Những ngày giáp Tết, khi cái nắng hanh hao mùa đông nhảy nhót trên những cung đường tấp nập, vội vã của Hà Nội, chúng tôi lại muốn tìm về một vùng đất bình yên. Ngược theo bờ đê sông Cầu, chúng tôi đến bến Thổ Hà cho kịp chuyến đò sớm sang phía làng bên kia sông. Đã lâu lắm kể từ lần gần nhất được đi trên một con đò nhỏ. Có tiếng người râm ran, những câu chuyện cuộc sống của người làng trên chuyến đò trở nên thân thương lạ giữa tiếng quạt khua nước. Phóng tầm mắt về phía làng Thổ Hà phía bên kia là lũy tre xanh, những cây đa, cây si gần bến nước rủ từng chùm rễ in bóng xuống mặt sông. Bầy trẻ con khoác trên mình những manh áo mỏng giữa ngày đông lạnh ngồi vắt vẻo trên cành cây ven sông, vừa ngơ ngác nhìn khách lạ vào làng, vừa reo hò như một trò chơi độc quyền của trẻ con nơi thôn dã.
Làng Thổ Hà nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng, khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men. Sự hưng thịnh của nghề gốm một thời nơi đây đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng, điếm bề thế, uy nghi. Cổng làng Thổ Hà là một trong những cổng làng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu với kiến trúc cổ kính. Cổng nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, một bên là hồ nước rộng, một bên là cây đa hàng trăm năm tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Đình Thổ Hà nổi tiếng xứ Kinh Bắc được hàng cây cổ thụ bao quanh, đầu bờ nóc đình uốn quanh hình lưỡi liềm, góc mái có gắn nghê, thú nhỏ bằng sành nung già lửa đỏ tía. Với kiến trúc lâu đời có giá trị về mỹ thuật, điêu khắc, làng Thổ Hà trở thành địa chỉ quen thuộc thu hút những người nghiên cứu, những nghệ sĩ và nghệ nhân về tìm cảm hứng.
Chúng tôi men theo những gian hàng quán nước nhỏ từ phía cổng làng đi sâu ngõ xóm. Những người lần đầu đặt chân nơi đây hẳn sẽ đều ngạc nhiên với những lối nhỏ, ngõ nhỏ, có nơi chỉ rộng đủ hai người đi vừa. Những bức tường mang mầu đỏ của thứ gạch cũ đã mòn vẹt, tường xếp chằn chặn một thứ sành nâu đen bóng. Vẫn là con đường xưa, còn đó những nếp nhà rêu phong, trầm mặc đi cùng chiều dài lịch sử văn hóa Việt.
Nghề làm gốm ở làng gần như đã mai một. Đa số người dân nơi đây chuyển sang nghề làm bánh đa. Đi dọc ngõ nhỏ trong làng, phía trên cao đầu là những phên tre dài phơi bánh, xếp san sát nhau. Đẹp nhất khi nắng chiều chiếu qua từng phên bánh, bóng nắng nhảy nhót khắp chung quanh như chơi trò cút bắt. Lễ hội làng Thổ Hà hằng năm được tổ chức tại trung tâm làng, khu vực đình, đền, chùa và khu vực dân cư từ điếm xóm 1 đến điếm xóm 4, bắt đầu từ ngày 19 đến 21-2 âm lịch.
Tạm biệt Thổ Hà trong nắng chiều đổ dài triền đê sông Cầu, nắng phía bên làng như nằm nghiêng bên điệu hát quan họ ở một ngôi nhà bên vọng lại “Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng”... Từng bức tường nhà cổ vẫn tím sẫm mầu men gốm trong chiều, với đám trẻ con chỉ mặc manh áo mỏng chạy qua chạy lại. Tôi tự hỏi, chẳng biết nơi này có còn phát triển nghề gốm như một thời đã từng hay không?