Cà Mau: Quyết liệt chống khai thác thủy sản kiểu hủy diệt

|

Sau một thời gian thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26-2-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (Chỉ thị 17), về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Vì vậy, mà nguồn lợi thủy sản cũng dần được “hồi sinh”.

Lực lượng công an và chính quyền địa phương vận động người dân trên địa bàn xã Khánh Thuận (huyện U Minh) giao nộp thiết bị khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt.

Thực hiện nghiêm

Qua ghi nhận thực tế tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tình trạng người dân sử dụng xuyệt điện để bắt cá tôm đã giảm rõ rệt, một số xã đã “xóa trắng”. Còn trên các sông rạch, chính quyền địa phương cương quyết giải tỏa hàng đáy, nò, lú... Do đó, không chỉ giao thông được thông thoáng mà các loài thuỷ sản, nhất là con giống, cá non có được môi trường thuận lợi để sinh trưởng và phát triển. Ông Quách Văn Cảnh (ngụ xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Hiện trên địa bàn không còn cảnh người dân đổ xô đi bắt cá kèo giống, cua giống vào mùa sinh sản. Khi nguồn lợi ngoài tự nhiên dần khôi phục thì trong các vuông tôm cũng có lại nhiều hơn trước.

Huyện Đầm Dơi là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17. Theo đó, huyện đã cho trên 240 đối tượng ký cam kết chấm dứt không sử dụng xung điện để khai thác thuỷ sản. Vận động các đối tượng hành nghề khai thác thuỷ sản tận diệt ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề. Đến nay, đã có 94 đối tượng giao nộp công cụ kích điện, 34 đối tượng bị cơ quan chức năng bắt và tịch thu công cụ kích điện; 12 đối tượng đã chuyển đổi làm các nghề khác.

Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra phát hiện 67 vụ với 71 đối tượng sử dụng công cụ kích điện khai thác thuỷ sản trái phép. Qua đó, đã lập biên bản, chuyển hồ sơ vi phạm đến chủ tịch UBND các xã, thị trấn ra quyết định xử phạt 65 vụ, 68 đối tượng với số tiền 274 triệu đồng. Riêng vụ Lê Văn Tình (sinh năm 1991, ngụ xã An Phúc, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) vi phạm trên địa bàn xã Tân Thuận đã bị TAND huyện Đầm Dơi xét xử lưu động vào ngày 18-9-2024 nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

Đầm Thị Tường từng bị bao chiếm, khai thác thuỷ sản quá mức nay đã được giải toả vì thế mà các loại thuỷ sản cũng dần “hồi sinh”

Còn tại huyện U Minh, bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, thời gian qua huyện đã vận động người dân giao nộp được 387 bộ dụng cụ kích điện; các đơn vị, địa phương đã tổ chức ký cam kết được 58 tổ chức, cá nhân kinh doanh ngư cụ, thiết bị điện. Tổ chức ký cam kết được 8.769 trường hợp đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Qua đó, phát hiện hơn 30 trường hợp vi phạm, xử phạt 125 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy 32 bộ công cụ kích điện.

Bà Trần Hồng Ửng cũng thông tin, Phòng NN-PTNT huyện đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện 3 dự án nuôi cá đồng gắn với bảo vệ nguồn lợi để khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng với quy mô 33 hộ, 48 ha (tại xã Khánh An, Khánh Thuận và Nguyễn Phích). Đến thời điểm hiện tại đã thả giống được 230.100 con giống (cá sặc rằn 117.600 con, cá trê vàng 112.500 con). Phối hợp với Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, UBND Nguyễn Phích xây dựng một mô hình bảo vệ nguồn lợi cá đồng với quy mô 76 hộ, 40 ha.

Thực hiện Chỉ chỉ 17, cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt

Nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài

Mặc dù nhiều địa phương đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nghiêm túc nhưng tình trạng khai thác thuỷ sản quá mức, khai thác mang tính tận diệt vẫn còn xảy ra. Nhiều người dân, vì lợi ích trước mắt mà khai thác cả cá non, nhất là đối với những vùng ngọt. Lý giải về nguyên nhân, ông Hồ Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nói: Do một bộ phận dân cư thuộc diện hộ nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất, coi đây là kế mưu sinh nên việc khai thác với mọi hình thức tận thu nguồn lợi thuỷ sản để kiếm sống, còn khai thác quá mức, chưa đi đôi với việc tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Thông tin về thực hiện Chỉ thị 17, ông Nguyễn Bá Thành, Phó Bí thư Huyện uỷ Đầm Dơi cho biết, đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến cấp uỷ, tổ chức đảng, các ngành, cơ quan, đơn vị, cán bộ và nhân dân. Yêu cầu các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện; tổ chức tuần tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Qua đó, ý thức trách nhiệm của người dân từng bước được nâng lên. Vì vậy, nguồn lợi thuỷ sản cũng dần được hồi phục và người dân cũng thấy được hiệu quả nên cũng đồng thuận cao.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Thành thông tin: Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các Đảng ủy, Chi bộ trực thuộc Huyện ủy, các cơ quan ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tăng cường tuyên truyền, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17, xử lý dứt điểm khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính tận diệt; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của các cấp ủy, chính quyền.

Thực hiện quyết liệt, thường xuyên các nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, nhất là đánh bắt, khai thác, mua bán cá non trong mùa mưa; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để tái diễn tình trạng sử dụng các phương tiện, ngành nghề khai thác, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện để khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt.

Ông Nguyễn Bá Thành cũng cho biết, Huyện uỷ chỉ đạo tổ chức quản lý các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn huyện theo quy định gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển các loại hình nuôi theo hướng bền vững. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ nêu trên với quyết tâm chính trị cao nhất, tránh buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tình trạng khai thác thủy sản vi phạm pháp luật tại địa phương, đơn vị mình.