Startup có duyên thi thố
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung, giảng viên Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chủ nhân của sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học NanoNeem đình đám đã mang về "bộ sưu tập" giải thưởng lớn, nhỏ. Trên hầu hết diễn đàn cũng như các cuộc so tài, Hồng Nhung luôn bộc lộ sự sắc sảo, quyết liệt, khác hẳn ngoài đời, khi tiếp xúc với bà con nông dân, cô hiền khô, hơi có phần nhút nhát đúng chất một cô gái trẻ hơi thiên về sách vở...
Chỉ trong mấy tháng cuối năm, tại các cuộc thi trong và ngoài nước, NanoNeem đã gặt hái được nhiều giải thưởng quan trọng: Giải Nhì Techfest (Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì), giải Nhất Cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu Hack4growth với sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và giải Nhất Social Business Creation (Đại học HEC, Canada) sau khi vượt qua 265 đội đến từ 80 trường đại học của 24 quốc gia để nhận số tiền giải thưởng 30.000 đô-la Canada (tương đương khoảng hơn 500 triệu đồng). Trước đó, khi tham dự Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 tổ chức ở Hà Nội do Trung ương Đoàn phát động, Hồng Nhung cũng mang sản phẩm của mình đến giới thiệu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thế cho nên, bạn bè cô vẫn nói đùa rằng, NanoNeem là startup chuyên thi thố!
Thật ra trước đó dự án Pepper Revolution của cô cũng hấp dẫn nhà đầu tư không kém. Đó là ý tưởng tập trung vào các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao từ cây hồ tiêu. Dự án đoạt giải Nhất IU Startup Demo Day (Đại học Quốc tế), giải Ba Ý tưởng đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức... nhằm khuyến khích các ý tưởng kinh doanh mang tính đột phá và lan tỏa, tạo tác động xã hội tích cực.
Năm 2022, cô và cộng sự tập trung vào phát triển sản phẩm, để những dự án thật sự đi vào cuộc sống, đóng góp cho xã hội. Cô quả quyết: Năm tới tôi dự kiến, khách hàng tìm đến NanoNeem sẽ tăng lên đáng kể, bởi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành, xã hội có xu hướng tìm kiếm, lựa chọn lối sống xanh sạch, thuận tự nhiên. Người dân đã đến lúc ý thức rõ, trở về với tự nhiên, sống thuận tự nhiên mới là phát triển bền vững.
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ: "Cuộc thi diễn ra vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng cho nên Việt Nam tham dự bằng hình thức trực tuyến trong khi hầu hết các đội đều thi tập trung. Đó là điều cực kỳ bất lợi. Những gương mặt của nhóm Nguyễn Minh Hiếu, Trần Nguyễn Hương Thủy, Trần Diệp, Nguyễn Thanh Nhàn, Trịnh Xuân đều là những thành viên tuổi đời cũng như tuổi nghề còn rất trẻ. Trong suốt hành trình 9 tháng gian nan, dự án thành lập và hoạt động trong mùa dịch, giãn cách, đóng cửa... cho nên đến khi đã giành chiến thắng, cả nhóm vẫn chưa một lần được gặp nhau đầy đủ các thành viên. Những đêm cả nhóm thức trắng cùng nhau hoàn thành kịp tiến độ dự án, những ngày tháng tất bật sôi động... là những trải nghiệm khác biệt và quý giá. Đó là chiến thắng của sự quyết tâm, quyết đoán, làm việc nghiêm túc và không thể thiếu đam mê".
Mang... trà về cho mẹ
Những ngày cuối năm, Hồng Nhung có chuyến thực tế về Thái Nguyên, nơi đang triển khai 8.000 m2 trà theo hướng canh tác hữu cơ. Ngắm nhìn đồi chè với mầu xanh ngút ngàn, cô rưng rưng nghĩ nhiều về mẹ. Nhung thủ thỉ giãi bày, bố mẹ cô quê Hà Tĩnh vào Vũng Tàu lập nghiệp và sinh cô ở đó. Mẹ cô tính vốn cẩn thận. Rau củ thực phẩm mua ở chợ về, bà thường ngâm nước muối pha loãng rồi rửa lại thật kỹ mới cất vào tủ lạnh ăn dần. Nhìn rau củ bị nát và giảm chất lượng trong nước, cô thấy thương mẹ, và tiếc vì Việt Nam vốn là xứ nhiệt đới hoa trái vốn dĩ ngon và phong phú, mùa nào thức ấy. Vậy mà sao không được hưởng cái ưu đãi của thiên nhiên mà lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo ngộ độc thực phẩm bẩn. Chứng kiến người chung quanh gặp những rủi ro do ăn phải thực phẩm không an toàn, cô hiểu, cách mẹ cô lựa chọn, rằng bớt tươi ngon đi một chút mà an toàn, âu cũng là giải pháp chẳng đặng đừng...
Giờ đây, sản phẩm thuốc trừ sâu thảo dược an toàn cho sức khỏe của cô đã thành hiện thực, hướng đến nền nông nghiệp sạch và bền vững. Dự án cam kết sẽ dành 100% lợi nhuận cho việc tái đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, hỗ trợ nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, khắc phục hậu quả môi trường do hóa chất độc hại và bảo vệ rừng. Chị Phạm Hương Hà, người giám sát và chuyển giao kỹ thuật chăm trồng chè xanh cho bà con ở Phú Đô (Phú Lương, Thái Nguyên) cho biết: "Thuốc trừ sâu thảo mộc NanoNeem khá phù hợp với cây chè xanh. Dùng NanoNeem, chất lượng trà đậm đà hơn, mùi hương cũng đậm hơn. Với giá thành ở mức cạnh tranh, sản phẩm của NanoNeem hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả và hỗ trợ người nông dân một cách tối ưu. Người tiêu dùng cũng được bảo vệ hơn, nhiều quyền lợi hơn khi có nhiều phương án lựa chọn". Trước đó, 1.000 m2 trà thử nghiệm dùng NanoNeem của bà con Bắc Giang đã cho năng suất và chất lượng như mong đợi. Còn anh Công Lương, chủ vườn cam ở Tuyên Quang cho biết, vườn cam của anh bị nhiễm nấm khá nặng, nếu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thì khả năng tồn độc tố cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, đất bị chai cứng dần, chi phí cao. Tuy nhiên, khi được tư vấn dùng NanoNeem phun tưới, chỉ sau mấy tháng, vườn cam của anh đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh khả năng phòng ngừa sâu bệnh và diệt bệnh nấm cho cây trồng, NanoNeem còn có tác dụng đuổi côn trùng, ruồi, muỗi mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng cũng như cây trồng. Đó là trải nghiệm của Trần Lê, chủ một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh phản hồi lại với dự án sau khi dùng NanoNeem.
Anh Lê Văn Cửu, chủ nhân của vườn chè rộng 4.000 m2 ở Phú Đô (Thái Nguyên) mong ước sẽ xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất chè sạch rộng lớn ở thủ phủ chè trong năm và tiến tới xây dựng được vùng chè hữu cơ được chứng nhận, kết nối được nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản...
Điều cô gái trẻ thấm thía nhất, "muốn đi xa phải đi cùng nhau"- thành quả này có được từ sự chung tay góp sức của nhiều người không chỉ tiền của mà là sự nhiệt tâm không vụ lợi, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong nỗ lực vì một nền nông nghiệp sạch. Dự án NanoNeem được đánh giá cao một phần bởi sự phối hợp chung tay của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như đông đảo bà con nông dân đang thử nghiệm ngay trên sản phẩm của họ. Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp đã tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nông dân. Các nhà khoa học của Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh kết hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra những giải pháp công nghệ mới nhằm cải tiến kỹ thuật nuôi trồng truyền thống. NanoNeem quả là thành quả của sự chung tay góp sức, của tính kỷ luật và trên hết, đó là sự thôi thúc tự thân mỗi người...