CHUYỂN đổi số là mục tiêu và trọng tâm theo đuổi trong định hướng hoạt động của tất cả các ngân hàng những năm gần đây. Chuyển đổi số càng sâu, lượng dữ liệu được thu thập, lưu trữ và phân tích càng lớn. Do đó, công tác quản trị dữ liệu được xem như nền tảng cơ sở để các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, nhiều ngân hàng đã quan tâm, coi trọng việc xây dựng và quản trị dữ liệu, nhằm tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Theo số liệu khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2021, khoảng 70% các ngân hàng sở hữu kho dữ liệu tập trung (data warehouse), khoảng 50% số ngân hàng xây dựng các hồ dữ liệu (data lake), khoảng 70% số ngân hàng ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro...
"Với phương châm mọi hoạt động của ngân hàng đều dựa trên sự am hiểu khách hàng, chúng tôi đã phối hợp cùng những đối tác như Amazon Web Services để triển khai xây dựng và khai thác hồ dữ liệu. Đồng thời, ngân hàng cũng là một trong những đơn vị tiên phong cập nhật dữ liệu lên Cloud để tổng hợp và phân tích một cách toàn diện nhất, giúp đưa ra các quyết định kinh doanh kịp thời", ông Hoàng Trọng Hiếu, Giám đốc cao cấp phát triển kinh doanh-Khối Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2023.
Hồ dữ liệu giúp đẩy mạnh năng lực phân tích dữ liệu, qua đó nắm rõ chân dung và nhu cầu khách hàng, nhằm đề xuất giá trị và trải nghiệm riêng biệt. Hay trong quản trị sử dụng vốn, điểm mạnh của hồ dữ liệu nằm ở khả năng dự báo các phần tăng trưởng cho vay hằng tuần, hằng tháng để khớp với phần huy động nguồn vốn, qua đó bảo đảm duy trì tỷ lệ dư thừa vốn đến mức tối thiểu, tối ưu hóa nguồn vốn và nâng cao được hiệu quả lãi biên (NIM).
VỚI việc dữ liệu được thu thập và quản trị hiệu quả, công cuộc chuyển đổi số sẽ bước sang giai đoạn mới là tự động hóa. Trước đây, con người phải tự nhập dữ liệu cho máy móc, giờ đây máy móc đã có khả năng tự động thu thập và xử lý dữ liệu theo thời gian thật.
Các ngân hàng có rất nhiều quy trình hành chính nội bộ có thể được hỗ trợ bởi tự động hóa quy trình bằng robot (RPA). Điển hình như các quy trình tự động liên quan đến việc đối chiếu dữ liệu, xác nhận và lưu trữ các giao dịch liên ngân hàng và các quy trình liên quan kiểm soát nội bộ của ngân hàng. Đây hầu hết là các quy trình lặp đi lặp lại, tốn thời gian và tạo ra ít giá trị. Loại bỏ các công việc thủ công này giúp giải phóng thời gian của nhân viên để họ xử lý những công việc có ý nghĩa và giá trị hơn.
Tự động hóa cải thiện chất lượng và tốc độ quy trình vì robot hoạt động không ngừng nghỉ 24/7 và không mắc phải nhầm lẫn như con người. Trong trường hợp xảy ra bất thường, các lỗi có thể được phát hiện nhanh hơn vì robot có khả năng kiểm tra lượng lớn dữ liệu hằng ngày, điều vốn không thể thực hiện thủ công. Với các quy trình bên ngoài như dịch vụ chăm sóc khách hàng, robot sẽ được sử dụng như một trợ lý ảo với khả năng kiểm tra và truy xuất rất nhanh dữ liệu khách hàng, từ đó phản hồi nhanh hơn các yêu cầu được đưa ra.
THEO thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu trên thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng đạt 40% về thanh toán số trong vòng ba, bốn năm qua. Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
Không những vậy, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với C06-Bộ Công an đối soát 25 triệu hồ sơ khách hàng trong Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia và tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và sử dụng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp ngành ngân hàng ứng dụng, triển khai cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng, xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số. Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu sẽ giúp các tổ chức tín dụng nhanh chóng xác minh nhân thân khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ nhằm đẩy nhanh thủ tục cho vay, đồng thời góp phần giảm tín dụng đen.
Một số giải pháp nổi bật đã triển khai như cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
Trong thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng các giải pháp để hoàn thiện dữ liệu số ngành ngân hàng cũng như tăng cường kết nối dữ liệu giữa ngành ngân hàng với các lĩnh vực khác, đồng thời đẩy mạnh khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, thúc đẩy quá trình số hóa ngân hàng, góp phần phát triển kinh tế số, Chính phủ số.