Những hạn chế cố hữu
Trong đợt thanh tra lần thứ tư vừa qua (từ ngày 10-18/10/2023), Đoàn Thanh tra của EC đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và chỉ đạo rất sát sao từ phía Việt Nam. Về khung pháp lý, đoàn cơ bản thống nhất với dự thảo hai nghị định sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, vấn đề mấu chốt: kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.
Thực tế, những hạn chế trong chống khai thác IUU cũng đã được cơ quan chức năng nhận diện từ trước đó. Công tác quản lý đội tàu theo quy định của pháp luật đã có tiến bộ, song vẫn chưa quản lý được toàn bộ đội tàu hiện có, cụ thể: Số lượng tàu cá vẫn còn lớn dẫn đến cường lực khai thác chưa cân bằng với trữ lượng nguồn lợi; thực hiện việc đăng ký tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị Giám sát hành trình (VMS) chưa hoàn thành theo quy định; cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) chưa đầy đủ; còn xảy ra việc nhập khẩu tàu cá có nguy cơ nằm trong danh sách tàu cá IUU của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực (trường hợp tại Khánh Hòa).
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng phòng Khoa học-Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Cục Kiểm ngư) cho biết: Trong tháo gỡ "thẻ vàng" về chống khai thác IUU, cảng cá đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, khâu kiểm soát hoạt động khai thác hải sản tại nhiều cảng cá vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Hiện nay, việc kết nối giữa các cảng cá với doanh nghiệp thu mua, chế biến chưa chặt chẽ; việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, quản lý dữ liệu còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, văn phòng kiểm soát IUU tại một số cảng cá cũng không có sự kết nối về số liệu với các bộ phận khác tại cảng.
Qua thực tế cho thấy, một số hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu còn mang tính chất đối phó. Việc ghi, nộp nhật ký khai thác còn nhiều sai sót và mới đạt khoảng 45%, giám sát được khoảng 50% sản lượng qua cảng đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Sản lượng một số loài lên bến của rất nhiều hồ sơ còn cao bất thường dẫn đến việc EC cho rằng, chưa bảo đảm được độ tin cậy trong công tác truy xuất nguồn gốc,... Tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn. Từ đầu năm nay đến ngày 11/8, tiếp tục xảy ra 26 tàu với 166 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. EC khẳng định không gỡ cảnh báo thẻ vàng nếu không chấm dứt tình trạng này.
Không chỉ là giải pháp trước mắt
Gỡ thẻ vàng thủy sản là một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Ngày 20/3/2020, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành Văn bản số 81-CV/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách tại địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, chỉ thị, công điện; trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp với các ban, bộ, ngành liên quan và 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương về thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU.
Mới đây, ngay sau đợt thanh tra lần thứ tư của EC, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2023 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng". Thủ tướng nêu rõ: Nếu không sớm giải quyết dứt điểm các hạn chế trên thì nguy cơ bị nâng cảnh báo lên "thẻ đỏ" là rất cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng không phải chỉ để đối phó mà là vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, bảo đảm lợi ích của người dân; phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế; thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái bền vững, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển thống nhất nhận thức, quan điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU. Cụ thể là, tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn, bảo đảm nắm chắc thực trạng; xử lý nghiêm, triệt để theo quy định các tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản…
Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân kiến nghị, cần phải rà soát lại quy trình phối hợp giữa cảng cá và các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đặt tại các cảng cá để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện những vấn đề bất cập. Đồng quan điểm, ông Phùng Đức Tiến đề xuất thêm: Các cảng cá phải quản lý, giám sát chặt đội tàu qua hệ thống thiết bị hành trình. Bên cạnh đó, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, ghi nộp nhật ký khai thác, giám sát sản lượng hải sản qua cảng và xử lý vi phạm hành chính cũng phải thực hiện nghiêm túc, xử phạt 100% trường hợp vi phạm, quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ năm, dự kiến vào năm 2024.