Giới nghề trăn trở
Tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại do Nhà hát Chèo Việt Nam chủ trì, đã có những tham luận và ý kiến trao đổi thẳng thắn, thậm chí là đối thoại nảy lửa về quan điểm làm chèo, cho thấy những lo toan, trăn trở đầy tâm huyết và trách nhiệm của giới nghề hiện nay… Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSND Quốc Trượng cho rằng, việc sân khấu chèo thiếu những vở đề tài hiện đại thành công là bởi những người làm chèo còn bị ràng buộc và luẩn quẩn trong nguyên tắc truyền thống. "Cả một khối kim cương đồ sộ nhưng chúng ta chỉ sử dụng một lượng làm thành mũi khoan sắc bén, mở ra con đường "tấn công" vào đề tài hiện đại tươi mới, chứ đừng cứ mãi cố thủ. Nguyên tắc tự sự trong chèo rõ ràng không đủ sức theo kịp và đủ độ để phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng, gay gắt của xã hội", NSND Quốc Trượng nhận định. Tuy nhiên, ý kiến của NSND Quốc Trượng không nhận được sự đồng tình của nhiều "cây đa cây đề" trong làng chèo như TS Trần Đình Ngôn; đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh... TS Trần Đình Ngôn tỏ ra bức xúc: "Tôi đã kìm nén rất lâu không muốn nói, nhưng nếu không nói thì cái cảnh "gieo vừng ra ngô" sẽ tiếp tục tái diễn trên sân khấu chèo. Khi xem một số vở gần đây của Nhà hát Chèo Quân đội, kể cả những vở đoạt giải cao, tôi đánh giá đó chỉ là những vở diễn xây dựng theo khuynh hướng kịch hát mới, kịch pha ca... Là người gắn bó cả đời với chèo, tôi khẳng định, nhiều vở diễn đang đi ngược lại những đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Khán giả có thể vẫn xem, nhưng họ khen vở diễn tới đâu và những người làm chèo đích thực có tâm phục hay không lại là chuyện khác".
Có một thực tế là, câu chuyện "gieo vừng ra ngô" đối với sân khấu truyền thống đã không còn xa lạ và đôi khi lại trở thành điểm tựa để các đơn vị nghệ thuật tồn tại. Đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh chia sẻ, ông xót xa khi tới một nhà hát chèo ở địa phương, nhưng họ lại diễn… một vở cải lương. Chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật vào một trung tâm văn hóa nghệ thuật theo hướng tinh gọn, nhưng cách làm và quan điểm của mỗi địa phương mỗi khác, đã dẫn tới tình trạng nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là chèo, đã bị mất đi thế mạnh và bản sắc của mình.
NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa chia sẻ: Để tồn tại và phát triển trong đời sống hiện nay, đòi hỏi sân khấu truyền thống phải hoạt động chuyên nghiệp hơn. Mọi khâu từ chọn vấn đề, xây dựng kịch bản đến dàn dựng, diễn xuất, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng... phải được đầu tư có chiều sâu, đột phá nhưng lại vẫn phải giữ được hồn cốt nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Các đơn vị nghệ thuật phải có cách tiếp cận mới, có sự cách tân để hướng tới thế hệ trẻ, tuy nhiên, sự thay đổi ấy luôn phải được thực hiện hết sức cẩn trọng và bám sát yếu tố truyền thống cốt lõi.
Không thể bắt người trẻ yêu thứ mà họ không biết
Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho biết: "Muốn đưa người trẻ trở lại với nghệ thuật truyền thống thì cần tạo môi trường cho họ được tiếp cận ngay từ khi còn ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Cần có sự giáo dục đúng hướng để giới trẻ có được thái độ cần thiết trước những giá trị của dân tộc mình". Bàn về vấn đề này, nhà văn Ngô Thảo nhận định: "Khi xã hội phát triển, điều kiện sống được cải thiện, các phương tiện giải trí ngày càng nhiều, nếu lớp trẻ không được chuẩn bị một định hướng chuẩn xác thì sẽ rất dễ bị mất phương hướng, mà nguy cơ lớn nhất là sự mất gốc, quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Sự thờ ơ và ít hiểu biết về nghệ thuật cha ông của lớp trẻ hiện nay là trách nhiệm ở người lớn, đặc biệt hệ thống giáo dục. Ở nhà trường, chương trình chính khóa không dạy mà ngoại khóa cũng không hề nhắc, vì thế, không thể bắt người trẻ yêu thứ họ không biết".
NSND Thanh Ngoan chia sẻ: "Tôi hát chèo mà có khán giả nói: Em nghe chị hát chèo như chầu văn, như hát xẩm. Khán giả khen tôi hát hay mà không biết họ đang nghe loại hình nghệ thuật nào… Rõ ràng, việc nhầm lẫn này cho thấy cần phải có phương án để phổ cập về nghệ thuật chèo cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc cho khán giả hôm nay".
Hiện nay, chương trình sân khấu học đường đã được thực hiện ở một số trường học và địa phương, tuy nhiên, theo nhận định của chính những nghệ sĩ tham gia chương trình, thì nó mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. NSND Triệu Trung Kiên cho rằng, cần có sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm sao đưa được các chương trình nghệ thuật vào học đường một cách bài bản. "Cần phải có kế hoạch triển khai tổng thể của Nhà nước, để có thể chọn lọc những đơn vị, loại hình nào đưa vào giới thiệu trong các trường học. Việc đào tạo khán giả trẻ phải được đưa vào giáo trình giảng dạy chính khóa mới có thể hình thành nên một thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật truyền thống trong tương lai", NSND Triệu Trung Kiên đề xuất.
Có lẽ ngay những người trong giới sân khấu hiện nay vẫn còn rất nhiều người mơ hồ khi nhắc tới khái niệm công nghiệp văn hóa đối với nghệ thuật sân khấu. Vậy nên, cũng là dễ hiểu vì sao sân khấu cứ loay hoay giậm chân tại chỗ trong khi nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa lại phát triển mạnh mẽ.
Lĩnh vực sân khấu hoạt động yếu ớt, khủng hoảng thiếu khán giả, các vở diễn phần lớn đi vào đề tài quá khứ, kịch bản cũ, dàn dựng thiếu đổi mới, sáng tạo, dẫn đến không bán được trên thị trường, doanh thu thấp. Nguyên nhân của tình trạng đó cũng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm nay, là: Cơ chế chính sách còn chưa phù hợp để thúc đẩy sự phát triển; thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số bộ phận trong thành phần sáng tạo, sản xuất và phân phối, lưu thông sản phẩm nghệ thuật sân khấu; hầu hết nguồn nhân lực hiện có, nhất là ở các đơn vị công lập, còn thiếu và yếu về kỹ năng quản trị nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh; cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trang thiết bị kỹ thuật vừa thiếu, vừa lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của công chúng và sức sáng tạo của nghệ sĩ; thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng; thiếu vốn đầu tư… Nhiều nghệ sĩ cho rằng, áp dụng công nghệ chuyển đổi số, đưa các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lên môi trường kỹ thuật số chính là kênh kết nối giữa sản phẩm nghệ thuật và khán giả, là việc cần phải làm và là con đường tất yếu. Trước mắt, còn nhiều thách thức lớn đặt ra với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật trong quá trình chuyển đổi số, song, đây cũng là cơ hội để mỗi nhà hát, mỗi đơn vị nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ vượt lên chính mình để khẳng định và làm tỏa sáng những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
Xã hội càng phát triển, càng hiện đại, văn minh thì các loại hình nghệ thuật truyền thống càng khẳng định vị thế, là "viên ngọc long lanh sắc mầu" trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Bởi vậy, để giữ gìn giá trị nghệ thuật truyền thống do thế hệ cha ông sản sinh và trao truyền lại, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa, đặc biệt ngành văn hóa cần khảo sát để đánh giá một cách khách quan thực trạng hoạt động sân khấu truyền thống hiện nay. Từ đó có những đổi mới, sáng tạo, tìm hướng đi đúng để phát triển nghệ thuật truyền thống phù hợp với xã hội hiện đại. Cùng với đó, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ về kinh phí, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ như mở các lớp tập huấn, sáng tác cho các nghệ sĩ, diễn viên; tổ chức thường xuyên các liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, nhằm phát triển, động viên phong trào; tạo mọi điều kiện để các câu lạc bộ, các đội văn nghệ có điều kiện hoạt động biểu diễn... Trong đó, những giải pháp đưa nghệ thuật truyền thống vào trong trường học để thu hút lớp trẻ tham gia giữ gìn và phát huy cần được đặc biệt chú trọng.