Tháo gỡ triệt để hạ tầng để TPHCM bước vào kỷ nguyên mới

|

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế TPHCM, cơ sở hạ tầng là một trong ba thách thức lớn của TPHCM trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để bước sang kỷ nguyên phát triển mới. Tập trung giải quyết thách thức này là cách tiếp cận hiệu quả nhất, góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của TPHCM.

Sáng 25-12, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) và Cục Thống kê TPHCM phối hợp tổ chức Tọa đàm Kinh tế TPHCM: Phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới.

TS Hồ Hoàng Anh đại diện nhóm thực hiện trình bày kết quả. Ảnh: MAI HOA

Thay mặt nhóm thực hiện, TS Hồ Hoàng Anh (UEH) cho biết qua nghiên cứu đánh giá, kinh tế Thành phố trong năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ vào tăng trưởng của ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tuy nhiên, Thành phố đang còn phải đối mặt với ba thách thức lớn trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để bước sang một kỷ nguyên mới với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Đó là thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; thách thức về cơ sở hạ tầng.

Nhóm nghiên cứu đánh giá TPHCM đang có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển ngành dịch vụ nói chung, trong đó trụ cột là thương nghiệp bán buôn bán lẻ và logistics.

Việc tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một thành phố đáng sống. Tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của Thành phố trong năm 2025 và đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM phát biểu. Ảnh: MAI HOA

Thảo luận thêm, Phó Giám đốc Sở Công thương - Nguyễn Nguyên Phương, cho biết hiện nay chi phí logistics ở TPHCM đang rất cao so với Singapore, Bangkok. Doanh thu bán lẻ tăng, nhưng bán buôn ở TPHCM lại giảm, nguyên nhân là các doanh nghiệp bán buôn chuyển về đăng ký thủ tục ở các địa phương lân cận khi TPHCM thu phí hạ tầng để đầu tư cho các cảng biển.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TPHCM, cũng nhận định hạ tầng là yếu tố quyết định nhất để thu hút đầu tư cho TPHCM. Nhưng nguồn lực đầu tư hạ tầng cho TPHCM lại rất hạn chế, do tỷ lệ điều tiết ngân sách có sự thay đổi lớn qua từng giai đoạn. Nếu như năm 2000-2003 TPHCM được để lại 33% ngân sách thì đến giai đoạn 2017-2021 chỉ còn 18%.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân. Ảnh: MAI HOA

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, dù tỷ lệ giải ngân đầu tư công có thể chưa cao, nhưng tính về giá trị, trong 5 năm 2011-2016 TPHCM giải ngân 110.000 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, chưa đầy 4 năm nhưng TPHCM giải ngân 150.000 tỷ đồng.

“Số vốn này hỗ trợ cho tăng trưởng, giảm ùn tắc giao thông. Dù chưa hài lòng nhưng cũng là nỗ lực rất lớn của TPHCM. Trong giai đoạn 4 năm nay, TPHCM xây xong 18 cây cầu, khánh thành được tuyến metro…”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.

Cùng hướng đến yếu tố giá trị tạo ra, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng cũng cho rằng tăng trưởng của TPHCM chưa đạt như kỳ vọng, nhưng vẫn là đầu tàu cả nước. Tính ở giá trị mang lại thì 1% tăng trưởng của TPHCM tương đương với 1,2% của Hà Nội, hơn 4% của Hải Phòng, 14,5% của Đà Nẵng, 17,3% của Cần Thơ.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng trao đổi thêm về số liệu tăng trưởng của TPHCM. Ảnh: MAI HOA

Trong ngành nghề cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng cần tiếp tục tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Theo ông, Việt Nam chưa xác định bất động sản là một trụ cột của nền kinh tế, mà coi nó là một thị trường rủi ro. Từ cách tư duy rủi ro như vậy dẫn đến những chính sách “vô lý”, “bóp nghẹt” nguồn cung dự án, hạn chế khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.

Từ đó, căn hộ “có giá vừa túi tiền” dần biến mất. Trong 11 tháng đầu năm 2024 tại TPHCM chỉ có 4 dự án đủ điều kiện đưa ra thị trường để huy động vốn, với tổng số 1.611 căn hộ, trong khi năm 2017 là 43.000 căn. Đặc biệt, tất cả 4 dự án kể trên đều thuộc phân khúc cao cấp.

Ông Lê Hoàng Châu phát biểu về gỡ khó cho thị trường bất động sản. Ảnh: MAI HOA

Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và Sẵn sàng sang kỷ nguyên mới là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do UEH và Cục Thống kê TPHCM phối hợp thực hiện, với sự cố vấn của: GS-TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng UEH; GS-TS Sử Đình Thành, Giám đốc UEH; Th.S Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM; GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, UEH; PGS-TS Phạm Khánh Nam, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH.

Nhóm tác giả thực hiện báo cáo gồm TS Hồ Hoàng Anh, UEH (chủ biên); ThS Nguyễn Văn Thắng, Cục Thống kê TPHCM (đồng chủ biên); Lê Minh Hùng, Cục Thống kê TPHCM; TS Nguyễn Thanh Bình, Cục Thống kê TPHCM; ThS. Võ Đức Hoàng Vũ, UEH.

GS-TS Sử Đình Thành (giữa) cùng GS-TS Nguyễn Trọng Hoài (phải) và ông Nguyễn Khắc Hoàng (trái) chủ trì tọa đàm. Ảnh: MAI HOA