Mường Thanh (Mường Then) trong tiếng Thái có nghĩa là “vùng đất của trời”, và vùng lòng chảo Ðiện Biên Phủ chính là xứ sở của dân tộc Thái, là Mường lớn nhất trong “tứ đại Mường” vùng tây bắc (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc). Người Thái từ lâu đã được mệnh danh là dân tộc có nền ẩm thực vô cùng đặc sắc. Các món ăn hằng ngày của người địa phương có lẽ vì vậy mà cũng phong phú và đặc biệt.
Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954, cây cầu Mường Thanh - chứng nhân lịch sử - vẫn soi mình trên dòng sông Nậm Rốm. Chẳng rõ từ bao giờ, hai đầu cầu đã là nơi tập kết nông sản từ các huyện, xã quanh TP Ðiện Biên Phủ về trao đổi buôn bán. Mùa nào thức ấy, những người dân bản địa lại mang những gùi rau, bao quả về trải ra hai bên đường, trao đổi buôn bán tấp nập mà không ồn ã. Những thứ được bày bán ở chợ Mường Thanh đầu tiên đơn sơ lắm, chỉ vài mớ rau rừng, gánh củi, bắp ngô, con cua con hến, giỏ cá suối,... được đồng bào chắt chiu, chọn lọc mang ra chợ buôn bán. Ðầu tiên chỉ người bản địa mới ăn được, còn người phương xa thì vô cùng lạ lẫm. Cho đến bây giờ, khi du lịch phát triển, nhu cầu thưởng thức cũng cao hơn, những món ăn gắn liền với tự nhiên, bản sắc văn hóa càng được ưa chuộng. Có lẽ nhờ vậy, những thứ thuộc về rừng núi, được người dân và khách du lịch lùng mua.
Tính từ sân bay và các điểm di tích lịch sử, chợ Mường Thanh nằm ở một vị trí đắc địa. Nếu tưởng tượng khu vực này là một chiếc quạt nan, thì vị trí của chợ Mường Thanh chính là phía tay cầm của quạt, còn những địa điểm khác là những nan quạt vươn ra. Chợ Mường Thanh cách sân bay khoảng 2 km, cách bến xe trung tâm khoảng 1 km, tính từ tượng đài chiến thắng 1,5 km và đồi A1 khoảng 1 km. Có lẽ vì vậy mà nơi đây thu hút rất nhiều người dân đến trao đổi và buôn bán. Khách đến chợ, nếu không mua thực phẩm thì cũng chẳng thiếu lựa chọn với cơ man nào là hoa, bánh trái đặc sản địa phương.
Trải nghiệm phiên chợ họp ngoài trời, tha hồ thu vào tầm mắt mây trắng trời xanh, đồi núi trập trùng miền sơn cước, ngắm nghía những cô gái Thái duyên dáng với áo cóm lấp lánh khuy bạc và búi tóc “tằng cẩu” (tục lệ vấn tóc trên đỉnh đầu của người phụ nữ Thái sau khi kết hôn)... sẽ tạo cảm giác thật thú vị. Ðó sẽ là cảm giác về với những điều bình dị, hoang sơ mà rất đỗi thân thương.