- Hồi sinh viên, ông từng được trường Đại học Los Banos (Phi-li-pin) bình chọn là “Sinh viên xuất sắc nhất”, lại đã lấy bằng Thạc sĩ tại Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), cánh cửa tương lai tại nước ngoài khá rộng mở, vậy tại sao ông lại quyết định trở về đất nước, khi đó đang chiến tranh, chỉ để làm một giảng viên đứng lớp bình thường, và nhiều khả năng sẽ bị bắt lính (lính ngụy)?
- Tôi nhớ ngày đó từng có tám cán bộ nông nghiệp thuộc Nha Khuyến nông (Bộ Canh nông) sang IRRI học chuyên sâu về giống lúa cao sản. Thầy Nguyễn Duy Xuân - Viện trưởng Viện đại học Cần Thơ biết tới tôi là nhờ những cán bộ này. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, thầy đã trực tiếp viết thư cho tôi, giản dị, hàm súc thế này: “Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa có ai chuyên về lúa. Nếu anh về làm việc ở Viện đại học chắc chắn sẽ giúp ích cho quê hương nhiều hơn. Chiến tranh mãi rồi sẽ tới ngày hòa bình, cái ăn sẽ được ưu tiên hàng đầu, Việt Nam đang rất cần những người như anh”. Bà xã tôi lo lắng, “đang chiến tranh loạn lạc, về mà bị bắt lính (ngụy) thì mai một cả cuộc đời”. Cũng thầy Xuân lại gửi thư sang, với lời hứa sẽ can thiệp cho tôi hoãn quân dịch. Thú thật, tôi chẳng mấy tin thầy có thể làm được điều đó nhưng vẫn quyết tâm hồi hương. Tôi luôn canh cánh tâm trạng của đứa con đã xa quê cả chục năm, nghĩ tới ông bà cha mẹ thấy mình như đang mắc lỗi. Vậy là, cả gia đình khăn gói về Việt Nam, với một quyết tâm sẽ cố gắng “nhân mình ra thật nhiều cho xứ sở”. Nhìn lại bao thế hệ sinh viên chuyên ngành cây lúa đã ra trường và đang từng ngày đóng góp sức mình cho sự lớn mạnh của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, tôi nghĩ cái cố gắng “nhân mình ra” ấy, đến giờ đã đạt được những kết quả khả quan.
- Có nghĩa nếu không có con mắt xanh của thầy Nguyễn Duy Xuân thì đất chín rồng chẳng thể sở hữu một “Tiến sĩ lúa gạo” Võ Tòng Xuân của hôm nay. Có phải nhận thức sâu sắc điều này nên trong suốt thời gian dài của đời mình ông cố gắng bằng mọi cách để thu hút du học sinh về lại quê hương?
- Do đặc thù công việc, tôi được tới nhiều miền đất, nhiều quốc gia, gặp gỡ và trò chuyện với nhiều du học sinh Việt Nam đang sống và học tập. Cộng thêm kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân, tôi biết các bạn trẻ luôn mong muốn được trở về, để có cơ hội làm việc, cống hiến cho sự phồn thịnh của quê hương mình. Nhưng thuyết phục họ không dễ. Bởi ước mơ thì đẹp nhưng để làm được, họ phải đứng trước quá nhiều bài toán lựa chọn. Môi trường làm việc chuyên nghiệp, thuận lợi, nhiều cơ hội thăng tiến và phát triển sự nghiệp tại các cường quốc kinh tế nơi họ chọn du học luôn tỏa ra một lực hút khó cưỡng. Người muốn về nước lại băn khoăn không biết liệu có thể đóng góp được gì. Đã thế, chế độ đãi ngộ và sử dụng nguồn chất xám quý báu này của các đơn vị trong nước hiện vẫn còn nhiều bất cập. Cộng thêm, nhiều bậc phụ huynh cũng không muốn con về nước, trong khi đáng lẽ họ phải là người trực tiếp thổi bùng ngọn lửa niềm tin vào tương lai dân tộc cho con cái mình.
- Vậy, cách mà ông đã thuyết phục họ thế nào?
- Người trẻ khi đã xuất ngoại đều nhận thấy một thực tế buồn là non sông gấm vóc, đẹp giàu là thế, con người Việt Nam giỏi giang, cần cù là thế mà sao đất nước vẫn nghèo, người dân vẫn chưa được ấm no? Và họ, nếu mang trong lồng ngực một trái tim nóng bỏng, sẽ thấy thôi thúc phải làm một điều gì đó cho xứ sở. Một bạn trẻ đã gửi thư tâm sự với tôi thế này: “Đọc được những lời tâm huyết mà thầy chia sẻ với báo giới, lòng con lẫn lộn những cảm xúc khó tả. Ba mẹ con cũng là những sinh viên được sự hướng dẫn tận tình của thầy trong những năm tháng đất nước chuyển mình. Về quê hương là tâm huyết của con cùng tất cả những người bạn cùng quê An Giang. Tụi con đang học ở SungKyunKwan University, đông lắm. Cơ hội mở ra không thiếu, nhưng nếu có thể, tụi con vẫn muốn về”. Bí quyết của tôi là phải mở sẵn những cánh cửa, phải luôn dành sẵn một chỗ đón họ trở về. Những trái tim nóng như thế mà gặp phải “cục nước đá” dửng dưng, vô cảm thì sẽ tan chảy hết, uổng phí lắm. Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng tôi luôn tâm nguyện một điều, rằng còn sống ngày nào, tôi sẽ dốc toàn tâm toàn lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho mảnh đất chín rồng ngày đó.
- “Mở sẵn cánh cửa”cho du học sinh quay về - nói dễ, làm khó, cụ thể ông đã phải làm gì cho họ?
- Xin được kể bạn nghe vài câu chuyện cũ. Ngày còn ở Viện đại học Cần Thơ, chúng tôi đã “chọn mặt gửi vàng” và cử nhiều sinh viên đi du học. Hầu hết các em sau đó, vì cảm tấm thịnh tình của nhà trường, đều đã chọn quay về. Với trường hợp đã có học bổng nhưng mắc mớ chút xíu ở phần lý lịch, tôi trực tiếp lên gặp Giám đốc Công an tỉnh. Biết tôi đứng ra bảo lãnh cho học trò bằng chính uy tín của mình, đồng chí gật đầu: “Tôi tin anh, cho cậu ấy đi thôi”.
Mới cách đây vài năm, tôi tình cờ gặp bạn Dương Quang Minh, vốn rất giỏi về công nghệ thông tin. Biết Minh đang ấp ủ giấc mơ xây dựng mô hình lớp học và thư viện điện tử, tôi nhận thấy ĐH An Giang nơi tôi đang là hiệu trưởng rất thích hợp cho ý tưởng ấy. Tôi mời Minh về, ban đầu xuất tiền túi rồi sau đó vận động Dupont tài trợ cho dự án. Đáp lại, Minh làm việc hiệu quả tới mức ĐH An Giang đã trở thành ngoại lệ, khi được tổ chức này hỗ trợ liên tiếp hai năm liền. Cũng chính Minh, sau đó đã thuyết phục Công ty Điện đạm Phú Mỹ hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống thư viện wireless (sử dụng laptop và mạng không dây trong khuôn viên) và phòng thí nghiệm về phân bón cho trường.
Lần tới Học viện Công nghệ Á Châu (AIT), tôi được đồng nghiệp giới thiệu cho một sinh viên nổi trội. Hỏi ra mới biết đó là Khánh, quê An Giang, vốn rất giỏi về xử lý môi trường nước. Tôi thuyết phục Khánh về, nỗ lực tìm dự án cho em làm. Biết một trường đại học ở Nhật Bản đang có chương trình kết nối các quốc gia thuộc tiểu vùng Mê Công, tôi vận động để An Giang gia nhập và giao việc cho Khánh. Cậu ấy vừa làm vừa tiếp tục trau dồi kiến thức cùng các chuyên gia nước bạn và sau đó đã hoàn thành một dự án quy mô về cải tạo môi trường nước vùng hạ lưu sông Mê Công.
Cô con gái một cán bộ ngành thuế ở An Giang (học đại học tại Mỹ và lấy bằng thạc sĩ tại Anh về một chuyên ngành rất hẹp của xác suất thống kê) có gọi điện nhờ tôi kiếm giúp một chỗ làm thích hợp khi trở về. Tôi tìm ra một đơn vị bảo hiểm, nơi kiến thức của cô được sử dụng đắc địa để dự báo thiên tai, xác định tần suất bão lụt để từ đó tư vấn cho người dân mua bảo hiểm sinh mạng lẫn bảo hiểm nông nghiệp hiệu quả. Để mở cánh cửa thu hút nhân tài, một mình tôi không thể kham hết. Nhưng tôi có thể kêu gọi từ nhiều nguồn khác, như kinh phí của tỉnh, sự hỗ trợ nhiệt tình của các doanh nghiệp. Sinh viên trẻ luôn phải khởi nghiệp từ con số không. Nhưng nếu có thêm sự bảo đảm của tôi, các tổ chức sẽ có niềm tin và sẵn sàng giúp đỡ.
- Có thể hiểu, tìm cho họ một nơi làm việc thích hợp với ngành nghề đã học chính là động lực lớn nhất giúp thu hút người tài trở về, thưa ông?
- Chính xác. Theo quan điểm của tôi, để sử dụng được nguồn nhân lực trí thức chất lượng cao, chế độ lương bổng - tuy rất hấp dẫn nhưng không thể so sánh với việc được nhìn nhận và đánh giá đúng năng lực, được tạo điều kiện thuận lợi nhất để làm việc. Việc đó không dễ nhưng hoàn toàn khả thi, nếu những người lãnh đạo biết mở lòng. Phải đặt họ vào vị trí thích hợp rồi tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người trẻ phát triển tài năng và sử dụng hiệu quả kiến thức tích lũy suốt những năm du học. Không nên dè chừng, ghen tỵ và nhìn họ như những cá nhân tiềm ẩn nguy cơ sẽ chiếm vị trí của mình nay mai. Được như thế, họ sẽ mang hết sức lực cống hiến cho đất nước, để nói như bạn sinh viên từng viết thư cho tôi kể trên: “Con hy vọng với kinh nghiệm của thế hệ trước, sức trẻ của thế hệ sau, chúng ta sẽ dần tiếp thu và xây dựng nền công nghệ mới. Để người dân Việt Nam khi ra nước ngoài có thể ngẩng cao đầu tự hào: Chúng tôi đến từ một đất nước phát triển và giàu có”.
- Xin trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!
----------------------------
* Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân
Sinh năm 1940 tại Ba Chúc - An Giang, ông đã có nhiều năm gắn bó với Viện đại học Cần Thơ, Trường đại học An Giang và hiện là Hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo. Với giới khoa học quốc tế, ông được yêu mến gọi bằng biệt danh “Tiến sĩ lúa gạo” (Dr. Rice).
Ông là nhà khoa học nổi tiếng, từng được nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới trao tặng những phần thưởng cao quý như: Giải thưởng Derek Tribe (Ô-xtrây-li-a) về khoa học kỹ thuật 2005; Giải thưởng Nikkei châu Á 2002 về Tăng trưởng vùng; Giải thưởng Ramon Magsaysay (1993) về “Phục vụ Nhà nước”; Bằng Tưởng lệ của Thủ tướng Ca-na-đa (1995) nhờ đã “Phụng sự và đóng góp vào sự phát triển của khoa học thế giới”; Huy chương “Kỵ mã Nông nghiệp” của Bộ Nông-Lâm- Thủy sản Pháp (1996); Giải “Cựu sinh viên xuất sắc nhất” của Đại học Los Banos tại Phi-li-pin (2001)...
Năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo nông nghiệp Đông-Nam Á (SEARCA) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ quốc gia Phi-li-pin (NAST) đã trao “Giải thưởng Dioscoro L. Umali” cho ông bởi “thành tích vượt trội trong nỗ lực góp phần đưa Việt Nam từ nước thiếu đói vươn lên nhóm dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu gạo, cũng như trợ giúp chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới về chính sách và kỹ thuật phát triển nông nghiệp bền vững”.