ĐỐI ĐÃI VỚI BẠN BÈ QUỐC TẾ BẰNG SỰ CHÂN THÀNH
Trong cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ chín vào tháng 8 vừa qua ở Quy Nhơn, có đến năm nhà khoa học từng nhận giải Nobel tham dự. Làm thế nào để GS lôi kéo được họ đến với Việt Nam?
Tôi đã có 50 năm thiết lập các mối quan hệ, tình cảm và sự tin cậy. Những nhà khoa học đó tôi có mối liên hệ thân thiết từ khi họ còn trẻ, chưa có giải Nobel.
Tình nghĩa bạn bè giữa chúng tôi rất sâu đậm. Mặt khác, chương trình hội thảo khoa học cũng phải hấp dẫn, có chất lượng. Bởi vì các GS Nobel rất bận, họ được mời đi khắp nơi trên thế giới. Nếu mình tổ chức một chương trình mà hàm lượng khoa học không cao thì họ sẽ cân nhắc. Tại cuộc gặp gỡ này, ngoài các nhà khoa học đoạt giải Nobel, còn có nhà khoa học tìm ra hạt Higgs vốn đang là vấn đề nóng mà các GS Nobel quan tâm.
Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn mà GS rất tâm huyết suốt thời gian qua vừa khánh thành. Mục tiêu hoạt động của Trung tâm là gì, thưa ông?
Tôi bắt đầu việc xây dựng Trung tâm ở Quy Nhơn từ năm 2008. Lãnh đạo địa phương ủng hộ nhiệt tình. Chúng tôi đã chọn được một địa điểm đẹp, cảnh quan rất tốt, và các nhà khoa học đều thích. Mục tiêu chính của tôi là biến nơi ấy trở thành nơi gặp gỡ của các nhà khoa học, tổ chức những hội thảo có tầm thế giới để đưa những nhà khoa học giỏi đến Việt Nam. Mục tiêu tiếp theo là sự có mặt của các nhà khoa học thế giới trở thành cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam. Tất nhiên, tôi chỉ đưa đến cơ hội thôi, thành công hay không là ở các nhà khoa học trong nước.
Trên thế giới có nhiều trung tâm như thế không, thưa GS?
Cùng một ý tưởng như vậy thì trên thế giới có khoảng ba hoặc bốn trung tâm ở Pháp, Mỹ và I-ta-li-a.
Nhưng Việt Nam hấp dẫn các nhà khoa học vì có tiềm năng rất lớn.
Tất nhiên nếu muốn lâu dài thì phải cố gắng nhiều, ngoài nỗ lực của cá nhân tôi, còn rất cần sự giúp đỡ, ủng hộ từ phía Nhà nước.
Trong cuộc đời làm khoa học và tổ chức sự kiện khoa học của mình, GS đã có những tình bạn vĩ đại. Và đó là những mối nhân duyên giúp ông thành công?
Lúc nào mình thành thật thì sẽ có những người bạn tốt. Vì tôi không có trợ lý khi tổ chức sự kiện, cho nên ngay cả việc đặt phòng cho các GS Nobel tôi cũng phải trực tiếp làm.
Nhưng chính việc tôi dành thời gian làm những điều đó khiến họ cảm động và thấy được tình bạn mà tôi dành cho họ.
MUỐN BIẾT BƠI PHẢI NHẢY XUỐNG NƯỚC
Nửa thế kỷ qua, làm thế nào để GS tạo nên “thương hiệu” nổi tiếng của các cuộc gặp gỡ trong ngành vật lý thế giới: Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam?
Khi tổ chức cuộc Gặp gỡ Moriond đầu tiên, tôi mới 30 tuổi.
Lúc đó, tôi làm việc trong viện vật lý lý thuyết và đang làm luận án về một đề tài mà bên viện vật lý thực nghiệm cũng tiến hành. Tôi đã tổ chức một hội nghị để hai bên gặp gỡ, trao đổi các vấn đề khoa học nhằm nghiên cứu tốt hơn. Thời điểm đó, ở Pháp, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Những hội nghị khoa học lớn thì chỉ có sếp hoặc những nhà khoa học thành danh được tham dự, còn người trẻ ít có cơ hội. Nghĩ vậy nên tôi tổ chức hội nghị cho những người trẻ. Những cuộc gặp gỡ cũng vì thế mà hình thành.
Vậy theo ông, các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam làm thế nào để phát triển?
Nói chung các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Vì thế, chúng ta phải làm thế nào để các nhà khoa học trẻ độc lập, có quyền làm những việc họ muốn.
Về phía các nhà khoa học trẻ cũng không nên thụ động. Nếu muốn biết bơi thì phải nhảy xuống nước, chưa chừng sẽ bị cuốn trôi, bị chìm, nhưng nếu không nhảy thì chẳng bao giờ biết bơi cả!
Khi GS còn trẻ, ông có khi nào muốn về Việt Nam làm việc không?
Tôi từng có mong muốn đó, nhưng thấy khó khăn hết sức. Cho đến bây giờ vẫn chưa thay đổi được mấy. Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam cũng có khả năng, nhưng nếu ở Việt Nam thì có em nào thành đạt được như Ngô Bảo Châu hay Đàm Thanh Sơn đâu.
Ông là nhà nghiên cứu khoa học, nhưng giờ đây việc tổ chức các cuộc gặp gỡ chiếm hết quỹ thời gian. Ông có xem đó là sự hy sinh?
Nếu tôi không có uy tín trong nghiên cứu khoa học thì không thể tổ chức các cuộc gặp gỡ được. Có những nhà khoa học không thích đứng ra tổ chức, song lại có người thấy rằng họ có bổn phận phải làm những việc như tổ chức gặp gỡ, hội nghị. Tôi không gọi đó là sự hy sinh, nhưng tôi chấp nhận. Giống như vợ chồng chúng tôi phải chấp nhận hai đứa con gái của mình. Chúng nhất định không theo ngành vật lý của tôi, cũng không làm sinh học như mẹ là GS Lê Kim Ngọc.
HỌC BỔNG ODON VALLEY LÀ SỰ KHÍCH LỆ TINH THẦN
Cũng như những tình bạn trong khoa học, ông có một tình bạn đẹp với GS Odon Vallet, người ông đã đồng hành nhiều năm trong học bổng mang tên ông ấy.
Vậy ông đã gặp GS Vallet như thế nào?
Tôi bắt đầu trao học bổng cho SV Việt Nam từ năm 1994. Đến năm 2000, tôi mời GS Odon Vallet trao học bổng cho năm SV, đồng thời góp phần xây làng trẻ em SOS. Năm sau, GS Odon Vallet quay lại và thấy số tiền đó được sử dụng hiệu quả nên ông đồng ý đóng góp vào quỹ học bổng. Sức chúng tôi chỉ có hạn, mỗi năm chỉ trao được 50-100 suất.
Năm 2012, GS Trần Thanh Vân là người châu Á thứ ba được Viện Vật lý Mỹ trao tặng Huy chương Tate cho những người có công lao to lớn trong tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên quy mô quốc tế. |
Nhưng khi có sự đóng góp của GS Odon Vallet với số tiền rất lớn, lên đến hàng nghìn suất, thì chúng tôi chuyển tên quỹ học bổng mang tên ông. Từ năm 2001 đến nay, học bổng này đã trao hơn 22.000 suất với số tiền hơn 120 tỷ đồng.
Giờ đây, học bổng Odon Valley đã trở thành một học bổng danh giá với HS, SV Việt Nam.
Việc xét chọn học bổng diễn ra hằng năm như thế nào, thưa GS?
Chúng tôi liên lạc với các trường để họ chọn ra các em học giỏi nhất, tuy nhiên trong mọi việc làm có khi phải chịu một ít sai lầm. Tôi mong là trong tương lai, các em có thể tự làm hồ sơ về bản thân mình, khả năng cũng như nguyện vọng để chúng tôi xét trao học bổng trực tiếp.
12 năm qua, ông nhận được sự phản hồi nào từ những người từng nhận học bổng không?
Trong cuộc Gặp gỡ Việt Nam ở Quy Nhơn, có một bạn trẻ tên là Phan Văn Đại, 26 tuổi đã tìm gặp tôi để cảm ơn. Đại là con trong một gia đình nghèo ở xã Đông Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Bố mẹ làm nông chỉ đủ sống qua ngày. Em học khá cho nên được nhận học bổng và sau đó thi đỗ vào đại học nhưng bố mẹ không có tiền cho đi học. Khi được trao học bổng ở Nhà hát Lớn, được chụp hình lên báo, em cảm thấy rất vinh dự, bố mẹ Đại cũng hiểu ra và vay tiền cho con học đại học. Số tiền trao cho em không lớn, điều tôi muốn nói ở đây là trao một tinh thần, một hướng đi cho các em.
Và Đại trở thành một nhà khoa học và có mặt trong cuộc Gặp gỡ Việt Nam vừa qua?
Không, em ấy làm kinh doanh, biết có cuộc gặp gỡ này và đến gặp chúng tôi thôi. Không cần mọi em được trao học bổng đều trở thành nhà khoa học, tôi chỉ mong muốn là các em trở thành người có ích trong đời là được rồi.
Sao các ông không trao ít suất học bổng hơn để các em được số tiền nhiều hơn, như vậy thì đầu tư có hiệu quả hơn?
GS Odon Vallet cũng từng nói như vậy. Nhưng mục tiêu của chúng tôi không phải ở đó. Với người Việt Nam thì điều quan trọng là ý nghĩa tinh thần, trao ít nhưng sự khích lệ lớn. Ai được cũng được vinh dự lớn, và chúng tôi muốn trao vinh dự ấy cho càng nhiều em càng tốt.
KHÓ LÝ GIẢI TÌNH YÊU VỚI VIỆT NAM
Trong cuộc Gặp gỡ Việt Nam năm 2006 tại Hà Nội, GS đã nói rằng có thể đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng ông tổ chức, vì ông đã già và mệt mỏi. Vậy động lực nào để ông vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình trong bảy năm qua với quy mô tổ chức ngày càng lớn hơn?
Tôi còn sức lực chừng nào thì còn làm đến đó. Còn động lực thì rất khó để tôi lý giải. Bạn cứ thử hỏi mình vì sao mà bạn đi theo chồng mãi mãi?
Bạn cứ thử phân tích chuyện của bạn đi, rồi giải thích cho tôi để tôi phân tích tình yêu của mình với Việt Nam.
Nhưng có bao giờ ông thấy mệt mỏi không?
Nhiều chứ. Mệt mỏi nhiều nhất là vì sức khỏe. Năm nay tôi 80 tuổi rồi, sức khỏe ngày càng yếu. Nhưng tôi đang có cả một kho tàng, đó là tình nghĩa bạn bè của tôi với thế giới, và tôi muốn đưa nó đến Việt Nam. Nếu tôi ra đi thì tất cả những điều ấy biến mất, nên còn sức lực tôi còn cố gắng làm.
Nhưng làm sao để ông tìm được đội ngũ kế cận tiếp tục tổ chức những cuộc Gặp gỡ Việt Nam?
Trước đây, rất nhiều người tự hỏi ai đó có thể thay thế được tôi tổ chức Gặp gỡ Moriond do tôi sáng lập cách đây 50 năm ở Pháp. Nhưng từ năm 2008, lúc tôi bắt đầu xây dựng Trung tâm ở Quy Nhơn thì tôi không thể tiếp tục làm việc đó nữa, cho nên tôi để lại cho những người đã cộng tác, và nó vẫn hoạt động tốt. Ở Việt Nam cũng vậy, tôi không thể nào nói trước về tương lai, nhưng tôi phải soạn sửa trước rồi.
Trân trọng cảm ơn GS và chúc vợ chồng ông luôn mạnh khỏe!
"Về phía các nhà khoa học trẻ cũng không nên thụ động. Nếu muốn biết bơi thì phải nhảy xuống nước, chưa chừng sẽ bị cuốn trôi, bị chìm, nhưng nếu không nhảy thì chẳng bao giờ biết bơi cả!" |