TPHCM: Đưa vào sử dụng 18 dự án trường học trước khai giảng năm học mới

|

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có báo cáo tình hình chuẩn bị năm học mới 2024-2025. Theo đó, toàn thành phố dự kiến tăng 24.097 học sinh, trong đó có 17.288 học sinh công lập và 6.809 học sinh ngoài công lập.

Cụ thể, bậc mầm non tăng 6.262 học sinh, cấp THCS tăng 7.022 học sinh, THPT tăng 16.999 học sinh, riêng bậc tiểu học giảm 6.185 học sinh.

Trước đó, trong năm học 2023-2024, số học sinh không có hộ khẩu thường trú tại TPHCM là 347.962 em, chiếm tỷ lệ 20,67% tổng số học sinh toàn thành phố.

Bình quân mỗi năm số học sinh tăng thêm ở các cấp học khoảng 25.000 em khiến sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn quy định (nhất là cấp tiểu học), số lượng học sinh học 2 buổi/ngày giảm, chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, trên địa bàn một số quận, huyện, nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) trong lễ khai giảng năm học 2023-2024

Trong bối cảnh đó, việc triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa triệt để tại các quận, huyện do còn thiếu quỹ đất sạch, nhiều dự án chưa triển khai do đất vướng quy hoạch, các vấn đề phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu kinh phí...

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học 2024-2025, TPHCM vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.

Dự kiến trong năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới với tổng mức đầu tư hơn 2.237 tỷ đồng.

Trong đó, ngày 5-9, thành phố đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới với tổng mức đầu tư hơn 1.970 tỷ đồng.

Từ ngày 5-9-2024 đến hết tháng 12-2024, thành phố tiếp tục đưa vào sử dụng 5 dự án với 63 phòng học mới với tổng mức đầu tư 267 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm học 2024-2025, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, triển khai các kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, kết hợp với tăng cường xã hội hóa và thu hút các nguồn lực đầu tư giáo dục.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ đạt tỷ lệ 296 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) vào cuối năm 2024.

Hối hả trên công trường xây trường học mới