh hồn chứ. Giữa đại ngàn có một loài cây mà mãnh thú thường đến cọ lưng. Mãnh thú quần nhau. Mưa gầm gió giật. Cây bị thương tích, từ chỗ vết thương sinh ra một loại nấm ký sinh. Rồi bắt đầu một sự luân chuyển kỳ diệu. Những tế bào gỗ không còn là những tế bào gỗ bình thường nữa, nó hút tất cả những tinh túy của đất trời để chưng cất thành một mùi hương. Rồi cây âm thầm chết - chết để ban tặng cho đời một Báu vật linh thiêng! Ðó là cây dó, là Trầm hương!
Rời khỏi Cà phê thưởng Trầm của Công ty Trầm Hương Khánh Hòa, tôi sải bước chân về phía những ý nghĩ của sự dâng hiến đang chờ đợi mà không cần
sự đền đáp nào. Bất chợt tôi dừng bước, ngoái lại phía sau, giơ tay chào Cà phê thưởng Trầm. Bà tôi, cô bạn nhỏ của tuổi thơ tôi đã ở đó hay đang phía trước? Ðang trong tôi? Tôi không biết. Chỉ còn lại một mùi hương…