Đổi mới một cách căn cơ, bài bản

|

Dự thảo phương án về một kỳ thi chung, gọi là kỳ thi quốc gia lấy kết quả làm căn cứ công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng... được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố và cân nhắc thực hiện ngay từ mùa thi 2015 đã tạo nên những tranh cãi trong dư luận rộng rãi. Hầu hết các tiếng nói đều đồng tình với chủ trương đơn giản hóa thi cử để giảm áp lực, trút bỏ bớt gánh nặng cho thí sinh cũng như tiết kiệm các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên tổ chức thế nào, tiến hành ra sao, lựa chọn đúng thời điểm áp dụng mới chính là mối bận tâm của số đông người, không loại trừ các nhà giáo dục, quản lý lẫn chuyên gia đầu ngành.

Một kỳ thi quốc gia lấy kết quả để công nhận tốt nghiệp phổ thông lẫn căn cứ xét tuyển đại học có phải là đáp án tối ưu nhất cho bài toán thi cử vốn gây nhiều bức xúc xã hội trong thời gian qua?

TS Nguyễn Kế Hào: Quan điểm của tôi là không nên gộp hai kỳ thi bởi chúng ta đã có kỳ thi tốt nghiệp chính là kỳ thi quốc gia, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học là bằng quốc gia và được công nhận trên toàn thế giới. Học sinh muốn vào bất cứ trường đại học nào, kể cả trường nổi tiếng nhất toàn cầu, điều kiện tiên quyết là phải có tấm bằng này. Ngược lại, đại học luôn có thương hiệu riêng, tiêu chí riêng, đẳng cấp riêng, ngay ở trong nước cũng có những trường được xã hội trọng vọng đề cao và có trường không được thừa nhận. Mỗi kỳ thi có một mục đích khác nhau, tiêu chí khác nhau và cách thức xử lý kỹ thuật cũng khác nên gộp chung là khó thích hợp. Tôi thấy ai cũng nói thi cử ở ta giờ tốn kém, vất vả quá. Đúng. Nhưng tốn kém là do chúng ta, vất vả cũng do chúng ta. Chắc gì gộp chung đã bớt tốn kém, bớt áp lực. Còn ý kiến đề nghị bỏ thi tốt nghiệp vì tỷ lệ đỗ cao cũng không thỏa đáng. Học là phải thi và thi đỗ nhiều càng tốt. Tốt nghiệp không phải là kỳ thi nhằm đánh trượt học sinh, hãy quan niệm đó chỉ đơn giản để công nhận học sinh này, học sinh kia đã qua chương trình giáo dục phổ thông. Mất 12 năm ăn học, năm nào cũng lên lớp mà đến khi thi tốt nghiệp lại trượt thì là ăn học kiểu gì. Theo tôi, những tiêu cực hay bệnh thành tích liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp nếu có là vấn đề của ngành giáo dục, ngành giáo dục phải giải quyết chứ không thể dồn áp lực lên các em bằng cách đánh trượt học sinh thật nhiều... Chúng ta dạy và học vẫn như cũ, thế mà thi lại đổi mới, vậy chứng tỏ đang đổi mới từ ngọn, chứ không phải từ gốc.

GS,VS,NGND Phạm Minh Hạc, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Tôi cũng nhất trí rằng, lấy lý do giảm bớt tốn kém để nhập hai kỳ thi là không thỏa đáng. Việc gì cần làm vẫn làm, thi mà cần thiết bao nhiêu kỳ, tốn kém bao nhiêu cũng phải thực hiện. Tôi thấy việc trước hết cần làm là Bộ GD & ĐT phải có tài liệu nhìn nhận đánh giá lại tiến trình thi cử trong 14 năm trở lại đây, kể từ thời điểm bước sang thiên niên kỷ mới, thi cử đã được tiến hành thế nào, chúng ta đã có mặt tích cực nào để tiếp tục phát huy, mặt nào còn hạn chế cần cải tiến rút kinh nghiệm, rồi sòng phẳng cầu thị so sánh với các nước trên thế giới... Tiếc là vẫn chưa có tài liệu này, tức là thiếu một cơ sở khoa học vững chắc. Chưa tổng kết đánh giá cái cũ, chưa có cơ sở khoa học mà đã quyết tâm đổi mới là duy ý chí. Từ kinh nghiệm mấy chục năm làm giáo dục, tôi hình dung được, gộp hai kỳ thi làm một là việc không đơn giản chút nào. Tất nhiên đổi mới thi cử thì không thể duy trì tiếp hai kỳ thi liền kề cồng kềnh như đã làm trong năm 2014, mà Bộ nên đặt ra quy chế chung, chứ không nhất thiết phải trực tiếp xông vào từng việc cụ thể như hiện nay. Xét tốt nghiệp phổ thông là việc của địa phương, cứ giao cho địa phương. Tuyển sinh ĐH, CĐ là chuyện của các trường, hãy để các trường được tự quyết, tự chủ. Đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới thi cử nói riêng chắc chắn không phải chuyện ngày một ngày hai, ngẫu hứng áp dụng, tùy tiện áp đặt mà là phép tính của đường dài, cần một lộ trình căn cơ, bài bản tránh việc bị động, chạy theo dư luận chung chung.

GS Nguyễn Lân Dũng: Theo tôi, chúng ta cần xét tốt nghiệp chứ không nên tổ chức thi và dành kỳ thi quốc gia cho thi tuyển sinh đại học, cao đẳng như Luật Giáo dục đại học đã đề cập. Tất nhiên ở đây không phải là bỏ kỳ thi tốt nghiệp mà chuyển từ thi sang xét. Thực tế đã chứng minh, còn ai nắm vững trình độ học sinh hơn các thầy cô giáo và Hội đồng giáo dục của từng trường THPT. Vậy sao không để các trường tự xét từng học sinh và đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương mình ký bằng tốt nghiệp THPT cho các em. Bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ, học sinh lơ là các môn khác mà chỉ tập trung học các môn thi ĐH, CĐ. Chúng ta cần tư duy theo hướng làm sao vẫn có bằng tốt nghiệp THPT một cách xác đáng mà không phải thi? Để thực hiện xét tốt nghiệp không qua một kỳ thi quốc gia buộc phải có hai điều kiện: Nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra bất thường từng môn học và có ghi học bạ. Học bạ quyết định chính xác việc đánh giá từng học sinh một cách khách quan, tránh mọi hiện tượng tiêu cực khi xét tốt nghiệp. Duy trì chế độ lưu ban đối với mọi lớp, kể cả lớp 12 để bảo đảm chất lượng cho từng học sinh trước khi kết thúc quãng thời gian học dưới mái trường phổ thông. Nếu không muốn có nhiều học sinh lưu ban thì cả thầy lẫn trò phải nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Có chế độ kiểm tra thường xuyên, có học bạ nghiêm chỉnh, cộng thêm tinh thần trách nhiệm của từng thầy cô giáo và sự đồng tình của phụ huynh học sinh thì không dễ tái diễn các hiện tượng tiêu cực như chạy thầy, chạy điểm, chạy theo bệnh thành tích như dư luận lo ngại.

PGS Văn Như Cương, Nguyên hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh: Trước hết tôi đồng tình với quan điểm thi tốt nghiệp phổ thông không phải là kỳ thi nhằm đánh trượt học sinh, và việc học sinh đỗ cao, đỗ nhiều do khâu tổ chức có vấn đề không phải lỗi của các em. Tuy nhiên, là một nhà giáo trực tiếp làm giáo dục phổ thông, tôi lại ủng hộ một kỳ thi quốc gia. Theo tôi Bộ GD&ĐT có thực hiện ngay trong năm 2015 cũng không ảnh hưởng gì đến chuyện dạy và học của trường chúng tôi. Tuy nhiên, trong ba phương án mà Bộ đề ra, tôi thấy phương án 1 có thể áp dụng luôn với điều kiện phải soạn thảo thêm cho rõ ràng. Thực chất phương án 1 không khác là bao so với kỳ thi năm 2014, học sinh cũng có môn thi tự chọn và môn thi bắt buộc. Có điều phải chi tiết cụ thể hơn, Bộ cần nắm rõ có nhiều vùng miền địa phương học sinh không thể thi ngoại ngữ là môn bắt buộc, nếu cứ khăng khăng tiến hành như thế sẽ rất thiệt thòi cho các em. Vậy phải đưa ra môn thay thế cho môn ngoại ngữ. Còn phương án 2 và phương án 3 không thi theo môn mà thi theo bài, bài thi khoa học xã hội Văn, Sử, Địa, khoa học tự nhiên Toán, Lý, Hóa, Sinh còn mới mẻ quá, chưa thể tổ chức ngay vì cả các trường, cả thầy và trò không có điều kiện, thời gian chuẩn bị, thích ứng. Nhưng Bộ cũng nên đưa ra một số mẫu đề thi, bài thi tích hợp để chúng tôi làm quen dần dần. Còn tôi khẳng định, việc gộp hai kỳ thi làm một và tổ chức thi theo phương án 1 như Bộ đề xuất không hoàn toàn là vấn đề gây sốc, gây khó khăn cho chúng tôi...

Hiện người dân, cả phụ huynh lẫn học sinh, nhất là gia đình có con em trong độ tuổi sẽ thi tốt nghiệp và đại học vào năm 2015 đang rất băn khoăn rối bời vì chưa hình dung được các phương án đổi mới thi cử nếu được áp dụng sẽ tác động tới bản thân như thế nào. Và phía các trường ĐH, CĐ cũng lo ngại quyền tự chủ tuyển sinh mà Luật định đã cho phép bị đụng chạm, ảnh hưởng ra sao. Vậy đâu là cách thức để trấn an dư luận, tìm ra giải pháp hài hòa nhất dáp ứng được mục tiêu đổi mới thi cử và hài hòa lợi ích của các bên?

TS Nguyễn Kế Hào: Tôi thấy GS,VS Phạm Minh Hạc nói chính xác, chúng ta chưa có tài liệu khoa học đánh giá lại việc đã làm mà vội vàng làm tiếp cái mới là không nên. Năm 2014 cũng đổi mới thi cử, đưa ra môn thi tự chọn và môn thi bắt buộc, và chưa thấy ai nói gì đến chuyện tổng kết rút kinh nghiệm, vậy mà, đùng một cái, lại thay đổi nữa. Chúng ta đang trên tiến trình chuẩn bị đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI với cái gốc quan trọng nhất vẫn là dạy tốt và học tốt; ở bậc phổ thông ai cũng có thể học, ai cũng có thể thi đỗ, ai cũng có thể được cấp bằng. Thế mới là giáo dục phổ thông. Phải để dư luận ý thức được điều đó và không thắc mắc, bức xúc băn khoăn tiếp về kết quả đỗ tốt nghiệp. Như năm 2014, Bộ áp dụng môn thi tự chọn, thực tế có các trường học sinh hầu hết đều thi đại học ban A, ban B, nên các em không chọn thi môn Lịch sử là chuyện bình thường. Trên cả nước không phải trường nào cũng không có thí sinh không lựa chọn thi môn Sử. Vậy mà các nhà báo tác nghiệp, tìm đến một vài hội đồng thi như thế, thấy một vài trường hợp cá biệt như thế, về đùng đùng giật “tít” là học sinh từ chối môn Sử, bỏ rơi môn Sử. Thế là dư luận hoài nghi, đua nhau suy diễn theo chiều hướng tiêu cực. Điều đó không đúng sự thật, không đúng bản chất của vấn đề, và những hoang mang thắc mắc cũng từ đấy mà ra chứ đâu. Theo tôi, cứ giao cho địa phương thực hiện kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học là việc của các trường. Chúng ta phải tin địa phương, còn phía tuyển sinh đại học, trường nào không đủ năng lực tổ chức một kỳ thi thì cũng nên xem xét lại sự tồn tại của trường đó. Anh đào tạo đại học mà không tự ra được đề, không tự tổ chức tuyển sinh được thì ai còn trông mong gì vào anh được nữa.

PGS Văn Như Cương: Tôi có thể mạnh dạn khẳng định, trường tôi sẽ không ảnh hưởng gì khi áp dụng kỳ thi quốc gia. Chỉ có điều, nếu Bộ quyết định thế nào cũng phải chốt ngay trong tháng 9 tới đây, để thầy trò chúng tôi còn một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị. Trước tới nay trường chúng tôi không dạy tủ, học sinh không học lệch, nên có thi thế nào các em cũng thích ứng được.

GS Nguyễn Lân Dũng: Nếu cứ khăng khăng lấy điểm thi tốt nghiệp làm căn cứ xét tuyển ĐH thì sẽ mâu thuẫn với Luật Giáo dục đại học khi quy định quyền tự chủ của các trường. Hãy để các trường tự quyết vì trường nào cũng có yêu cầu, mục đích riêng của trường ấy. Bộ chỉ cần giao chỉ tiêu tuyển sinh và sâu sát kiểm tra việc thi cử xem có nghiêm túc hay không mà thôi. Trường nào tuyển học sinh kém sẽ ảnh hưởng ngay đến uy tín xã hội của trường đó, và tất nhiên, sinh viên cũng khó tìm được được việc làm thỏa đáng khi cầm tấm bằng của trường. Ngược lại các trường ngại ra đề thi, gặp vướng mắc trong khâu ra đề hoặc sợ tốn kém thì Bộ GD&ĐT có thể ra đề thi chung cho những trường có yêu cầu để hỗ trợ họ.

Tôi thấy ai cũng nói thi cử ở ta giờ tốn kém, vất vả quá. Đúng. Nhưng tốn kém là do chúng ta, vất vả cũng do chúng ta. Chắc gì gộp chung đã bớt tốn kém bớt áp lực.

Ba phương án dự kiến áp dụng được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra để trưng cầu ý kiến: Phương án 1: Thi theo môn. Có tám môn gồm Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Mỗi thí sinh phải thi ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa. Phương án 2: Thi theo bài. Tám môn học gồm Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành năm bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử, Địa), trong đó thí sinh phải thi bốn bài gồm ba bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và bài tự chọn giữa Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Phương án 3: thi theo bài. 11 môn học gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành bốn bài thi. Dự kiến có bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ. Sẽ có bốn buổi thi được tổ chức trong hai ngày, mỗi buổi thi một bài.

Đổi mới thi cử thì không thể duy trì tiếp hai kỳ thi liền kề cồng kềnh như đã làm trong năm 2014, mà Bộ nên đặt ra quy chế chung, chứ không nhất thiết phải trực tiếp xông vào từng việc cụ thể như hiện nay.

Chúng ta đang trên tiến trình chuẩn bị đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI với cái gốc quan trọng nhất vẫn là dạy tốt và học tốt; ở bậc phổ thông ai cũng có thể học, ai cũng có thể thi đỗ, ai cũng có thể được cấp bằng.

GS,TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Đúng là Bộ GD&ĐT phải hết sức chủ động trong việc đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc. Không nên để những sức ép từ một bộ phận dư luận, hay từ những lợi ích nhóm gây áp lực khi đưa ra các quyết định. Tôi nghĩ nên để học sinh được tự chọn môn ngoại ngữ. Điều này cũng phù hợp với chương trình THPT các năm cuối, đã tăng cường các môn theo chủ đề tự chọn. Các em tự chọn để phát huy sở trường, thế mạnh của từng cá nhân, của từng địa phương, vùng, miền.