Sự đứt gãy, mai một đáng báo động

|

Sân khấu nói chung đang rất trầm lắng, nghệ thuật truyền thống lại càng gặp nhiều khủng hoảng, nhất là với công tác đào tạo nhân lực cho kịch hát truyền thống vốn có nhiều đặc thù riêng. Với thực trạng hiện nay, đây cũng là khâu đầu tiên dẫn tới tình trạng tuồng, chèo có nguy cơ mai một vốn cổ.

Nhiều vấn đề từ tuyển sinh cho tới quá trình đào tạo

Ngay ở ngôi trường đại học đào tạo nghệ sĩ lớn nhất cả nước, Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, rất nhiều năm nay không thể tuyển sinh trực tiếp hai ngành tuồng, chèo vì có rất ít thí sinh tới dự tuyển. Vậy nên, đã nhiều khóa được tiến hành theo mô hình đơn vị nghệ thuật tuyển sinh và kết hợp với trường để đào tạo cử nhân diễn viên cho tuồng, chèo. Số sinh viên này lại ít nhiều hạn chế về kiến thức văn hóa, thêm tâm lý chủ yếu muốn thoát ly lao động nhà nông chứ không phải vì tình yêu thật sự với nghệ thuật. Số tuyển vào được vốn đã ít hơn chỉ tiêu, quá trình học, gặp phải những khó khăn trong rèn luyện, nhiều em không theo được, lại tiếp tục bỏ. Thêm vào đó, đầu ra cũng không mấy thuyết phục càng khiến người học nản lòng.

Dẫu vậy, những khóa đào tạo theo mô hình kết hợp giữa Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, số sinh viên ra trường vẫn có được đầu ra tương đối ổn định. Với các em theo học ở các trường nghệ thuật địa phương thì càng khó có khả năng tham gia hoạt động ở các trung tâm lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Nghĩa là cái khó ở vùng miền, địa phương còn thêm một mức nữa so với những khó khăn thường thấy của ngành. Vì vậy, đào tạo dăm khóa, được chừng ba bốn chục em, lúc vào nghề chỉ còn được trên dưới chục em đã thành chuyện… bình thường. Đó là chưa kể, gian khổ, khắc nghiệt trong luyện tập là thế, thành nghề rồi cũng còn lắm nỗi truân chuyên, còn phải liên tục học hỏi. Hơn hết, diễn viên sân khấu truyền thống cần đến tình yêu, sự đam mê đến quên mình cho nghệ thuật. Số giờ tập luyện chuyên ngành kịch hát hiện nay theo chương trình đào tạo quy định thì chưa đủ để các em có được sự tinh luyện đến thuần thục với những đòi hỏi về tính mẫu mực của thể loại. Trong khi, có một số sinh viên rất khá về nghề nhưng lại không đạt tiêu chuẩn về kiến thức văn hóa. Điều này cũng lại trở thành rào cản cho công tác đào tạo.

Bất cập trong quy định

Đáng báo động hơn khi một số nhà nghiên cứu đã lên tiếng về nguy cơ đứt đoạn với truyền thống, khi các diễn viên kịch hát dân tộc như diễn viên tuồng không còn biết cách để đọc bản cổ nhạc theo hệ thống hò-xự - xang... mà chỉ biết đọc theo hệ thống thang âm đồ rê mí... hay các nghệ sĩ chèo hiện nay rất ít người thuộc hết các làn điệu chèo cổ. Đáng tiếc nhất là, việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức đã dẫn tới sự lệch chuẩn trong đánh giá các giọng hát chèo. Nhiều giọng hát chèo của các diễn viên ngày nay không còn cái duyên của chèo cổ, nhưng dần dà lại được công nhận là "mới", là thể hiện được sự phát triển theo hướng tất yếu của thời đại. Chẳng hạn như kỹ thuật rung giọng thì được các diễn viên trẻ thực hiện như hát nhạc mới, trong khi kỹ thuật hát nảy hạt ở chèo không còn dấu vết. Nhiều diễn viên thường nhân danh tiết tấu thời đại, bắt nhịp với nhu cầu hiện đại để bỏ qua nét ứ hự đáng yêu của chèo, hát nhanh hơn nhiều so với cổ truyền. Trong khi đó, theo các nghệ sĩ lão thành của ngành, việc hát chậm, hát đúng với cổ truyền là rất khó bởi người hát phải có thực tài và có sự luyện tập đến mức điêu luyện mới có thể thực hiện được những kỹ thuật láy, nảy, rung, ngắt, nhả chữ... của kỹ thuật thanh nhạc cổ truyền.

Nhiều kỹ thuật biểu diễn rất khó, rất tinh tế của tuồng cổ như kỹ thuật đi hia cong đã gần như bị thất truyền khi thế hệ các nghệ sĩ tài danh một thời như Hoàng Hiệp Tắc, Vũ Văn An, Nguyễn Ba Tuyên, Đoàn Thị Ngà, Nguyễn Đắc Nhã, Đinh Bằng Phi... đã về với tiên tổ. Với chèo, tình hình cũng không khả quan hơn, khi lối diễn mẫu mực ở những vở chèo cổ mà thế hệ lớp nghệ nhân lão thành như các cụ Trùm Thịnh, Cả Tam, Năm Ngũ, Lý Mầm, Hề Phẩm, Kép Tích... từng thực hiện gần như không còn khả năng phục hồi.

Cố Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng từng nhận xét, các diễn viên trẻ ngày nay ít có sự tự hào về nghề, chưa tôn trọng chính nghề mình lựa chọn dấn thân. Các em vừa ngại khó, vừa có phần không thật sự coi trọng lối hát cổ, kinh điển và mẫu mực- cách hát phải dùng đến cụm từ "thổ tận can tràng". Vừa khó, lại vừa tự nhủ rằng, hát vậy không còn được người nghe yêu thích, thế nên tự thân đội ngũ diễn viên đã làm mất đi cái tinh túy của nghề.

Những quy định đối với đội ngũ giảng viên kịch hát dân tộc cũng có nhiều điểm bất cập. Để đúng chuẩn được đứng lớp phải là người có bằng đại học hoặc phải là nghệ sĩ ưu tú trong ngành đang làm khó các đơn vị đào tạo khi tìm giảng viên. Ngay như đáp ứng đủ điều kiện đó thì không ít giảng viên gặp phải vấn đề nếu giỏi nghề thì thiếu trình độ sư phạm, do đó tất yếu đòi hỏi họ phải qua những khóa đào tạo về nghiệp vụ giảng dạy. Chưa kể, do đặc thù riêng, việc đòi hỏi chuẩn hóa giảng viên dạy diễn viên kịch hát là cực khó khăn khi mà phương pháp đào tạo hiệu quả trong lĩnh vực này vẫn là truyền nghề theo cách bắt tay chỉ ngón. Truyền nghề được coi là cách tốt nhất để bảo tồn bởi nghệ thuật biểu diễn nằm ngay trong bản thân mỗi diễn viên. Tuy nhiên, phương pháp truyền nghề cũng là chỗ yếu khi thật khó lòng chuẩn hóa nó, bởi mỗi diễn viên luôn mang đầy đủ yếu tố cá nhân khi tiếp nhận cũng như sáng tạo vai diễn và cũng tạo nên "thiên hình vạn trạng" cách truyền nghề. Khi đó, giáo trình, giáo án sẽ chỉ là cái khung, để trên cơ sở đó, các giảng viên vận dụng tùy theo cách của mỗi cá nhân.

Không có được một chế độ đào tạo khá bài bản như ngày nay, mà ông cha chúng ta vẫn lưu giữ và truyền dạy các bộ môn nghệ thuật kịch hát suốt mấy trăm năm. Bởi vậy, cơ quan chức năng và các cơ sở đào tạo cần sớm nghiên cứu những giải pháp thích hợp, để ngành đào tạo diễn viên kịch hát truyền thống sẽ luôn có lớp kế thừa đủ điều kiện đạt tới yêu cầu thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần như lớp nghệ nhân xưa.