3 bố con thay nhau đi viện vì bệnh tan máu bẩm sinh

|

Khi thấy người mệt mỏi, chóng mặt,… anh Văn được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Tại đây, các bác sỹ kết luận anh bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

Bữa cơm của gia đình anh Văn thường đạm bạc, không đủ chất.

Anh Văn sinh ra trong gia đình bố là bộ đội phục viên, mẹ làm nông và buôn bán vặt ở chợ xép trong làng. Hơn 10 năm trước, cuộc sống gia đình tuy có nhiều khó khăn nhưng yên vui vì còn đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Cuộc sống gia đình anh Văn bắt đầu đảo lộn, cơ cực từ năm 2009. Năm này, sau một thời gian lâm bệnh, ông Ngô Hy Vọng, bố anh Văn, một cựu chiến binh chiến trường Quảng Trị, đã ra đi vì căn bệnh K gan quái ác. Năm 2013, anh trai đầu của anh Văn mất vì bệnh tim. 28 Tết Mậu Tuất vừa qua, chị gái anh Văn cũng mất vì bệnh liên quan đến tim.

Cách đây gần 10 năm, anh Văn đi làm bảo vệ cho một công ty tại Hà Nội. Khi thấy người mệt mỏi, chóng mặt,… anh được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Tại đây, các bác sỹ kết luận anh bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Vì sức khỏe không cho phép nên anh về lại quê, làm các công việc lặt vặt trong gia đình và chăm con.

Giấy ra viện trong đợt điều trị mới nhất của anh Ngô Anh Văn

Nhưng, thật oái oăm, khi anh Văn về quê để nghỉ ngơi chữa bệnh thì cũng là lúc phát hiện người con đầu là cháu Ngô Anh Dũng (sinh năm 2008) bị bệnh tương tự như bố. Năm 2011, cháu Ngô Văn Mạnh mới sinh ra đã được chẩn đoán mắc bệnh giống bố và anh.

Vậy là từ đó, 3 bố con thay nhau đi viện, nhiều nhất là Trung tâm Huyết học – Truyền máu tỉnh Nghệ An. Em Mạnh “yếu nhất nhà” nên có tháng phải đi viện 2 lần, còn bình thường tháng nào 3 bố con cũng thay nhau đi viện, có thời điểm cả 3 bố con cùng ăn cơm ở viện. Mỗi lần đi viện phải nằm ít nhất từ 7-10 ngày. Tết năm 2016 cả 3 bố con cùng đón Tết trong bệnh viện.

Anh Văn buồn rầu tâm sự: “Cách đây 2 năm nhà em mới được bảo hiểm dành cho hộ nghèo nên tiền đi viện cũng đỡ. Còn như trước đây, mỗi lần đi viện, tính ra mất từ 5-7 triệu đồng. Em giờ danh nghĩa là người trụ cột trong gia đình nhưng phải sống nhờ vào thu nhập của mẹ, của vợ. Thật không biết nghĩ sao nữa, buồn lắm anh ạ. Công việc của em bây giờ là ăn, rồi luẩn quẩn ở nhà và đợi đi bệnh viện. Nhiều lúc em thấy mình bất lực, muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến hai đứa con, đến mẹ, đến vợ lại phải cố”.

Hiện nay, ngoài 2 sào ruộng, chị Lê Thị Thanh - vợ anh Văn đi rửa bát thuê cho các đám tiệc trong vùng. Bà Dần, mẹ anh Văn, thì ngày ngày muối dưa, muối cà mang ra chợ bán.

Trưa, đợi mãi không thấy mẹ về, đói bụng, Dũng và Mạnh giục ăn cơm. 4 bà cháu, bố con mời tôi cùng ngồi vào mâm cơm đạm bạc chỉ có dưa, cà, nước mắm và một đĩa thịt ba chỉ nhỏ. Tôi từ chối, chụp vội tấm ảnh rồi chào ra về. Bà Dần tiễn tôi ra ngõ, đến chỗ khuất, bà rơm rớm nước mắt: “Nói thật với chú, nói chú đừng cười. Sáng ni biết chú lên để tìm hiểu hoàn cảnh giúp cho em nó nên tôi phải mua mấy lạng thịt ba chỉ về luộc. Bình thường thì thay phiên đôi bữa mới có thịt có cá, mà bữa nay cũng không phải phiên ăn thịt. Ý định mời chú ăn cơm mà thấy nhà chỉ có rau dưa với nước mắm thì nó không phải lắm, mà tội là tội thằng Dũng thằng Mạnh lắm chú ơi!”.