Ðổi đời nhờ chạy bộ
Quý cuối cùng trong năm luôn được xem là thời điểm hoàn hảo để những giải chạy phong trào bùng nổ khắp cả nước. Có 13 giải chạy sẽ diễn ra chỉ trong ba tháng cuối năm, thu hút khoảng 50.000 vận động viên tham dự, kéo dài từ Hà Giang, Hải Phòng, Hà Nội đến Lâm Đồng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành hàng khác nhau cũng đẩy mạnh việc tổ chức giải chạy, và điểm mấu chốt là họ coi đây như kênh quảng bá thương hiệu quan trọng. Với những vận động viên chuyên nghiệp, các giải chạy giờ là mục tiêu không thể hấp dẫn hơn để gia tăng thu nhập và xây dựng hình ảnh. Bằng cách này, sân chơi điền kinh ngày càng được xã hội hóa sâu, rộng hơn.
Trong quá khứ, có lẽ không nhiều người nhớ đến một vận động viên từng giành huy chương vàng SEA Games cự ly 10.000 m như Phạm Thị Hồng Lệ. Nhưng lúc này, nhờ các đường chạy marathon phong trào, Hồng Lệ đã trở thành gương mặt đại diện cho cả cộng đồng.
Không chỉ những vận động viên như Lệ hưởng lợi, việc điền kinh được xã hội hóa triệt để, đến lúc này, còn tạo nên nhiều "ngôi sao" mới. Sáu năm qua, nhiều chân chạy, vốn chỉ là nhân viên văn phòng hay công nhân, đã vươn lên thành vận động viên với thành tích xuất sắc.
Cộng đồng chạy bộ lúc này không lạ gì Nguyễn Tiến Hùng (sinh năm 1984), chỉ bén duyên với chạy bộ ở tuổi 31, sau khi bị vỡ mắt cá chân trong một trận bóng đá "phủi". Từ đó, Tiến Hùng tìm hiểu chạy bộ, môn thể thao không đối kháng, và tiến bộ nhanh chóng.
Tháng 9 vừa qua, Tiến Hùng có lần thứ ba vô địch cự ly 100 km giải chạy đường rừng Vietnam Mountain Marathon tại Sa Pa, sau lần đầu làm được điều này vào năm 2018. Anh thậm chí từng có mặt tại SEA Games 2019 trên đất Philippines, với tư cách thành viên đội tuyển ba môn phối hợp Việt Nam.
Những trường hợp như Tiến Hùng không hề hiếm trong cộng đồng chạy bộ. Xuất phát điểm là người bình thường, nhiều chân chạy đã và đang sống một cuộc đời khác sau khi tới với môn thể thao này. Họ có thu nhập đều đặn khi trở thành huấn luyện viên cá nhân cho những chân chạy muốn nâng cao thành tích. Tại nhiều giải chạy, nhóm này lại sắm vai người dẫn tốc cho các vận động viên nghiệp dư theo lời mời của ban tổ chức, hoặc thi đấu để "ẵm" luôn giải thưởng ở các cự ly và nhóm tuổi phù hợp.
Điền kinh có quá nhiều lý do để thành hình mẫu hoàn hảo cho quá trình xã hội hóa thể thao: Ai cũng có thể chạy, và không yêu cầu "trang thiết bị" phức tạp. Thành quả thu về có thể vượt xa các quan niệm thông thường về thể thao phong trào.
Eliud Kipchoge-chân chạy marathon vĩ đại nhất lịch sử đã nói, đại ý: Người hoàn tất cự ly đầy đủ 42,195 km "có thể làm được mọi thứ". Đây là câu nói trong lúc cao hứng của Kipchoge? Có thể. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, sự mệt mỏi thể xác đến tận cùng khi trải qua hành trình hơn 42 km của những chân chạy marathon là thật, mà ý chí vượt qua những giới hạn của bản thân trên đường chạy cũng là thật.
Vượt qua những cột mốc tưởng đơn giản nhưng rất khó khăn ấy chính là một dạng thành tựu. Chỉ cần chạy bộ đều đặn, bạn sẽ trở thành phiên bản tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Những "thành tựu" ấy, từ rất nhiều góc độ, là phần thưởng tối quan trọng cho từng cá nhân, cũng là yếu tố mang tính cốt lõi giúp điền kinh đang được xã hội hóa triệt để và thành công như hiện nay.
Bơi lội, một bài toán hóc búa?
Trái ngược với điền kinh, bơi lội đang thiếu những gương mặt dẫn dắt phong trào, truyền cảm hứng cho cả cộng đồng. Nói tới bộ môn này, rất khó để nghĩ tới ai khác ngoài những vận động viên được đầu tư cả tỷ đồng để tập huấn và chinh phục các đường đua xanh ở khu vực, như Ánh Viên, Huy Hoàng hay Quý Phước. Sẽ là vô cùng nan giải cho các vận động viên phong trào bơi lội để tìm ra chỗ đứng cho bản thân, khi quá trình xã hội hóa bơi lội vẫn đang diễn ra khá chậm chạp.
Có một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đầu tiên, không phải ai cũng biết bơi. Thứ hai, không phải ai cũng đủ điều kiện để tập luyện bơi tại nhà hay tới các trung tâm. Thứ ba, cho tới nay, hiếm nhà tài trợ nào nhìn ra "đường hướng" quảng bá thương hiệu tới tệp khách hàng họ mong muốn, thông qua đường đua xanh.
Hiện nay, bơi lội mới chỉ được xã hội hóa một phần nhờ các giải đấu hai hoặc ba môn phối hợp. Bản thân bơi lội chưa đủ mạnh để trở thành môn thể thao có thể xã hội hóa độc lập, và buộc phải đứng cạnh điền kinh để xây dựng phong trào.
Sự thiếu hụt này cũng đặt ra những thách thức cho bơi lội Việt Nam, trên lộ trình khẳng định vị thế và vun đắp thế hệ kế cận. Ánh Viên lúc này đã giải nghệ và bơi lội nữ Việt Nam không còn ai đủ giỏi để kế thừa khoảng trống mà "Tiểu tiên cá" bỏ lại. Huy Hoàng vừa giành huy chương đồng ASIAD và có vé dự Olympic 2024, nhưng kinh phí để đào tạo nên những kình ngư tương tự là quá đắt đỏ, cũng như luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cùng với điền kinh, bơi lội là môn thể thao cổ xưa nhất của Olympic. Xác định một quốc gia có nền thể thao mạnh là nhìn vào thành tích ở hai đường đua xanh và đỏ này.
Điền kinh Việt Nam đang tiến những bước rất vững chắc, với quá trình xã hội hóa mạnh ở cộng đồng và được sự ủng hộ trọn vẹn từ truyền thông lẫn doanh nghiệp. Còn với bơi lội, vẫn còn chưa rõ hướng đi cho việc xã hội hóa.