Gia đình không thể “vô can”

|

NDO - Việc yếu rèn người trong nhà trường có liên quan từ chính sự thiếu sâu sát, quan tâm của các bậc cha mẹ hoặc là quan tâm thái quá... khiến các em học sinh dễ lệch lạc về nhân cách. Theo Thạc sĩ Tâm lý học Huỳnh Thị Hoàng Oanh: “Vẫn trên nguyên tắc giáo dục nhân cách con người phải là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nhưng phải có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các bên”.

BỮA CƠM TRƯA KHÔNG NUỐT NỔI

“Theo quan sát của tôi, bậc phụ huynh nào hay nói xấu thầy, cô giáo và nhà trường trước mặt các con em của mình một cách thoải mái thì con em của họ sẽ hỏng. Khi bị điểm kém, các em về nói với gia đình, bị thầy, cô giáo trù úm. Bố mẹ đã sẵn định kiến thì hành vi lời nói của con em họ là... chân lý” - đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Nguyệt (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khi bà quan sát những đứa trẻ hư hỏng ở khóm phố. Thầy giáo Lâm Văn Quân ở quận Bình Thạnh kể lại sự cố đứng lớp của mình: Cách đây ba năm tôi đang dạy ở huyện Hóc Môn. Về nhà, vừa bưng bát cơm ăn thì một người đàn ông hùng hổ bước vào chỉ thẳng vào mặt: “Mày có quyền gì mà đánh con tao...”. Kéo theo đó là hàng loạt lời xỉ vả.

Nguyên nhân do con của họ nghe nhạc trong giờ học. Tôi có nhắc nhở vài lần nhưng em vẫn không thay đổi. Tôi phản ánh với giáo viên chủ nhiệm. Lần này đến giờ văn của tôi, em không nghe nhạc trong giờ học nữa. Nhưng khi tôi đang giảng bài thì em cố tình đánh rơi thước xuống sàn nghe choang một cái. Tôi dừng lại và nhắc nhở. Sau đó ít phút lại nghe choang! Tôi đến tận chỗ học sinh, ôn tồn nói, giờ văn không cần kẻ vẽ, em cất thước vào cặp đi. Thế nhưng, gần cuối giờ, em lại thả cái thước xuống nền nhà. Tôi bảo em nhặt thước đưa tôi và có đánh em một cái vào lưng, để lại vết bầm. Em đứng dậy không chào hỏi, ngang nhiên đi về. Và đến trưa ông bố đến gia đình tôi xỉ vả. Tôi buồn, vợ thì lo mua dầu, thuốc sang thăm... xin lỗi.

Trong cuộc đời dạy học, khó có thể nói trước tại sao lúc đó mình không kiềm chế để giải quyết tình huống sư phạm khéo léo hơn. Tuy nhiên, giáo viên cũng là người, do vậy khi gặp học sinh phá giờ nhiều lần, sự kiềm chế có giới hạn và điều không muốn đã xảy ra. Cô Nguyễn Thị Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở (THCS) Tùng Thiện Vương, quận 8 cho biết. “Lên bục giảng giáo viên phải có uy mới giữ được trật tự của lớp”.

Nhiều thầy giáo, cô giáo cho biết, cũng trong một lớp, nhiều tiết học khá nghiêm nhưng cũng có nhiều tiết học lại ồn ào. Nguyên nhân do vài ba em trong lớp mất trật tự, thích học môn này không thích học môn kia.

Nói về “tai nạn nghề nghiệp”, cô giáo Nguyễn Thị Mai dạy học ở huyện Đức Hòa, Long An kể: Trường cô phân công giáo viên chủ nhiệm từ lớp 6 đến lớp 9. Hai năm đầu, lớp cô có thành tích ngoan, năm lớp 8 có em học sinh Nguyễn Hoài Nam chuyển đến. Nam có học lực, hạnh kiểm đều xếp loại trung bình.

Đến lớp được một thời gian, Nam quấy phá giờ giảng, lôi kéo nhiều bạn khác theo mình. Tôi đến gặp gia đình bàn cách để giúp em tiến bộ. Phụ huynh buông lời: “Thời buổi mua gì cũng được. Đạo đức với điểm thì... khó chi”! Ít ngày sau, được nghe các cô giáo khác kể lại mẹ em đã chửi tôi thậm tệ. Phụ huynh họ khẳng định con họ ngoan chứ không hư. Chúng tôi không thể quay clip để gửi cho bố mẹ học sinh được. Nhiều buổi tan học, giáo viên bộ môn phản ánh mất trật tự của học sinh Nam. Tôi đã dùng đủ biện pháp “mềm, rắn” khuyên bảo Nam nhiều nhưng em vẫn không nghe.

Thời gian đó, những bữa cơm trưa tôi thấy đắng miệng, sự không tin tưởng của phụ huynh khiến cho chúng tôi có những cư xử sư phạm không đúng với thiên chức của mình. Tôi vận động các em khác không theo bạn Nam. Hai năm học còn lại tôi xin điểm các môn giúp Nam cho xong chuyện. Và bây giờ tôi biết, Nam đã dính vào lao lý khi chưa hết bậc học... Nén tiếng thở dài, cô Mai nói thêm: “Thực tình tôi không chờ đợi kết quả này, chỉ mong em lớn lên và ngộ ra”.

Chung tay đưa khát vọng học đường của học sinh nghèo nông thôn vươn xa.

CẦU TIẾN, CẦU TÀI NHƯNG SAI PHƯƠNG PHÁP

Nhiều gia đình khá giả cho con từ quê lên thành phố học tập. Nhiều gia đình thành phố muốn tách con khỏi môi trường bè bạn chơi bời gửi về quê. Hai dòng ngược chiều này, tuy số lượng ít nhưng kết quả thành công không cao bởi học sinh ở phố về quê thấy cái gì cũng... lạc hậu! Học sinh ở quê lên phố, học tốt thì lâu, học xấu thì nhanh, các em dễ dàng a dua bè bạn ăn chơi nên dễ hỏng.

Việc dạy dỗ con cái tùy theo quan niệm của từng người, từng nhà. Thầy giáo Vũ Trường Sơn (Vũng Tàu) cho biết: “Rèn người yếu tố từ gia đình rất quan trọng, thế nhưng nhiều gia đình giao phó việc đó cho nhà trường”! Xét về nhà trường, mục đích vẫn là dạy chữ. Chương trình giáo dục quá nặng, dạy kiến thức cho các em đã chiếm hết thời gian, càng lên lớp cao số bài tập phải làm càng nhiều, học sinh phàn nàn, phụ huynh kêu ca.

Học sinh cấp THCS nhìn nhận xã hội, phát triển nhân cách chưa được chín chắn, đã vậy nhiều bậc phụ huynh quá nuông chiều con cái như mua điện thoại di động đắt tiền cho con, cho con tiền tiêu vặt như một cách động viên tinh thần học tập... Chính do sự nuông chiều thái quá, tâm lý các em hướng mạnh về hai cực internet và xã hội, bỏ qua trọng tâm phát triển nhân cách từ nhà trường, gia đình. Bài học đạo đức nhà trường dạy giao tiếp, quy định tối thiểu của con người trong ứng xử xã giao, thế nhưng học sinh chỉ học lấy lệ, trả bài xong là xong! Tuổi các em như con lắc giao động quá mạnh mà cách hướng tâm chưa có hoặc chưa đúng, cho nên dễ lệch lạc trong suy nghĩ. Manh động, nghĩ chưa tới nhưng làm tới... Là giáo viên dạy lâu năm, thầy giáo Vũ Trường Sơn cho biết: “Có ý kiến phản ứng của phụ huynh cũng đúng, có ý kiến phản ứng sai. Việc quản lý sâu sát ở nhà trường vẫn là giáo viên chủ nhiệm lớp. Giáo viên còn lo dạy học, việc bảo ban đi sâu, đi sát từng em, từng vấn đề về giới tính, tính cách đang phát triển của từng em là rất khó...”.

Thời gian để các em học ở trường không nhiều. Các em còn đi học thêm văn hóa, năng khiếu, tiếng Anh, thể thao... Đây là những nơi không tổng kết, không đánh giá, không chấm điểm thực chất và có thể xin cho một cách dễ dàng, từ đó nảy sinh ngộ nhận. Chưa tính đến tiêu cực trong nhà trường, có em 12 năm học ưu tú nhưng thi đại học ba năm chỉ đạt điểm... dưới sàn. Cha mẹ lặn lội làm đơn phúc khảo, chửi đổng tiêu cực thi cử và không công nhận con mình yếu kém. Theo thạc sĩ tâm lý học Huỳnh Thị Hoàng Oanh: “Hệ quả này tạo ra sự mâu thuẫn trong thông điệp giáo dục đối với chính bản thân đứa con của mình. Đứa trẻ sẽ không nhận thức đươc rõ ràng là bố mẹ đúng hay giáo viên đúng, dẫn đến thái độ và hành vi của đứa trẻ dễ bị lệch chuẩn sau này”.

* Thời gian đó, những bữa cơm trưa tôi thấy đắng miệng, sự không tin tưởng của phụ huynh khiến cho chúng tôi có những cư xử sư phạm không đúng với thiên chức của mình.

* Tuổi các em như con lắc giao động quá mạnh mà cách hướng tâm chưa có hoặc chưa đúng, cho nên dễ lệch lạc trong suy nghĩ.